Nuôi lợn, trồng rừng, mô hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu của một ông nông dân Hà Giang
Nuôi lợn, trồng rừng, mô hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu của một ông nông dân Hà Giang
Nguyễn Quân - Trang Thảo
Thứ ba, ngày 18/04/2023 19:08 PM (GMT+7)
Với khát khao thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cộng với sự cần cù, ông Phạm Văn Toán, thôn Vạt, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn, trồng rừng thu lãi 100 triệu đồng/năm.
Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại Vị Xuyên, vùng đất cách mạng. Mặc dù đã từng chịu sự tàn phá của bom, đạn đến từng gốc cây, ngọn cỏ. Thế nhưng đến nay, vùng đất này đã hoàn toàn "thay da đổi thịt" nương ngô, nương sắn kém hiệu quả đã được thay thế bằng những vườn cây ăn quả, trang trại chăn nuôi có giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Phạm Văn Toán, thôn Vạt, (xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên), một trong những hộ hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương, nhờ chịu khó, mạnh dạn trong phát triển kinh tế. Đến nay mô hình trồng rừng và chăn nuôi của gia đình ông cho thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Toán chia sẻ: Trước kia vùng đất Vị Xuyên khó khăn, bộn bề, thu nhập của người dân phụ thuộc vào canh tác cây ngô, cây sắn nên vô cùng khó khăn, cái đói cái nghèo cứ đeo bám theo. Gia đình ông cũng không ngoại lệ.
Không khuất phục trước những khó khăn, quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới để phát triển kinh tế. Nhận thấy mô hình nuôi lợn, trồng rừng phù hợp với điều kiện của gia đình, cùng với được cấp ủy chính quyền địa phương vận động, ông Toán đã ông đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn.
"Ở đây chỉ phù hợp với chăn nuôi con lợn vì vốn đầu tư ít và không chiếm quá nhiều diện tích. Năm 2018 tôi đã tận dụng diện tích 300m2 vườn tạp sau nhà để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn. Hiện tại gia đình tôi đang nuôi khoảng 70 con lợn và trồng 3ha rừng. Thu nhập từ nuôi lợn, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm" ông Toán cho biết thêm.
Cũng theo ông Toán, trước đây thì thị trường đầu ra tương đối ổn định, nhưng thời gian gần đây chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao nên cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế từ chăn nuôi ngoài nuôi lợn thương phẩm, gia đình ông nuôi thên cả lợn nái nhờ đó không phải mua lợn giống, chi phí cũng đỡ phần nào.
Trồng rừng, nguồn thu nhập lâu dài
Ngoài ra, địa bàn xã Việt Lâm diện tích trồng chè tương đối lớn, nhưng việc tiêu thu chè tươi của bà con còn gặp nhiều khó khăn, ông Toán đã đi tham khảo quy trình chế biến chè ở nhiều nơi. Sau khi nắm được kỹ thuật ông đã đầu tư mua máy móc gây dựng cơ sở thu mua và chế biến cho bà con.
Nhờ đảm bảo đúng quy trình chế biến cùng với kinh nghiệm lâu năm, chất lượng chè do gia đình ông sản xuất luôn được khẳng định và có tiếng trên thị trường, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá bán 150.000 - 250.000 đồng/kg chè khô. Tổng thu nhập từ trồng rừng và chăn nuôi sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) cho biết: Xã Việt Lâm xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nghiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương, do đó thời gian qua, xã đã có nhiều giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong đó tập trung phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế, năng suất, chất lượng cao, đồng thời xây dựng các mô hình trang trại, gia trại tạo thành sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, xã Việt Lâm cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật cho bà con; đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn vay, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm... để mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng sản lượng trồng trọt, chế biến nông sản nhằm mục đích tăng thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.