Quỳ Hợp (Nghệ An): Khi nào người dân “sống” được nhờ giữ rừng?

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ năm, ngày 21/03/2024 13:47 PM (GMT+7)
Đầu tháng 3/2024, Báo điện tử Dân Việt nhận được phản ánh của một số người dân ở bản Tăng, xã Nam Sơn (Quỳ Hợp – Nghệ An) về việc được giao rừng tự nhiên sử dụng đất rừng vào mục đích sản xuất nhưng không được phép sản xuất. Cuộc sống của người dân bao đời nay gắn bó với rừng nhưng chưa thể sống được nhờ rừng.
Bình luận 0

Trong khi đó, rừng ngày càng "nghèo" đi bởi dây leo và chuối rừng lấn chiếm. 

Nhiều năm bảo vệ rừng không công

Phản ánh đến Báo điện tử Dân Việt, bà Lương Thị Hường, tạm trú tại bản Tăng, xã Nam Sơn- cho biết: "Bản thân là người dân tộc thiểu số, được giao hơn 25ha rừng sử dụng vào mục đích đất rừng sản xuất tại bản Manh, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp cuối năm 2019. Từ khi nhận trông coi, bảo vệ đến nay tôi chưa nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào".

Bà Hường cho biết bà nhận trữ lượng gỗ khi giao là 94,9m3/25,4ha, tính ra mỗi ha chỉ 3,88m3, trữ lượng gỗ rất thấp.

Theo bà Hường, trong tổng số hơn 25ha rừng được giao, qua nhiều năm bị dây leo, dây giang vươn lên cao và phát triển rất nhanh bao phủ cả những nơi có cây gỗ, dẫn đến nhiều diện tích rừng chỉ nhìn thấy màu xanh nhưng giá trị không cao. Nhiều điểm toàn là chuối rừng, có những chỗ rộng cả ha.

"Dù rất muốn sử dụng đất rừng được giao đúng mục đích để cải tạo, trồng rừng sản xuất, làm giàu rừng, phát triển kinh tế cho gia đình nhưng tôi lo sợ sẽ vi phạm pháp luật như một số người dân trong xã đã từng bị xử lý hình sự vì cải tạo chính diện tích rừng mình được giao quản lý, bảo vệ và phát triển" – bà Hường nói.

Quỳ Hợp (Nghệ An): Khi nào người dân “sống” được nhờ giữ rừng?- Ảnh 1.

Trong diện tích hơn 25ha được giao rừng tự nhiên sử dụng vào mục đích sản xuất của bà Hường có những nơi không có rừng. Khi được giao mỗi ha rừng tự nhiên trữ lượng chỉ 3,88 m3/ha. Ảnh: Văn Hoàng

Trước những băn khoăn, lo lắng, bà Hường đã làm đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương nơi được giao rừng nhờ hướng dẫn cải tạo, chăm sóc rừng theo đúng quy định của pháp luật. Bởi theo bà Hường, nếu không phát dọn dây leo, dây giang, chuối sẽ khiến chất lượng rừng suy giảm, người dân sẽ không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng như nhà nước giao.

"Những chỗ rộng hơn ha toàn thấy chuối rừng và dây giang không phải là rừng mà tôi vẫn được giao trên giấy tờ là rừng tự nhiên" - bà Hường nói

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Vi Văn Thoại, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: "Hiện nay ở địa phương cũng nhận được một số đơn kiến nghị của bà con nhân dân về việc mong muốn được cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên để trồng rừng, nguyện vọng của bà con rất chính đáng".

"Mong cơ quan chuyên môn có những hướng dẫn cụ thể để chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác lâm nghiệp và thực hiện đo đạc, tách bóc những diện tích đất trống làm sao cho bà con có thể cải tạo, sản xuất để phát triển rừng đúng theo quy định của pháp luật" – Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn nhấn mạnh.

Quỳ Hợp (Nghệ An): Khi nào người dân “sống” được nhờ giữ rừng?- Ảnh 2.

Dây leo và chuối rừng trong rừng tự nhiên tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Văn Hoàng

Còn gia đình bà Vi Thị Nguyệt, xã Nam Sơn được giao quản lý, bảo vệ 7ha rừng với mục đích để sản xuất, hiện chứng kiến dây leo, dây giang, chuối rừng ngày một phát triển làm chết cây hoặc làm chậm quá trình sinh trưởng của cây nhưng chỉ biết đứng nhìn.

Bà Nguyệt bày tỏ: "Nhà nước có chính sách làm sao cho dân vừa bảo vệ tốt, vừa phát triển được kinh tế trên chính diện tích hộ gia đình được giao".

Vì sao người dân không dám cải tạo rừng tự nhiên sử dụng vào mục đích sản xuất?

Cũng theo phản ánh của một số người dân được giao rừng sản xuất tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn (thuộc huyện Quỳ Hợp), những năm gần đây ở địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấy diện tích đất trống để trồng rừng sản xuất. Trong đó có nhiều trường hợp bị lập biên bản xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự.

Tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Dân Việt cho thấy, mới đây nhất, ông Lê Văn Thành, thường trú tại Thường Tín (Hà Nội) là người được UBND huyện Quỳ Hợp giao gần 28ha rừng tự nhiên để sử dụng đất rừng vào mục đích đất rừng sản xuất, trong quá trình tuần tra, bảo vệ, ông chứng kiến nhiều dây leo trùm lên ngọn cây, nhiều diện tích chuối mọc thành bãi, không có cây rừng nên đã làm đề án cải tạo rừng theo qui định của Luật Lâm nghiệp như Quyết định giao rừng đã căn cứ.

Quỳ Hợp (Nghệ An): Khi nào người dân “sống” được nhờ giữ rừng?- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Thành cho rằng việc làm của mình áp dụng đúng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, là phát triển rừng, làm tăng trữ lượng gỗ trong rừng được giao. Ảnh: Văn Hoàng

Với mong muốn phục hồi rừng, ông Thành đã đến trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp để xin ý kiến, hướng dẫn phát triển rừng. Được sự hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm, ông Thành áp dụng các biện pháp kỹ thuật cũng như quy định pháp luật hiện hành để trồng rừng.

Khi tiến hành cải tạo, dọn thực bì diễn ra trong nhiều ngày, ông Thành không bị kiểm lâm địa bàn nhắc nhở dù họ đến tận hiện trường kiểm tra, nhưng khi hoàn thiện việc trồng rừng, ông Thành bị Công an huyện Quỳ Hợp khởi tố vì tội Hủy hoại rừng, căn cứ vào Kết luận giám định số 06/KLGĐ ngày 12/6/2023 của Trung tâm Tư vấn và Phát triển Lâm nghiệp (Viện Điều tra quy hoạch rừng) đối với kết quả giám định tiêu chí rừng, trạng thái, trữ lượng, diễn biến rừng từ tháng 4 đến tháng 5/2023.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Lê Văn Thành khẳng định: "Tôi là chủ rừng, thực hiện công việc bảo vệ và phát triển rừng bằng các biện pháp lâm sinh tác động vào rừng, theo đúng quy định của pháp luật tại Điều 3 Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong đó nêu rõ: Phát triển rừng là hoạt động trồng mới rừng, trồng lại rừng sau khai thác, bị thiệt hại do thiên tai hoặc do các nguyên nhân khác; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng".

Quỳ Hợp (Nghệ An): Khi nào người dân “sống” được nhờ giữ rừng?- Ảnh 4.

Khu vực rừng ông Lê Văn Thành bị khởi tố vì Hủy hoại rừng đã được trồng và chăm sóc phát triển phủ xanh trở lại. Ảnh: Văn Hoàng

Theo ông Thành, việc ông bị khởi tố là vì kết quả giám định lấy các ô tiêu chuẩn của đơn vị giám định chưa chính xác, dẫn đến khối lượng gỗ bị thiệt hại rất lớn, trong khi ông không hề chặt phá cây rừng tự nhiên.

Có mặt thực địa tại khu vực mà ông Thành bị khởi tố vì tội Hủy hoại rừng, quan sát của phóng viên cho thấy nhiều cây gỗ lớn đang sinh trưởng, dưới tán rừng đã được trồng cây, cả khu vực rộng hàng chục ha được phủ bởi màu xanh của cây.

Đứng tại khu vực diện tích rừng được giao, ông Lê Văn Thành cho rằng kết quả giám định của Viện Điều tra quy hoạch rừng là chưa chính xác. Ông đã có những kiến nghị với các ngành liên quan và mong muốn được giám định lại.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, chính vụ việc của ông Lê Văn Thành bị khởi tố đã khiến nhiều người dân ở các xã Nam Sơn và xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp không dám tác động, dọn thực bì để trồng rừng.

Hàng chục hộ dân được giao rừng với mục đích sử dụng đất rừng sản xuất nhưng không sản xuất được, trong khi trữ lượng rừng thấp, chất lượng rừng ngày càng giảm, khiến cuộc sống người bao đời nay sống dựa vào rừng, tham gia bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, chưa thể "sống" được nhờ rừng.

Thông tin cho phóng viên Báo điện tử Dân Việt sáng 20/3, Trung tá Ngô Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Quỳ Hợp cho biết: "Liên quan đến vụ việc hủy hoại rừng của ông Lê Văn Thành, sau khi Công an huyện Quỳ Hợp khởi tố vụ án theo thẩm quyền đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Công an tỉnh Nghệ An".

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã có những phân tích về mặt tội danh cũng như việc yêu cầu giám định lại của ông Lê Văn Thành. 

Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội hủy hoại rừng bao gồm 3 nhóm hành vi khách quan: Đốt rừng, phá rừng và hành vi khác hủy hoại rừng. Người thực hiện hành vi hủy hoại rừng với lỗi cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là đốt, phá hoặc hành vi khác dẫn đến hủy hoại rừng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Trường hợp người phạm tội do vô ý thì không thảo mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm tội này.

Đối với việc yêu cầu giám định lại, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, hiện nay việc giám định lại được quy định tại Điều 211 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp. Theo khoản 3 Điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thì Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản. 

Vì thế trường hợp này ông Thành hoàn toàn có quyền bày tỏ quan điểm của mình đối với kết luận giám định của Trung tâm Tư vấn và Phát triển Lâm nghiệp. Đề nghị giám định lại là quyền của Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác nhưng có được cơ quan tiến hành tố tụng chấp thuận hay không thì cần đợi cơ quan tố tụng xem xét, do đó trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại khoản 2, Điều 211 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Trong vụ án này những căn cứ để buộc tội ông Thành cần làm rõ là hành vi của ông Thành là cố ý hay vô ý, nếu lỗi là cố ý thì ông Thành đã xin phép cơ quan liên quan trong việc được phép thực hiện công việc bảo vệ và phát triển rừng bằng các biện pháp lâm sinh tác động vào rừng, theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 3 Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, nếu hành vi là có xin phép và được chấp thuận, trong quá trình thực hiện công việc không thực hiện những hành vi ngoài nội dung đã xin phép "nhằm mục đích hủy hoại rừng" thì chưa đủ căn cứ kết tội ông Thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem