Nhóm cắt nhịp cầu Ghềnh cũ bán sắt vụn có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 05/05/2023 15:56 PM (GMT+7)
Thấy các nhịp cầu Ghềnh bị gãy không người trông giữ, Hiếu cùng đồng bọn dùng máy cắt thành từng đoạn sắt ngắn rồi đem bán. Với hành vi này, các đối tượng có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa khởi tố Nguyễn Ngọc Hiếu, 38 tuổi, trú Đồng Nai cùng 3 người khác về tội trộm cắp tài sản.

Theo điều tra, sau khi cầu Ghềnh bị sập năm 2016, cơ quan chức năng đã trục vớt, tháo dỡ đưa về khoảng đất trống nằm trong Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa.

Do là tang vật vụ án liên quan phần dân sự bồi thường thiệt hại trong vụ sập cầu Ghềnh nên những nhịp này chưa được xử lý. Lợi dụng nhiều năm nay không có người trông coi, Hiếu cùng đồng phạm bàn nhau đưa thuyền vào bên trong cắt trộm.

Từ đây, lợi dụng trời tối, cả nhóm đưa thuyền vào, dùng bình gió đá, máy cắt sắt để cắt các nhịp cầu Ghềnh thành từng đoạn ngắn rồi chở về tập kết tại bến đò phường Bửu Hòa và Tân Hạnh, TP Biên Hòa. Tang vật được bán cho người thu mua phế liệu.

Tháng 11/2022, Chi cục Thi hành án TP Biên Hòa phối hợp với Viện KSND TP Biên Hòa kiểm tra định kỳ vật chứng trong vụ án thì phát hiện 4 nhịp cầu bị cắt rời, nhiều thanh sắt (tổng trọng lượng khoảng 18 tấn) và một sà lan (trị giá khoảng 150 triệu đồng) bị lấy trộm.

Vào cuộc điều tra, cảnh sát xác định Hiếu cùng Cao Văn Viên (48 tuổi, quê An Giang), Nguyễn Văn Ngọc (22 tuổi) và Ao Thành Đạt (25 tuổi) liên quan vụ án, đã bắt giữ. Một nghi can khác đang bỏ trốn.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước và liên quan đến vật chứng trong vụ án hình sự mà cơ quan điều tra đã khởi tố trước đó.

Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan, tiến hành định giá tài sản làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu giữ vật chứng của vụ án này, tiến hành định giá giá trị tài sản bị trộm cắp làm cơ sở để xác định tính chất mức độ hành vi phạm tội.

Trường hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, các đối tượng có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài hành vi trộm cắp tài sản, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc tiêu thụ số sắt trong vụ này được thực hiện như thế nào để xác định có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có hay không, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

"Hành vi của các đối tượng không chỉ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng trong vụ án hình sự trước đó nên việc xử lý sẽ nghiêm minh nhằm răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem