Quốc hội lấy ý kiến về điều 10, điều 26 của Luật An ninh mạng

PV Thứ ba, ngày 12/06/2018 08:14 AM (GMT+7)
Ngay trước ngày bấm nút thông qua dự thảo Luật an ninh mạng, Quốc hội đã phát phiếu lấy ý kiến của đại biểu về 2 điều còn gây nhiều tranh cãi trong dự thảo Luật.
Bình luận 0

Thông tin với phóng viên, một số đại biểu Quốc hội cho biết, sáng qua (11.6), các đại biểu đã được phát phiếu lấy ý kiến về điều 10 - Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, và điều 26 - Bảo đảm thông tin trên không gian mạng.

Ngay trong buổi chiều cùng ngày, các phiếu đã được thu lại để tổng hợp ý kiến nhằm có sự tiếp thu, điều chỉnh phù hợp trước khi dự thảo luật được bấm nút thông qua vào ngày hôm nay (12.6).

img

Sáng nay (12.6) Dự thảo Luật An ninh mạng sẽ được bấm nút thông qua

Những quy định tại điều 10 và điều 26 của dự thảo luật cho đến trước ngày bấm nút vẫn nhận được khá nhiều ý kiến, trong đó nhiều người cho rằng, Điều 26, dự thảo luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách khi có yêu cầu bằng văn bản; Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; Ngừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu... Quy định này được coi là không phù hợp, trái với quy định tại Hiến pháp.

Trước đó, vào ngày 29.5, tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật an ninh mạng, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về các quy định tại một số điều, đặc biệt là điều 26 của dự thảo luật.

Phát biểu tại hội trường, ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội đoàn An Giang cho rằng Điều 26 của dự thảo luật cần viết rõ ràng hơn. Vì nếu viết chung chung là "khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình", thì sẽ có một nguy cơ lớn có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin.

img

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ băn khoăn về cac quy định tại Điều 26 dự thảo Luật An ninh mạng (Ảnh VPQH)

Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu:“Trong Điều 26 mục 4 khoản d về lưu trữ thông tin cá nhân của người sử dụng, còn quá chung chung, cần chi tiết, cụ thể hơn. Ta có thể học tập kinh nghiệp của Philippines, luật năm 2017 quy định cụ thể phân loại dữ liệu thông tin thành 3 cấp: cấp 1 là những thông tin không cần hạn chế, như thông tin thông thường của cá nhân không cần hạn chế; cấp 2 là những thông tin, dữ liệu cần hạn chế, ví dụ như hồ sơ tài chính, hồ sơ sức khỏe, hồ sơ giáo dục của cá nhân cần có luật quy định để hạn chế thông tin cung cấp; cấp 3 là các dữ liệu mật, tối mật như an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, bí mật thương mại hay các phát minh, sáng chế là những tài liệu cần bảo vệ tuyệt đối an toàn thì luật phải quy định rõ ràng”.

Theo dự kiến, sau khi tiếp thu và điều chỉnh theo ý kiến đa số đại biểu, sáng nay (12.6) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.

Dự thảo Luật An ninh mạng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 7 chương, 47 điều. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20, một số vấn đề chung tiếp tục trình xin ý kiến tại kỳ họp này, gồm: bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Chương II); phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng (Chương III); bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam (khoản 2 và khoản 3 Điều 26). 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem