Phát xít Đức lên kế hoạch tàn sát người Do Thái từ khi nào?

Thứ năm, ngày 08/10/2020 14:34 PM (GMT+7)
Theo cuốn nhật ký dài hơn 10.000 trang của nhà ngoại giao Mỹ James G. McDonald, do Viện Bảo tàng Cuộc tàn sát người Do Thái (Mỹ) nắm giữ, từ năm 1933, Đức Quốc xã đã tính chuyện tàn sát người Do Thái ở châu Âu. Đây là quan điểm mà tác giả chia sẻ với Tổng thống Roosevelt.
Bình luận 0

James G. McDonald là một nhà ngoại giao Mỹ quen biết tất cả các nhân vật nổi tiếng những năm 1930 khi thế giới chuẩn bị chiến tranh. Ông cũng là người viết nhật ký chính xác và cẩn thận, ghi lại những cuộc gặp với Hitler, Mussolini và Roosevelt cũng như trình bày tỉ mỉ cảm tưởng về các ý định của Hitler.

Phát xít Đức lên kế hoạch tàn sát người Do Thái từ khi nào? - Ảnh 1.

Ông James G. McDonald.

Ông chủ Nhà Trắng khi đó có vẻ rất lo ngại và cho biết muốn tìm cách gửi cảnh báo tới người dân Đức về "cái đầu của Hitler".

Severin Hochberg, nhà sử học tại Bảo tàng Cuộc tàn sát người Do Thái, cho biết, theo cuốn nhật ký, Roosevelt rất lo ngại và nó khác hẳn với nhận định là "tổng thống Mỹ thờ ơ với số phận người Do Thái".

Nhật ký của McDonald, cao uỷ Hội Quốc liên về người tị nạn, là một tài liệu mới cho cuộc tranh luận kéo dài giữa các sử gia: Liệu có phải Đức Quốc xã, trước khi lên nắm quyền năm 1933, đã có ý định tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu không? Hay kế hoạch diệt chủng đã được phát triển qua nhiều năm và bị tác động bởi một số nhân tố như thất bại của quân đội Đức ở phía đông?

Cuốn nhật ký còn cung cấp tài liệu các đề nghị gửi tới Hồng y giáo chủ Eugenio Pacelli, khi đó là người phụ trách đối ngoại của Vatican sau này trở thành Giáo hoàng Pius XII, giúp người Do Thái tại châu Âu.

Ông McDonald, có thể nói tiếng Đức trôi chảy vì mẹ đẻ là người Đức, đi Đức vào tháng 4/1933. Trong cuộc gặp hôm 3/4, Ernst (Putzi) Hanfstangl, một người bạn học cùng trường ĐH Havard của ông, cho biết Đức Quốc xã đang lên kế hoạch tiêu diệt người Do Thái từ Đức. Hanfstangl làm việc trong đoàn tuỳ tùng của Hitler và rất ngưỡng mộ thủ lĩnh Đức Quốc xã. "Khi tôi nói với Hitler về phong trào tẩy chay Đức trên trường quốc tế, Hitler giơ nắm đấm và nói, Giờ thì chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta không sợ dân Do Thái quốc tế. Người Do Thái phải bị tiêu diệt". Rồi Hanfstangl nói về kế hoạch giao mỗi người Do Thái cho một lính Quốc xã.

5 ngày sau, McDonald tới gặp Hitler ở phòng làm việc và có quan điểm nhẹ nhàng hơn. Hitler cho biết không tiến hành chiến tranh với người Do Thái, mà nhằm vào người Cộng sản và Xã hội. Cũng giống nhiều người gặp Hitler trong thời kỳ này, nhà ngoại giao Mỹ ghi nhận ông ta có cặp mắt thôi miên rất ấn tượng.

Nhiều tuần sau cuộc gặp trùm phát xít, ông McDonald hỏi ý kiến tổng thống Roosevelt trong Nhà Trắng về những gì đang diễn ra ở Đức.

Richard D. Breitman, nhà sử học về Cuộc tàn sát người Do Thái ĐH Mỹ, cho biết cuốn nhật ký này không nêu rõ khi nào Đức Quốc xã quyết định giết hàng loạt người Do Thái tại châu Âu, nhưng nó cho người ta thấy ý tưởng đó có ngay từ khi chế độ Quốc xã bắt đầu hoạt động.

Các lãnh đạo Quốc xã thường thì không viết ra kế hoạch, nên cuộc tranh cãi về thời điểm ý định của họ với người Do Thái trở nên thêm gay gắt. Nhật ký cũng cho thấy Hồng y giáo chủ Pacelli tỏ ra thông cảm về người Do Thái với McDonald, nhưng chủ yếu lo ngại về các vấn đề giữa giáo hội với chính phủ Đức.

Sau 14/3/1933 - ngày mà nhà ngoại giao Mỹ gặp Hồng y giáo chủ, McDonald viết thư cho Felix Warburg, người bạn cũng là một nhà tài phiệt, kể lại "hết sức thất vọng với thái độ của Hồng y". "Trong cuộc gặp kéo dài một giờ đồng hồ đó, Pacelli chẳng hứa hẹn gì mà chỉ làm tôi thấy rằng đừng có kỳ vọng vào sự hợp tác đáng kể nào từ hướng đó", ông viết.

Nhưng vào năm 1935, sau những cuộc gặp tương tự, McDonald cuối cùng cũng thu hút được sự chú ý của Hồng y khi đưa ra thoả thuận có đi có lại: đổi lấy việc giáo hội giúp đỡ người tị nạn Do Thái ở vùng Saar, nhà ngoại giao Mỹ sẽ giúp Vatican giải quyết chính phủ cánh tả ở Mexico có quan điểm thù địch với nhà thờ.

Ông Hochberg cho rằng có vẻ một số nhân vật Thiên Chúa giáo La Mã đã giúp người tị nạn Do Thái sau một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó người dân Saar bỏ phiếu để gia nhập Đức, nhưng không rõ liệu Hồng y giáo chủ Pacelli có đóng vai trò gì không. Cũng không có bằng chứng về việc liệu Vatican có nhận được sự giúp đỡ nào trong quan hệ với chính phủ Mexico hay không.

Nguyễn Hạnh (Theo VNExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem