Tăng cường tuyên truyền Đề án 1956

Thứ bảy, ngày 26/03/2011 07:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc “đặt hàng” và tổ chức dạy nghề phải thật tốt để chính người học sẽ trở thành người đi tư vấn, vận động lao động nông thôn đi học hiệu quả.
Bình luận 0

Từ ngày 24 tới 26.3, tại Hải Dương, Tổng cục Dạy nghề tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg tại khu vực miền Bắc. Tham dự có cán bộ làm công tác dạy nghề của 27 tỉnh phía Bắc.

Ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, Cục đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề xây dựng chương trình gốc phát trên đài truyền hình của 64 tỉnh thành; ngoài ra, kênh VTC16, Hội Nông dân VN cũng đã tổ chức nhiều chương trình, băng đĩa hướng dẫn các mô hình làm nghề nông nghiệp cho nông dân.

img
Lớp dạy cắt may ở huyện An Lão (Hải Phòng).

Về phía báo in, Tổng cục Dạy nghề cho hay, đã có sự vào cuộc của rất nhiều báo, trong đó có Báo Nông Thôn Ngày Nay xây dựng chuyên mục định kỳ, phổ biến thông tin về Đề án 1956 đa dạng, hiệu quả.

Hệ thống báo tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện, xã cũng đã vào cuộc, xây dựng các chương trình, chuyên mục tuyên truyền về Đề án 1956. Tuy nhiên, theo nhận định của các tỉnh thành, thông tin đến với người dân còn chung chung, nặng tính chính sách.

Hội nghị đã bàn thảo nhiều vấn đề liên quan tới nhận thức của người dân và chính cán bộ dạy nghề khi tổ chức các lớp học, trong đó có thực trạng lao động nông thôn (nhất là lao động miền núi) đi học nghề chủ yếu để nhận tiền hỗ trợ. Ở khu vực đồng bằng, tình trạng học viên bỏ lớp, học không đủ thời gian khá phổ biến…

Trên cơ sở phân tích thực trạng, khoá tập huấn cung cấp thông tin để có cách tác động tuyên truyền, tư vấn hiệu quả về Đề án 1956, duy trì sĩ số lớp, tư vấn hỗ trợ lao động sau đào tạo.

Thông tin tại hội nghị cũng cho thấy, một số địa phương vẫn chưa hoàn thành công tác điều tra nhu cầu dạy nghề, việc làm, UBND tỉnh chưa phê duyệt đề án nên vẫn chưa mở lớp theo Đề án 1956 (năm 2010 vẫn mở các lớp dạy nghề theo chính sách cũ).

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nhấn mạnh: “Việc “đặt hàng” và tổ chức dạy nghề phải thật tốt để chính người học sẽ trở thành người đi tư vấn, vận động lao động nông thôn đi học hiệu quả”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem