Rặng trâm bầu miền quê!

Bài, ảnh: Nhất Huỳnh Thứ ba, ngày 09/06/2015 06:28 AM (GMT+7)
Nhắc đến những loài cây gắn bó với cuộc sống người dân miền Tây lúc gian khổ, khó khăn từ thuở “khai hoang, lập ấp” thì ta nghĩ ngay đến cây tre, cây dừa… Nhưng vẫn còn một loài cây giản dị, mộc mạc, sống lặng lẽ, âm thầm khiến nhiều người dường như "lãng quên", đó là cây trâm bầu.
Bình luận 0

Còn nhớ hồi nhỏ được nghe cha tôi kể, trâm bầu là loài cây có sức sống mãnh liệt lắm. Bất kể nơi đâu dù đó là cặp bờ mương, bờ sông, hay trên một gò đất khô cằn, bạc màu giữa bạt ngàn lúa xanh thì rễ cây trâm bầu vẫn cắm sâu vào lòng đất rồi đâm chồi nảy lộc tốt tươi lạ thường.

Giống cây tre mọc thành bụi, thành rừng, cây trâm bầu cũng mọc san sát nhau, ngoan cường chở che những khi mưa giông, gió bão, rồi thành những rặng trâm bầu to lớn, kiên gan, dũng cảm cùng con người vượt mưa bom, bão đạn thời chiến tranh vô cùng ác liệt.

img
Một bụi trâm bầu cổ thụ đang mùa đơm hoa. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Ngày trước, khi những cơn mưa đầu mùa đến, trông chừng cái chòi ngoài vườn với những cây cột đã bị mối ăn gần mục nát. Cha tôi xách dao ra sau nhà, thẳng tay chặt sát gốc những bụi trâm bầu già, róc hết cành lá, đem thân cây ngâm xuống cái mương bên nhà. Tôi đứng bên cạnh nhìn kỹ những chiếc lá trâm bầu với màu xanh nhợt nhạt, buột miệng hỏi cha: “Cha ơi! Bụi trâm bầu này sắp chết nên lá nó héo úa hết phải không cha?”. Cha tôi quay sang cười khà khà: “Không phải đâu con, lá trâm bầu xanh nhợt nhạt như thế đó, tuy chẳng xanh mơn mởn như lá tre, lá dừa… nhưng lại chứa đựng một sức sống bền bỉ không ngờ. Chỉ độ tháng thôi, con sẽ thấy từ những cái gốc này cành lá sẽ lại mọc lên cao hơn cả con nữa đó!”.

Thật bất ngờ, chừng hơn tháng sau, khi cha vớt những thân cây ấy lên để sửa sang lại cái chòi thì từ gốc trâm bầu ấy bao nhiêu là cành lá lại tua tủa vươn lên bầu trời xanh, cao còn hơn cả tôi đúng như lời cha nói.

Tuổi thơ tôi cũng có biết bao kỷ niệm buồn vui ngay dưới rặng trâm bầu này. Đó là những khi cùng cha thăm ruộng, trong khi người lớn mướt mồ hôi dưới cái nắng gay gắt đánh đường nước, nhổ cỏ bờ thì bọn trẻ chúng tôi được cùng nhau chơi đùa mệt lả rồi nằm bệt xuống đất chìm vào giấc ngủ giữa thiên nhiên mênh mông, rộng lớn, ngay dưới bóng mát rượi của trâm bầu. Khi tỉnh giấc cũng là lúc bọn trẻ được người lớn đãi món cá lóc đồng nướng trui ngon tuyệt vời. Tôi hít hà mãi mùi thơm sực nức, ngọt lành của món ăn đồng quê ngay tán lá xoè bóng của trâm bầu mà thầm cảm ơn tình thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho mình.
img
Cành lá trâm bầu vươn lên tua tủa ở nơi đất cằn, khô hạn. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Không biết người lớn thế nào chứ bọn trẻ chúng tôi rất mê những rặng trâm bầu lúc đơm hoa. Trên những tán lá trâm bầu, lúc đầu lác đác rồi dày đặc những nụ hoa bé xíu, thật ngộ nghĩnh, to hơn ngón tay cái một tí, cứ lớn dần lớn dần, rồi nở bung ra một màu vàng nhạt. Khi cả rặng trâm bầu cùng đơm hoa, nhìn từ xa thật ấn tượng với màu vàng nhạt của hoa hòa lẫn cùng màu xanh nhợt nhạt của lá trâm bầu nổi bật trong nền trời xanh ngắt không lẫn vào đâu được.
     

Giờ đây, cuộc sống ngày càng thay đổi, con người dành từng mảnh đất để canh tác, sản xuất, thế nên những rặng trâm bầu dần mất dạng, hiếm hoi lắm mới tìm thấy được một cây trâm bầu gốc to, tán rộng.

Ở đâu đó chốn thôn quê, tôi chợt nghe câu hát vọng bên tai "Cho em hỏi rằng có ở nơi đâu, bát ngát xa trông những rặng trâm bầu/ Rặng trâm bầu như nơi quê hương em yêu dấu/ Uống nước dòng sông cây xanh tắm một mầu" (Rặng trâm bầu – Thái Cơ) mà lòng thấy buồn vương hoài niệm về một thời xưa cũ, về một loài cây giản dị đã âm thầm, lặng lẽ gắn bó cùng cha ông vượt qua lúc gian khổ trong thời thơ ấu của tôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem