Nỗi niềm người mẹ tử tù Lê Văn Mạnh

Hồng Đức Thứ hai, ngày 02/11/2015 14:30 PM (GMT+7)
Trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, bà Nguyễn Thị Việt (SN 1960, ở thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, Thanh Hóa) - mẹ đẻ của tử tù Lê Văn Mạnh - tâm sự với chúng tôi trong nước mắt về hoàn cảnh trớ trêu của gia đình mình.
Bình luận 0

Lê Văn Mạnh bị bắt ngày 20.4.2005 với cáo buộc hiếp dâm, sát hại nạn nhân Linh (14 tuổi), người cùng xã.

Bản án hình sự sơ thẩm ngày 29.7.2008 vụ án Lê Văn Mạnh của TAND tỉnh Thanh Hóa xác định, khoảng 17h ngày 21.3.2005, trong lúc đi tìm trâu ở bờ sông Cầu Chày, Mạnh thấy bé Linh đang đi vệ sinh nên lén lút lại gần, bịt miệng khống chế rồi thực hiện hành vi hiếp dâm. Nạn nhân chống cự liền bị Mạnh hành hung. Mạnh sau đó ôm xác nạn nhân lội qua sông Cầu Chày giấu vào bụi cây rậm ở bờ sông thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Sợ bị phát giác, Mạnh xé quần áo của nạn nhân làm dây quấn quanh cổ nhằm tạo hiện trường giả một vụ thắt cổ tự vẫn.

Chịu nhiều đắng cay

Vừa từ Hà Nội trở về ngày 28.10, bà Việt đang khá mệt mỏi vì say tàu xe. Bà bảo: “Không biết số kiếp con người ra sao, nhưng phận tôi quá tủi nhục. Hơn 10 năm nay, con tôi bị tuyên án, phạt tù. Nếu nói ra, nhiều người không tin, bởi ai là mẹ mà chả xót con. Nhưng, tôi vẫn có một niềm tin vào công lý và bằng chính linh cảm của người đã đẻ ra nó (tử tù Lê Văn Mạnh), nên dù thế nào, tôi cũng phải kêu cho con tôi. Còn nước còn tát chú ạ!”.

img

Bà Việt cùng con trai và đứa cháu nội bên bức thư kêu oan viết trên áo của tử tù Lê Văn Mạnh. Ảnh: Hồng Đức

Bà Việt bảo, bà còn nhớ như in cái ngày cháu Linh qua đời, vì cháu chết ở khu vực sông Cầu Chày, gần nhà bà. Là người cùng làng, khi nghe nói cháu bị đuối nước, cả 3 bố con Mạnh (ông Chính, Mạnh và em trai Mạnh) đều lao xuống sông mò xác cháu bé. “Khi mò xác cháu bé, cái quần đùi của thằng Mạnh bị rách, bị mọi người chế giễu, nên nó cởi ra vứt đi. Ai ngờ, sau này chiếc quần ấy lại được xem là một trong những vật chứng, để buộc nó phải nhận án tử hình” - bà Việt nói.

Ngồi cạnh bà Việt, Lê Văn Cường - em trai Mạnh, cho hay: “Hơn 10 năm nay, từ khi anh Mạnh bị tuyên án tử hình, mẹ tôi đã đội đơn kêu oan khắp mọi nơi, nhưng không thấu”.

Còn sống, còn kêu oan cho con

Đó là bộc bạch của bà Việt về việc bà đi kêu oan cho con trai trong suốt 10 năm qua.

Bà Việt cho biết: “Khi tòa tuyên án tử hình nó, nó khóc và bảo tôi rằng, mẹ ơi, con bị oan. Chỉ có mẹ mới là người hiểu con, nên mẹ phải đi kêu oan cho con. Nếu không, con chết oan quá. Tôi là mẹ nó, nên mỗi lần vào trại thăm nuôi con, đều nghe nó khóc và nói vậy. Chính vì thế, hơn 10 năm nay, tôi đã đội đơn kêu oan cho con khắp nơi, mọi chốn. Vừa rồi, khi biết thông báo của tòa án về việc thi hành án tử hình với nó, nó bảo tôi rằng, nếu con bị xử tử oan, thì con xin bố mẹ không được mang xác con về nhà. Vì thế, tôi còn sống ngày nào, còn chút sức lực nào, tôi còn đi kêu oan cho con mình ngày đó. Vì tôi vẫn có niềm tin sâu sắc vào công lý”.

Vì niềm tin vào công lý, suốt 10 năm, người phụ nữ ấy  không nhớ đã bao nhiêu đêm phải ngủ ở vỉa hè để sáng hôm sau tới các cơ quan có thẩm quyền gửi đơn kêu cứu.

“Lúc nào chăn nuôi tốt, gom được kha khá tiền tôi đều ra Hà Nội. Có lúc túng bấn, bòn vét bán từng mớ rau thì phải mấy tháng mới đủ trang trải một chuyến đi" - bà Việt kể.  

Bà Việt bảo, cuộc đời bà đã trải qua biết bao truân chuyên, đau khổ và tủi hổ. Hai đứa con trai của bà chết đuối ở sông Cầu Chày, một đứa sinh năm 1989 (chết đuối năm 1997) và một đứa sinh năm 1999 (chết đuối năm 2005). Sự việc gia đình đang xảy ra như vậy, thì tháng 4.2005, hai anh em Mạnh, Cường bị bắt...  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem