Quản lý lao động còn quá kém

Thứ ba, ngày 01/05/2012 21:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Về thực trạng 39 triệu lao động bị “bỏ rơi”, ông Đặng Như Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với NTNN.
Bình luận 0

Ông Lợi nói: Theo điều 4 Bộ Luật Lao động cũng quy định các chính sách của Nhà nước về giải quyết việc làm và tạo việc làm, Nhà nước hỗ trợ khuyến khích tạo điều kiện đất đai, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất để thu hút 39 triệu lao động đó.

img
Lao động thất nghiệp các nơi về đăng ký tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là nền kinh tế của chúng ta chưa phát triển đến mức thu hút hết được số lao động trong cả nước. Điều này khiến cho phần lớn lao động yếu thế ở nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm phải nay đây mai đó. Hết mùa màng, đa số họ lại phải đi tha phương tìm kiếm việc làm và không có chính sách nào “phủ” tới họ khi họ di cư tự do như vậy. Đây chính là một hạn chế lớn mà chúng ta chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Ngay cả với lao động làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình cũng bị Luật Lao động bỏ rơi?

- Đúng vậy, do thực hiện chính sách chưa đồng bộ, việc quản lý yếu kém khiến cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình lợi dụng lao động. Đa phần, họ chỉ làm hợp đồng lao động nhưng không đề cập rõ tới nội dung của hợp đồng nhằm trốn các khoản đóng góp khác như BHYT, BHYT, bảo hộ an toàn lao động…

Thực tế lao động chỉ được nhận tiền lương. Ngoài ra, đa phần lao động tự do, lao động tạm cư không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội như nhà ở, khám chữa bệnh. Do vậy, một trong các chính sách giải quyết việc làm hiện nay cần phải chú ý đến chính sách cho lao động di cư, đặc biệt là lao động tự di cư tự do từ nông thôn ra đô thị.

Là đại diện cơ quan lập pháp, ông có khuyến nghị gì để làm tốt hơn các chính sách cho lao động tự do?

- Vấn đề khó khăn hiện nay là vì chúng ta chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Để cải thiện, Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các địa phương điều tra thống kê về lực lượng lao động, lao động di cư trong toàn quốc. Cần phải nắm chắc số liệu để Chính phủ trình với Quốc hội và Quốc hội đưa ra các cơ chế chính sách để hỗ trợ họ.

Sắp tới, Quốc hội khoá XIII xây dựng Luật Việc làm. Luật ra đời nhằm điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội, nhằm giải quyết mâu thuẫn của Bộ luật Lao động hiện hành. Đồng thời dự luật mới này sẽ “bao phủ” mọi thành phần lao động, trong đó có bảo vệ lao động tự do.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem