Rau tiến vua sắp bị “di lý” khỏi làng

Thứ ba, ngày 24/01/2012 10:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Rau muống Linh Chiểu rất đặc biệt, sánh ngang với yến sào, sâm cầm… trong 10 món ăn tiến vua xưa. Loại rau muống này giờ vẫn còn, nhưng những cánh đồng sản sinh ra nó thì đang dần bị “di lý” ra khỏi làng.
Bình luận 0

Mơ hồ truyền thuyết tiến vua

Dẫn tôi đi ngoắt ngoéo qua mấy con ngõ đường làng, ông Nguyễn Đức Hải - Trưởng làng Linh Chiểu (xã Sen Chiểu, Phúc Thọ, Hà Nội) dừng lại ở một vạt ruộng bé xíu, gần ngay chân đê để giới thiệu ruộng rau muống giống tiến vua.

img
Ít lá, xanh ngả trắng là đặc điểm của rau muống tiến vua.

Ngắt một ngọn rau trên tay, ông Hải nói: “Giống rau tiến vua của làng là giống rau ngọn, được cấy rất thưa. Mỗi gốc cách nhau khoảng 40cm để cho rau bò ngọn dài và thẳng, 10 ngày hái 1 lần (rau thường chỉ cách khoảng 15cm, 5-7 ngày là có thể hái được).

Rau ngọn này rất ít lá, màu xanh ngả trắng, thân to bằng cái đũa, ăn sống có vị giòn, ngọt. Người dân ở đây thường luộc hoặc ăn sống”- ông Hải nói. Giống rau ngon, cộng với làng Linh Chiểu có nguồn nước mạch sông Hồng phun lộ thiên trên những cánh đồng làng (gọi là mạch nước sủi), nước trong vắt nên rau muống càng có vị đặc thù…

Ngược trở lại thời xa xưa, truyền thuyết làng kể rằng, xưa có một vị vua đi kinh lý qua đất Linh Chiểu, dừng chân ở quán Gạn gần đó và thưởng thức món rau muống. Không ngờ màu sắc và hương vị đặc biệt của nó đã làm hài lòng nhà vua. Và thế là hàng năm, người làng Linh Chiểu lại chờ đúng thời điểm rau ngon nhất hái tiến vua.

Tôi ngắt lời ông, hỏi về vị vua nào đã ghé qua làng, thời vua nào thì rau được tiến thường xuyên thì ông Hải lúng túng: “Những câu chuyện này có được ghi vào thần phả, ngọc phả của làng hay không, chúng tôi cũng không được biết, chỉ được nghe truyền miệng như thế”. Ông Hải là người viết lịch sử Đảng bộ thôn, thông tin này cũng được viết vào nhưng không có ghi chú cụ thể về vị vua nào, đời vua nào đã dừng chân thưởng thức rau đặc sản.

Gắng giữ những ngọn rau làng

Thời ông Hải còn trẻ, cả cánh đồng làng Linh Chiểu bạt ngàn rau muống- giống rau tiến vua. Nhưng giờ, một phần các cánh đồng rau muống đã biến thành nhà ở. Người dân nơi đây cũng không mặn mà với giống rau này vì năng suất thấp, nhiều sâu bệnh, trong khi giá bán không cao hơn rau muống thường.

img
 

Chị Khuất Thị Lương (đội 8 Linh Chiểu) cho hay, nhà chị vẫn còn 15 thước đất trồng rau muống, vụ rau vừa rồi mất gần như toàn bộ vì bị bọ nhảy và sâu ăn rau, “giờ đang phải gây lại cả ruộng. Nhiều nhà không muốn trồng rau muống giống ngọn nữa mà chuyển sang trồng rau muống thường”- chị Lương nói.

Nhưng nỗi đau đáu của người dân làng Linh Chiểu không phải chuyện năng suất thấp, sâu bệnh, mà là việc phải “di lý” những cánh đồng rau muống đặc sản ra khỏi làng. Làng Linh Chiểu hiện rất nổi tiếng với nghề làm bún bánh nhưng không có công nghệ xử lý nước thải. Ông Lê Hồng Thái - Trưởng xóm 13 cho biết, cả làng có hơn 1.000 hộ thì có tới 300 hộ làm bún bánh, sản lượng đạt gần 10 tấn bún, bánh cuốn/ngày nên nước thải đổ ra các con mương làng rất lớn, làm ô nhiễm nghiêm trọng đất và nước khiến cho rau muống không sống nổi.

Những mạch nước sủi năm xưa, giờ được xử lý bằng các giếng giảm áp để chống việc nước phun ra làm sạt lở chân đê (sông Hồng). Vì vậy, cả làng giờ chỉ còn 3-4ha trồng rau muống ngọn. Thời gian gần đây, Trung tâm Khuyến nông TP. Hà Nội, UBND xã Sen Chiểu và một công ty thực phẩm đang xây dựng Đề án Khôi phục và mở rộng diện tích rau muống tiến vua, phát triển thành một thương hiệu rau an toàn nhưng lại để ở làng Sen Chiểu chứ không phải Linh Chiểu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem