Nỗ lực đưa Đan Phượng - lá cờ đầu NTM thành phố là “nơi đáng sống”

Hải Đăng Thứ hai, ngày 29/04/2019 15:30 PM (GMT+7)
Là địa phương đầu tiên của Hà Nội về đích huyện nông thôn mới (NTM), hiện Đan Phượng đang tiếp tục khẳng định là lá cờ đầu trong xây dựng NTM nâng cao của thành phố.
Bình luận 0

Xã nói không với hộ nghèo

Nằm ven sông Đáy, xã Song Phượng là một trong số ít địa phương của Hà Nội đến nay không còn hộ nghèo. Điều này giúp xã tiến một bước lớn trên con đường về đích NTM nâng cao. Ông Bùi Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, hàng năm, xã chủ động ban hành nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế gắn với phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm thúc đẩy nông nghiệp theo hướng bền vững, giá trị cao và an toàn thực phẩm.

  Nghề trồng hoa đang mang lại thu nhập cao cho người dân các xã của huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

"Hiện, Đan Phượng đang tập trung xây dựng mô hình điểm ở một số xã, từ đó bổ sung kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo các xã khác, phấn đấu hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2020”.

Ông Nguyễn Tất Thắng

"Ấn tượng nhất là việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương đã có bước tiến mới mang lại giá trị khoảng 402 triệu đồng/ha" - ông Đức nói.

Bên cạnh đó, xã cũng tập trung tổ chức đào tạo nghề cho lao động theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong 3 năm triển khai giai đoạn 2 Chương trình xây dựng NTM (2016 - 2018), đã có gần 200 lao động được đào tạo nghề. Đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm của xã lên tới 99,5%.

Ông Đức cho biết thêm, hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp, Song Phượng cũng là một điểm nhấn khi mỗi năm đơn vị cho khoảng 50 - 60 hộ vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn quỹ, với số vốn khoảng 2 tỷ đồng. Hiện, HTX cũng đã xây dựng được 1.000m2 nhà màng, nhà lưới trồng rau công nghệ cao. Bên cạnh đó là 20ha hoa, trên 17ha bưởi tôm vàng, 21ha cây ăn quả và 64ha rau màu đang phát huy hiệu quả.

Công tác trợ giúp hộ nghèo xây dựng nhà ở cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Từ năm 2016 - 2018, đã có 15 trường hợp là đối tượng chính sách, người có công và hộ nghèo được hỗ trợ tu sửa nhà ở với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã đã không còn nhà ở tạm, dột nát. "Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, đến nay, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm" - ông Đức khẳng định.

Được biết, Đảng bộ của 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đã nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “trong sạch, vững mạnh” và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đợt đánh giá vừa qua của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP.Hà Nội, cả 3 xã đều đủ điều kiện trình UBND thành phố xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao...

Trở thành “nơi đáng sống”

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, hiện nay, huyện đang bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó, chú trọng các tiêu chí về xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa, môi trường, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đang áp dụng những cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng đời sống, xã hội, vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, để nông thôn thực sự trở thành những nơi đáng sống.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội khẳng định: Huyện Đan Phượng là mô hình mẫu trong xây dựng NTM để các địa phương cùng học tập kinh nghiệm. Dù đã có nhiều đổi thay theo hướng đi lên, nhưng các phong trào như “đường có hoa, nhà có số, phố có tên” vẫn đang diễn ra sôi nổi.

"Đến bất cứ địa phương nào của huyện Đan Phượng cũng dễ dàng nhận ra những con đường kiên cố hóa bêtông sạch đẹp, hai bên là cây xanh, hoa tươi được trồng rất đẹp mắt. Các ngôi nhà đều được đánh số rõ ràng, trên các đường đều có tên cụ thể" - ông Mỹ khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem