Ông Dương Trung Quốc nói về 3 nhóm giải pháp đấu tranh với Trung Quốc của Thủ tướng

Thứ bảy, ngày 31/05/2014 07:48 AM (GMT+7)
"Chúng ta muốn hữu hảo với Trung Quốc, đó là mục tiêu quan trọng, là truyền thống của ông cha chúng ta. Nhưng muốn hữu hảo, trước tiên phải bảo vệ được chủ quyền của mình" - ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ với phóng viên Dân Việt.
Bình luận 0
Trong phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, Thủ tướng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ông nghĩ gì với những giải pháp trên?

img
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

- Tôi cho rằng giải pháp của Chính phủ nêu ra là một sự nhất quán, phù hợp với hoàn cảnh và bản chất của sự việc. Chúng ta không thể không dùng lẽ phải làm sức mạnh trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc. Chúng ta có thể còn có yếu tố thua kém về một số lĩnh vực nên càng phải coi phương pháp đấu tranh bằng biện pháp hòa bình là hiệu hữu nhất. Ngoài ra, vấn đề Biển Đông không chỉ là chuyện riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì thế chúng ta phải tập hợp trên một mặt trận nữa, đó là mặt trận ngoại giao nhân dân.

Thủ tướng cũng nêu quan điểm không liên minh để chống ai, nhưng chúng ta có quyền liên minh để bảo vệ mình. Ông nghĩ sao về điều này?

Vị trí neo đậu mới của giàn khoan Hải Dương 981 vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vị trí neo đậu mới của giàn khoan Hải Dương 981 vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Bảo vệ bằng phương pháp hòa bình, khi cần thiết thì bảo vệ bằng sức mạnh vũ trang. Sự liên minh nhằm mục tiêu tối thượng là bảo vệ đất nước chứ chúng ta hoàn toàn không chống ai, không chống Trung Quốc. Chúng ta muốn hữu hảo với Trung Quốc, đó là mục tiêu quan trọng, là truyền thống của ông cha chúng ta. Nhưng muốn hữu hảo, trước tiên phải bảo vệ được chủ quyền của mình.

Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng từ sự kiện Biển Đông, Việt Nam và nhiều nước, trong đó có Mỹ đã có những bước đi xích lại gần nhau, ông nghĩ sao?

- Tôi không nghĩ theo một cách nhìn đơn giản là xích lại với ai mà hoàn toàn là vấn đề sắp xếp lại lợi ích. Tôi nghĩ chúng ta không thể quên thời kỳ chiến tranh với Mỹ, cũng không thể quên việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa (1974) có sự thỏa hiệp của Mỹ. Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Còn hiện nay, chúng ta cần phải liên kết tất cả các quan hệ để bảo vệ lợi ích của chúng ta, bảo vệ lợi ích của nhân dân thế giới, mong muốn tạo ra môi trường hòa bình.

Có ý kiến cho rằng sự kiện Biển Đông là sự thử thách nhưng cũng là cơ hội cho đất nước, ông nghĩ sao?

3 nhóm giải pháp đấu tranh với Trung Quốc
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ 3 nhóm biện pháp đấu tranh với Trung Quốc xung quanh giàn khoan hạ đặt trái phép. Một là sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thứ hai, đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Thứ ba, đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

- Sự kiện Biển Đông xảy ra là ngoài ý muốn của chúng ta và đúng đây là một sự thách đố nhưng cũng là cơ hội. Người ta nói nhiều về vấn đề ngoài biển nhưng tôi lại quan tâm đến vấn đề trong đất liền, vấn đề kinh tế chẳng hạn. Thủ tướng Chính phủ cũng từng nói chúng ta kiên quyết bảo vệ lợi ích ngoài Biển Đông nhưng cũng cố gắng gìn giữ mối quan hệ tích cực với Trung Quốc. Chúng ta nhìn nhận họ như một đối tác, nếu có môi trường lành mạnh thì sẽ đem lại lợi ích của hai nước. Chính vì thế đây là cơ hội để ta nhìn lại mối quan hệ với Trung Quốc mà lâu nay trên diễn đàn Quốc hội và dư luận vẫn lo ngại cách quản lý của chúng ta có phần nào lệ thuộc vào Trung Quốc, kể cả những kẽ hở về an ninh quốc phòng.

Thế còn cơ hội với các nước khác, đặc biệt là Mỹ thưa ông?

- Nhìn lại quan hệ với Trung Quốc cũng là để chúng ta củng cố mối quan hệ với các nước khác. Tôi lấy ví dụ về vấn đề kinh tế, người ta cũng rất băn khoăn lo lắng về thị trường Trung Quốc, đây là thị trường thu hút rất lớn nhưng nó thu hút rất dễ dãi, nó làm cho tập quán sản xuất của người Việt Nam, đặc biệt là người nông dân sản xuất không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, làm cho thị trường bị lệ thuộc. Rõ ràng đây là cơ hội để chúng ta nhìn nhận và điều chỉnh lại, chúng ta phải tìm nguồn lực thị trường ở những nước khác. Câu chuyện cá basa là rõ nhất, khi chúng ta vướng với thị trường Mỹ thì chúng ta đã tìm và mở ra thị trường ở châu Âu. Tôi nghĩ, Hoa Kỳ là một quốc gia có vai trò toàn cầu nên việc chúng ta phát huy khai thác những quan hệ lợi ích tích cực là đương nhiên.

Xin cảm ơn ông!

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Sự kiên quyết về bảo vệ chủ quyền


Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thể hiện sự cương quyết sẽ dùng luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, ngoài việc đấu tranh chúng ta vẫn cố gắng giữ gìn mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Biển Đông gần 1 tháng nay có nhiều vấn đề, Chính phủ đã tìm mọi biện pháp để vừa đấu tranh theo con đường ngoại giao, cùng với các nước yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chính phủ cũng đánh giá tác động của Biển Đông đến kinh tế và cũng đã đề ra các kịch bản để ứng phó với Trung Quốc trong con đường phát triển kinh tế. Hiện nay chúng ta đang nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, chiếm đến 60-70%, hàng nông sản cũng khoảng 50-60%. Về vấn đề kinh tế giữa hai nước chúng ta chưa thấy Trung Quốc có động thái gì. Do đó, những giải pháp điều hành như hiện nay là phù hợp.

TS Hoàng Anh Tuấn (Học Viện Ngoại giao Việt Nam):Phù hợp với truyền thống của dân tộc ta


Biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đưa ra là rất kịp thời và kiên quyết, điều này phản ánh một số điểm: Thứ nhất, đây là sự nhất trí cao trong lãnh đạo Việt Nam; Thứ hai, phản ánh nguyện vọng của người dân là mong muốn Chính phủ, Đảng và Nhà nước kiên quyết giải quyết vấn đề này. Thứ ba, cả 3 biện pháp mà Thủ tướng đưa ra đều phù hợp với truyền thống và lòng yêu nước của Việt Nam. Một mặt chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền, mặt khác chúng ta kiên quyết sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình có thể để bảo vệ chủ quyền. Ngọc Lương - Thúy Đăng (ghi)

Lương Kết (thực hiện) (Lương Kết (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem