Sai lầm tai hại của ông Biden trong cuộc chiến Ukraine có thể gây hậu quả thảm khốc cho cả thế giới
Những sai lầm của Mỹ trong cuộc chiến Ukraine có thể gây hậu quả khôn lường
Phương Đăng (theo Aljazeera)
Thứ sáu, ngày 02/06/2023 12:40 PM (GMT+7)
Những tính toán sai lầm của Washington trong cuộc xung đột Ukraine có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho thế giới, Marwan Bishara, nhà phân tích chính trị cấp cao viết trong bài bình luận được đăng tải bởi hãng tin Al Jazeera.
Những phán quyết tồi tệ có thể dẫn đến những hậu quả tai hại khó lường ở Ukraine và thậm chí, cả thế giới, theo ông Bishara. Khi cuộc chiến kéo dài không có hồi kết, điều quan trọng là phải giải quyết những tính toán sai lầm của Mỹ – và các đồng minh phương Tây của nước này – ở Ukraine.
Ông Bishara nhận định, ngay từ đầu, chính quyền Mỹ đã coi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xung đột toàn cầu. Mỹ đã kêu gọi tất cả các nước trên thế giới lên án Nga sau khi cáo buộc Moscow không tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia, nhưng họ lại cố tình phớt lờ các cuộc chiến tranh bất hợp pháp của chính nước họ.
Chính quyền Biden cũng đánh giá thấp quyết tâm của Nga và bác bỏ lo ngại của Moscow về việc NATO mở rộng về phía biên giới của nước này.
Trong những tháng trước khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Mỹ đã làm suy yếu những nỗ lực thực hiện các thỏa thuận Minsk đã ký vào năm 2014 và 2015 nhằm chấm dứt xung đột ở khu vực Donbass. Chúng nhằm mở đường cho việc thành lập 2 khu vực tự trị ở miền đông Ukraine và ngăn chặn sự mở rộng can thiệp của Nga vào Ukraine.
Cả Ukraine và Nga đều đã ký kết thỏa thuận Minsk, nhưng Pháp và Đức, 2 quốc gia môi giới việc ký kết thỏa thuận đã không thúc đẩy đủ mạnh để thực hiện chúng.
Rõ ràng có nhiều thứ để mất khi một cuộc chiến khốc liệt nổ ra ở châu Âu, song các cường quốc châu lục này đã làm rất ít để ngăn chặn sự leo thang.
Mỹ cũng đánh giá thấp sức bền quân sự của Nga, đặt cược vào việc người Ukraine sẽ đánh bại nước này giống như người Afghanistan đã đánh bại Liên Xô với sự giúp đỡ của Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Bishara, đối với Moscow, Ukraine quan trọng và chiến lược hơn nhiều so với Afghanistan, xét về lịch sử chung và sự gần gũi về địa lý.
Theo quan điểm của Tổng thống Putin, Ukraine rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Nga. Vì thế, nhà lãnh đạo Nga có thể làm mọi cách để ngăn nước láng giềng gia nhập một liên minh phương Tây.
Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, những thất bại của Nga ở Kiev, Kharkov và những nơi khác đã chứng tỏ quyết tâm và khả năng phục hồi của Ukraine.
Nhưng làn sóng chiến tranh bắt đầu thay đổi trong năm nay. Khi Bakhmut thất thủ sau nhiều tháng giao tranh ác liệt. Điều đó đã cho thấy, Nga cũng không kém phần kiên cường đồng thời cũng rất quyết tâm giành chiến thắng. Đó là công thức cho một cuộc chiến bế tắc.
Chính quyền Biden cũng đã đánh giá quá cao khả năng chiến tranh của Ukraine. Không nên nhầm lẫn điều này với lòng dũng cảm và sự quyết tâm, kiên định, những tố chất mà người Ukraine đã thể hiện và đã được ca ngợi. Nhưng cuộc chiến cho đến nay chủ yếu vẫn diễn ra trên lãnh thổ Ukraine. Hỏa lực lớn hơn của Nga rõ ràng áp đảo quân đội nhỏ hơn của Ukraine và giao tranh đã phá hủy phần lớn nền kinh tế của nước này.
Tình thế này đã không ngăn được Mỹ và các đồng minh "tăng lực" cho Kiev. Vào ngày 19/5, trong cuộc họp tại Hiroshima Nhật Bản, lãnh đạo các nước G7 do Mỹ lãnh đạo đã tiếp tục “cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao mà Ukraine cần trong thời gian lâu nhất có thể”.
Đây là một dấu hiệu khác cho thấy Mỹ và các đồng minh đang sa lầy vào cuộc chiến và làm leo thang xung đột - điều vốn đã bắt đầu bằng việc họ gửi đạn dược tới Ukraine, sau đó mở rộng sang việc cung cấp pháo binh, xe tăng, hệ thống phòng thủ tối tân, máy bay không người lái hiện đại để Ukraine có khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga.
Mới đây nhất, Mỹ đã đồng ý chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine nhằm thách thức ưu thế trên không của Nga. Moscow đã cảnh báo rằng việc cung cấp cho Kiev loại máy bay này sẽ dẫn đến sự leo thang nguy hiểm.
Hậu quả tai hại khó lường tiềm năng
Nhìn bề ngoài, bất kỳ chiến thắng nào trong tương lai trên chiến trường Ukraine đều có thể là một chiến thắng cay đắng, với cái giá phải trả lớn hơn nhiều so với cái được.
Nếu cuộc phản công quyết định của Ukraine bằng cách nào đó thành công để đảo ngược thế trận, giúp nước này lách qua khe cửa hẹp để đánh bại Nga, điều này có nguy cơ đẩy Moscow đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả, khiến Ukraine và châu Âu bị tàn phá.
Theo ông Bishara, một số quan chức trong chính quyền Mỹ cho rằng, các mối đe dọa Nga trả đũa hạt nhân chỉ là phóng đại hoặc trò bịp bợm để ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, nhà phân tích cho rằng, họ đã sai.
Trên thực tế, kể từ năm 2000, Điện Kremlin đã hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân khi tuyên bố rằng, họ có thể khai hỏa những vũ khí chết người không chỉ trong trường hợp bị đe dọa đến sự tồn vong của đất nước, mà còn “để đẩy lùi một cuộc tấn công vũ trang nếu tất cả các biện pháp khác để giải quyết khủng hoảng đã cạn kiệt hoặc trở nên vô hiệu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.