“Phi công” và “máy bay”: Hai nhân tố quan trọng mới của nông nghiệp Việt

Trúc Anh Thứ sáu, ngày 07/07/2023 12:13 PM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức khi đòi hỏi những sự thay đổi mạnh mẽ trong phương thức canh tác, vốn trước nay đều dựa vào nhân công lao động truyền thống. Những phương thức hiện đại đã và đang được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp đầu ngành, tạo dựng nền tảng để phát triển một nền nông nghiệp Việt hiệu quả mới.
Bình luận 0

Nông nghiệp đang "khát" những phương pháp canh tác mới

Theo dự báo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), từ nay đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,3 tỷ người và lượng lương thực cần thiết để đáp ứng nhu cầu của dân số toàn cầu sẽ nhiều hơn 70% so với sản lượng hiện nay. Trong khi đó, sản lượng nông nghiệp toàn cầu có thể giảm từ 20 - 30% do tình trạng biến đổi khí hậu và dịch bệnh, chưa kể tình trạng lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp thu hẹp. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, các dự báo cho thấy nhu cầu về lương thực, thực phẩm ở nước ta cũng sẽ tăng thêm 2 triệu tấn khi dân số cả nước đạt 104 triệu người vào năm 2030.

“Phi công”  và “máy bay”: Hai nhân tố quan trọng mới của nông nghiệp Việt - Ảnh 1.

Đội ngũ Syngenta hướng dẫn kỹ thuật vận hành cho phi công điều khiển drone trong sự kiện "Tiên phong công nghệ - Đồng hành cùng Drone".

Do vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia, khu vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cần những giải pháp có tính đột phá bởi sản lượng không thể tăng bền vững từ việc tăng thêm diện tích đất canh tác hay sức lao động thủ công. Giải pháp đột phá đó phải tới từ các ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng những phương pháp canh tác mới, các biện pháp hỗ trợ canh tác hiệu quả để giải được các bài toán khó trong canh tác nông nghiệp như sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, ứng phó dịch hại, biến đổi khí hậu, và bảo vệ sức khỏe, an toàn của bà con nông dân.

Drone – phương pháp hiệu quả mới của nông nghiệp

Một trong những ứng dụng công nghệ quan trọng của nông nghiệp hiện đại đang thu hút được nhiều sự quan tâm là sử dụng máy bay không người lái (drone) để hỗ trợ canh tác. Hiệu quả mới mà drone mang lại cho nông nghiệp khi so sánh với hình thức canh tác truyền thống bằng sức người là rất đáng kể, cụ thể là phun rải thuốc BVTV năng suất cao (do đảm bảo được tính chính xác, độ che phủ của phân bón, thuốc BVTV, tránh phải phun chồng phun lặp) từ đó giúp tiết kiệm tài nguyên, nhân lực.

“Phi công”  và “máy bay”: Hai nhân tố quan trọng mới của nông nghiệp Việt - Ảnh 2.

Ngành nông nghiệp Việt đang đòi hỏi những phương pháp canh tác đột phá và hiện đại hơn.

Từ những năm 1990, chúng tôi đã đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp nông nghiệp cho nông dân Việt Nam và luôn khao khát tiếp tục sứ mệnh đó với các sáng kiến hiện đại, hiệu quả mới mẻ giúp hoạt động canh tác nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn. Qua các buổi tập huấn, chúng tôi kỳ vọng từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong kinh tế nông nghiệp nói chung, lĩnh vực BVTV nói riêng, để từ đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của các địa phương, cũng như định hướng của ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Syngenta Việt Nam

Mặt khác, sử dụng drone cũng giúp cải thiện sức khỏe của người làm nông nhờ giảm đi sức lao động cần trên cùng một diện tích canh tác và giảm tần suất, thời gian tiếp xúc với thuốc BVTV. Trong tương lai, drone còn có thể dùng để số hóa bản đồ nông nghiệp toàn quốc, thống kê các loại nông sản ở từng địa phương, phục vụ công tác hoạch định nông vụ.

Có thể thấy trong những năm gần đây, việc sử dụng drone ở Việt Nam tăng mạnh. Nhằm tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, đầu năm 2023, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã công bố tiêu chuẩn đầu tiên về khảo nghiệm trên đồng ruộng đối với thuốc BVTV phòng chống sinh vật gây hại cây trồng sử dụng thiết bị bay không người lái.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua Công ty Syngenta Việt Nam đã chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng triển khai cơ giới hóa vào canh tác nông nghiệp, mới đây nhất là phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai một số mô hình sản xuất lúa tại An Giang sử dụng giải pháp drone trong phun thuốc BVTV. Kết quả mang lại rất khả quan khi dịch hại được kiểm soát tốt, giảm số lần phun thuốc, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm ảnh hưởng đến môi trường, ổn định năng suất, tối ưu lợi nhuận và hiệu quả đầu tư cho nông dân. Hạt gạo được chăm sóc tốt và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu.

Tiếp nối những kết quả khả quan đó, cuối tháng 6 vừa qua, Syngenta Việt Nam đã tổ chức sự kiện "Tiên phong công nghệ - Đồng hành cùng Drone", hoạt động hướng đến mục đích tập huấn cho phi công điều khiển drone trong canh tác nông nghiệp, trang bị kỹ năng vận hành và kiến thức sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng đúng cách, hiệu quả và an toàn. Trong dài hạn, lực lượng phi công được trang bị đầy đủ kiến thức về thuốc BVTV có thể cung cấp dịch vụ phun thuốc BVTV bằng drone đạt hiệu quả cao, có trách nhiệm, an toàn với môi trường, đem lại lợi ích lớn nhất cho bà con nông dân và cộng đồng nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem