Vẫn nhớ ngày đầu tiên non nớt bước chân vào nghề báo, toà soạn cử đi viết bài về
NSND Trịnh Thịnh.
Vẫn nhớ nhà bác ở một khu tập thể cũ, cửa sổ trông ra một cái ao nở đầy hoa bèo. Cuộc nói chuyện giữa một đứa bé mới vào nghề và một nghệ sĩ già đã trôi qua thế nào đó, 15 năm rồi không nhớ rõ nữa, nhưng sản phẩm nộp cho toà soạn là một chân dung rất buồn.
Anh thư ký tòa soạn bảo tôi: “Này, viết về một nghệ sĩ hài mà sao em viết buồn thế, đọc xong chả biết nên sống tiếp thế nào”.
NSND Trịnh Thịnh.
Tôi chẳng biết trả lời ra sao, ai bảo bác là nghệ sĩ hài thì kệ họ, riêng tôi chỉ thấy đó là một người buồn nhất thế gian. Buồn từ khuôn mặt, ánh mắt đến từng cử động và hơi thở. Nhìn vào nỗi buồn ấy, ai thích cười thì cười, ai thích khóc thì khóc, thế gian vẫn vậy mà.
Cái cảm giác buồn ấy tôi luôn nhìn ra ở các nghệ sĩ hài đích thực, nỗi buồn tôi nhìn thấy trên gương mặt bác, sau này còn ánh lên trên gương mặt của nghệ sĩ kịch câm Phúc Dĩ ở nhà hát Tuổi trẻ. Mới hay mọi nụ cười mà chúng ta có được, chỉ là sự phản chiếu của một nỗi buồn đã chìm tận đáy tâm can.
NSND Trịnh Thịnh, cùng với thế hệ của ông, có thể kể ra những người đã khuất bóng, như nghệ sĩ Dương Quảng, nghệ sĩ Trịnh Mai… đã là những cái tên nằm lòng trong tâm trí khán giả. Từ hồi TV còn hiếm hoi, các chương trình văn nghệ trên TV còn ít ỏi, Đài truyền hình VN cứ phải phát đi phát lại những tiểu phẩm hài mà các ông đã đóng, mà không hiểu tại sao, xem đi xem lại, lũ trẻ con chúng tôi vẫn ngả nghiêng cười.
Ấy là tài năng mà thôi. Tôi nhớ mãi giọng nói nồng ấm của bác Trịnh Thịnh, nhớ từng vai diễn của ông trong các bộ phim thời kỳ đầu của điện ảnh VN: “Chung một dòng sông”, “Vợ chồng anh Lực”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Vợ chồng A Phủ”, rồi về sau này, là “Giông tố”, “Lá ngọc cành vàng”, “Dịch cười”… nhưng ấn tượng nhất vẫn là “
Thằng Bờm”.
NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926 tại Hà Nội từng làm việc ở Ngân hàng Đông
Dương trước năm 1954. Sau 1954, ông bén duyên với điện ảnh với tư cách
là diễn viên lồng tiếng, tham gia sân khấu kịch.
Ông qua đời lúc 9
giờ 30 phút ngày 12.4 sau một thời gian bệnh nặng. Tang lễ NSND Trịnh
Thịnh sẽ được cử hành vào hồi 14 giờ 45 ngày 15.4 tại Nhà tang lễ số 5
Trần Thánh Tông (Hà Nội).
|
NSND Trịnh Thịnh hợp nhất với những vai diễn của những người đàn ông hơi cù lần, lận đận, có chút đau đời, những công chức cả đời khúm núm cấp trên, cả đời đi trên một đường kẻ đã vạch sẵn, những người cha có chút gia trưởng, cổ hủ, những ông nông dân chân chất, hiền lành… Bao nhiêu nhân vật đã từ sách từ phim đến với khán giả chân thật và sống động, cũng là nhờ tài năng của bác.
Bác Trịnh Thịnh đã đi hết con đường của ông, đã làm mọi thứ mà bác có thể làm, đã hồn hậu, ngớ ngẩn, buồn vui, đã lừ lừ đôi mắt của ông thằng Bờm mà khiến khán giả cười lăn ra như ngả rạ.
Một thế hệ nghệ sĩ như thế đã lần lượt theo nhau đi. Họ - nghệ sĩ đích thực bởi chẳng bao giờ nghĩ mình phải tỏ ra nghệ sĩ, phải khệnh khạng, khùng khoàng. Họ mang theo ký ức của chúng ta về một thời vàng son của ngôi nhà điện ảnh Việt Nam.
Họ là một góc tường bề ngoài nom cũ kỹ nhưng bên trong vững chãi, là một cánh cửa thoạt trông tưởng hoen rỉ nhưng tầng gỗ bên trong mối mọt không đời nào xông tới được. Bởi họ có những tính cách đẹp đẽ đích thực của con người - trước khi trở thành những bậc nghệ sĩ tài hoa.
Ôi tôi nhớ mãi cái dáng ngồi trông ra cái ao bèo nở hoa tím ngát của một ngày mùa hạ năm nào ấy. Người đàn ông có gương mặt buồn nhất thế gian, mặc một chiếc áo đông xuân ngả sắc cháo lòng, đã hiền từ nói chuyện cùng tôi, đã gieo vào tôi một cảm giác buồn mênh mang về đời sống.
Ở chỗ ở mới mà bác đã dọn đến ngày hôm qua, chắc cũng chẳng có gì vui hơn được đâu, bác nhỉ?
Lê Tâm (Lê Tâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.