Chiến lược "đóng trước, mở sau" để sống chung với Covid
Nín thở chờ quyết sách "sống chung với Covid"
Nguyễn An Thanh
Thứ tư, ngày 15/09/2021 08:36 AM (GMT+7)
Đến giờ TP.HCM đã phong tỏa ngày thứ 66, còn Hà Nội đã vượt ngoài con số 50. Không ít địa phương đang nhìn vào 2 đầu tàu, "cõng" tới 45% GDP cả nước đưa ra quyết sách lớn gì trước giờ G sau một thời gian dài đóng băng các hoạt động theo tinh thần Chỉ thị 16.
Lấy cái mốc 15/9 thì đúng là tình hình sáng sủa trông thấy, khi 8.000 nhân viên y tế của 12 tỉnh thành hỗ trợ đã tiêm trên 500 ngàn mũi/ngày ở Hà Nội, còn TP.HCM khi tốc độ được đẩy lên 250 ngàn mũi/ngày thì đến giờ G sẽ đạt 100% mũi 1 và 33% mũi 2 cho công dân từ 18 tuổi trở lên.
Sau khi đạt kế hoạch bước đầu về tiêm vaccine, câu chuyện phải làm tiếp theo lúc này là gì? Câu chuyện mở cửa cho dân mưu sinh, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh đã đến lúc cấp bách hơn bao giờ hết.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chiều 9/9, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho hay, ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần 4 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Trên thế giới, một số quốc gia đã mở cửa trở lại, nhu cầu ở châu Âu tăng mạnh, nhưng do không thể sản xuất được nên 18% đơn hàng của các doanh nghiệp châu Âu đã được chuyển đi và 16% đơn hàng khác đang cân nhắc chuyển sang nước khác. Dù chưa có các nhà đầu tư nào rút ra khỏi Việt Nam nhưng Chủ tịch EuroCham mong muốn, Chính phủ hành động sớm để kiểm soát dịch bệnh, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngay cả quốc gia giàu có, có nền khoa học tiên tiến ở hàng top thế giới như Mỹ, hay có tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao như Israel mà còn thất bại với nỗ lực loại bỏ virus, chấp nhận "sống chung với virus", thì Việt Nam mà cụ thể Hà Nội, TP.HCM phải khẩn trương từ bỏ chiến lược "Zero Covid". Trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu, chúng ta không thể mãi "đơn phương, độc mã" mà phải liên tục cập nhật tình hình, điều chỉnh chiến thuật cho phù hợp với tình hình.
Như vậy, vấn đề thay đổi chiến thuật đang nằm ở Bộ Y tế. Nói cách khác, "quả bóng" đang nằm trong chân Bộ Y tế khi quyết định sẽ nới "vòng kim cô" để Hà Nội, TP.HCM có thể kết thúc đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 nằm tại các con số quy định tại quyết định 3979 và 3989 của Bộ Y tế.
Đây là các văn bản Bộ Y tế ban hành trung tuần tháng 8, chi tiết hóa việc đóng-mở giãn cách khi quyết tâm theo đuổi chiến lược "Zero Covid". Theo đó, các tỉnh thành chỉ được "tháo vòng kim cô" khi đáp ứng 2 tiêu chí: Nhóm chỉ số về ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn và Nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm.
Các quy định này đều khó để các tỉnh, thành thực hiện khi chuyển hướng "sống chung với virus". Với diễn biến tình hình dịch đã lan sâu rộng trong cộng đồng như ở TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai thì các quy định này đã không còn khả thi. Theo quy định cứng như thế với các địa phương chỉ có 1 trường hợp dương tính cũng không thể mở giãn cách được. Các quy định cách ly cũng như garo bệnh nhân, nếu chúng ta để thời gian lâu quá có thể làm cả đoạn chi bị hoại tử, phải cắt bỏ. Nếu tiếp tục chiến lược "Zero Covid", tiếp tục phong tỏa bất chấp tiêm vaccine đủ tỷ lệ sẽ gây ra đổ vỡ kinh tế và sinh kế là điều được dự báo.
Nếu như TP.HCM vẫn cần thêm 2 tuần thì Hà Nội đang xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9. Sau khi Bộ Y tế điều chỉnh quy định, Hà Nội sẽ mở cửa các dịch vụ thiết yếu theo kiểu "đóng trước, mở sau và đóng sau thì cho mở trước" qua một số thăm dò dư luận được cho là chính xác, được dân đồng tình cao. Như thế các dịch vụ thiết yếu như cắt tóc, quán ăn mang về sẽ được ưu tiên còn karaoke, matxa thì phải cần thêm thời gian.
Nếu như các Chỉ thị 15, 16 ra đời trong bối cảnh chiến lược hướng tới Zero Covid thì giờ đây các địa phương cần Chính phủ có các chỉ thị, hướng dẫn mới để áp dụng trong điều kiện bình thường mới.
Một GS.TS, nguyên hiệu trưởng Đại học Ngoại thương tâm huyết gửi Thủ tướng kiến nghị: "Các quy định phải căn cứ vào tình hình và nguy cơ gây bệnh. Vừa rồi công an phân vùng là để thuận tiện cho việc lập chốt, rào đường, kiểm tra giấy nên vùng quá rộng và không chuẩn. Nhiều quận, huyện chẳng có F0 nào cũng liệt vào vùng đỏ, gây khó khăn cho dân. Thiết nghĩ, sau 21/9 chỉ phong tỏa, giãn cách mấy ổ dịch (xã, phường, ngõ…) còn lại cho tự do. Trong nội thành nên bỏ chốt, bỏ rào đường bởi chả có quốc gia nào chỉ bằng mấy cái chốt cơ học mà cản được virus, dùng sức người đơn thuần để bịt việc lây nhiễm".
Đúng là virus không đơn thuần lây lan theo đơn vị hành chính, nhưng nhiều địa phương trong đó có Hà Nội đã khoanh "vùng đỏ" phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô là quá rộng. Khoanh rộng, để để dễ quản lý về mặt địa chính nhưng lại đẩy khó khăn về cho người dân, đóng băng cuộc sống quá mức cần thiết.
Chiến lược "sống chung với virus", không phải là giảm nhẹ công tác, nhiệm vụ chống dịch, quá coi trọng phát triển kinh tế. Thậm chí muốn "sống chung với virus" phải đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu cao hơn cho công tác phòng, chống dịch Covid so với những gì mà chiến lược hướng tới Zero Covid lâu nay đặt ra.
Đầu tiên là không chỉ tiêm vaccine cho 70% dân số trên 18 tuổi, các quốc gia khác đều khẳng đinh muốn "sống chung với virus" thì mục tiêu tiêm vaccine là 100% dân số, kể cả trẻ em khi có vaccine phù hợp, ai cũng phải tiêm (ai không tiêm bị mất nhiều quyền lợi). Điều này làm cho số lượng vaccine Việt Nam cần phải có tăng lên gần gấp đôi so với chiến lược và kế hoạch cũ.
Muốn "sống chung với virus" đòi hỏi ngành y tế phải tăng công suất chữa bệnh cho các ca mắc Covid bị bệnh đến mức cần phải vào bệnh viện và duy trì công suất điều trị ở mức cao trong một thời gian dài. Lâu nay chiến lược hướng tới Zero Covid sử dụng mạnh các cơ sở bệnh viện dã chiến được xây dựng nhanh, đến khi nào kiểm soát được dịch thì tháo dỡ. Áp lực phát triển và duy trì hệ thống bệnh viện Covid theo chiến lược mới cao hơn nhiều, tốn kém hơn nhiều.
Hướng tới mục tiêu "sống chung với virus" đòi hỏi phải áp dụng CNTT cho các hoạt động truy vết, quản lý cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine, cấp và quản lý hộ chiếu vaccine...để cập nhật và điều hành công việc nhanh chóng, thuận lợi.
Và cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là năng lực điều hành, chất lượng nguồn cán bộ tham gia chống dịch. Việc một lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, lúng túng không nắm được con số F0 phát sinh hàng ngày của địa phương khi Thủ tướng chất vất trong phiên họp trực tuyến được VTV đưa lên cho thấy có rất nhiều điều phải suy ngẫm về công tác cán bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.