Nuôi con "lộc trời" trên ruộng lúa, nông dân Thái Bình bỏ một vốn thu bốn lời

Thứ hai, ngày 23/01/2023 12:42 PM (GMT+7)
Huyện Thái Thụy (Thái Bình) đang có chủ trương xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình lúa - rươi, xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Bình luận 0

Xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy) nằm gần cửa sông Hóa đổ ra biển có nguồn nước lợ, thích hợp cho loài rươi sinh sống, phát triển. 

Là xã thuần nông nên rươi được xác định là con đặc sản cho thu nhập cao, tuy nhiên việc nuôi rươi mới chỉ dừng lại ở việc khoanh vùng tự nhiên nơi có con rươi sinh sống. 

Người dân còn ít kinh nghiệm và chưa nắm được quy trình về kỹ thuật quản lý môi trường và tác động kỹ thuật cải tạo vùng khoanh nuôi nên năng suất con rươi vẫn còn thấp, hiệu quả kinh tế vùng canh tác chưa cao. 

Để nâng cao hiệu quả nghề nuôi rươi, đồng thời khai thác hết tiềm năng, thế mạnh từ đất đai, ngành nông nghiệp phối hợp với UBND huyện Thái Thụy đã xây dựng và triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi rươi tại các xã Thụy Ninh, Thụy Việt, Hồng Quỳnh với tổng diện tích 133ha.

Nuôi con "lộc trời" trên ruộng lúa, nông dân Thái Bình bỏ một vốn thu bốn lời - Ảnh 1.

Người dân huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) thu hoạch con rươi. Ảnh: Báo Thái Bình.

Ông Bùi Hữu Chi, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh rươi Hồng Quỳnh cho biết: "Con rươi được người dân gọi là “lộc trời” bởi năng suất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Để nâng cao sản lượng rươi, người dân đã nói không với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, tuy nhiên gieo cấy lúa theo kiểu tận dụng, chưa từng nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị từ chính loại gạo sạch này. 

Được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chúng tôi đã thành lập HTX sản xuất, kinh doanh lúa gạo hữu cơ, sản phẩm con rươi với 11 thành viên trực tiếp sản xuất, 150 thành viên là các hộ có diện tích nuôi rươi. 

Ngoài được hỗ trợ giống rươi, phân bón hữu cơ và trang bị cơ sở vật chất; chúng tôi còn được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi; hỗ trợ xây dựng bao bì nhãn mác, tem, mã QR truy xuất nguồn gốc; xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá và giới thiệu sản phẩm lúa gạo và con rươi của địa phương... 

Không chỉ giúp ổn định sản lượng rươi thu hoạch, mô hình còn tạo sản phẩm gạo hoàn toàn hữu cơ với giá bán cao, từng bước giúp địa phương xây dựng thương hiệu nông sản theo hướng bền vững".

Theo tính toán ban đầu, mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại Thái Thụy cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 1,7 lần so với sản xuất truyền thống. Do chỉ gieo cấy 1 vụ/năm, sản xuất “thuần” hữu cơ nên sản phẩm gạo sạch từ vùng nuôi rươi được người tiêu dùng đánh giá cao, cung không đủ cầu.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Với mong muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương, từ thành công bước đầu của mô hình, thời gian tới huyện Thái Thụy xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình lúa - rươi tại xã Thụy Việt với diện tích khoảng 100ha.

Lưu Ngần (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem