Tết, Em có về thăm lại quê không?

Chủ nhật, ngày 02/02/2014 09:08 AM (GMT+7)
Mình sinh ra vào cuối thời Pháp thuộc, cha mẹ cần lao một nắng hai sương, đã tần tảo nuôi mình. Mẹ cho bú dòng sữa ấm ngọt ngào, có khi thiếu bà phải cho ăn dặm bằng nước cơm khuấy với đường chảy!
Bình luận 0
Lớn chút nữa, mẹ thiều thào móm cho những ngụm cơm nhai trộn với thịt cá lóc, cá trê… đầy nước bọt để nuôi mình trong tình thương yêu của anh em, họ hàng, tình làng nghĩa xóm…

Hồi nhỏ, mùa nào mình cũng thích: mùa mưa thì bắt ốc hái rau, đuổi chuột; mùa nắng mót lúa, gài chim… Mỗi năm quê mình chỉ làm một vụ lúa mùa. Xong lúa cỏ lác mọc đầy đồng, bà con trồng xen canh điên điển để làm củi và cái tạo đất. Bông điên điển ngày đó trổ rợp trời không ai ăn hết. Mình hạnh phúc bên những bó mạ xanh non.

Nhiều bó mạ dư bỏ trôi sông mình lôi vào cấy dọc theo mương vườn, tới mùa trổ hạt chín vàng gà vịt tha hồ ăn béo phì. Mình ra đồng mót lúa rơi, dùng chân đạp ra hạt, mỗi vụ kiếm vài chục giạ bán lấy tiền mua quần áo, tập vở đi học.

Tháng ba, tháng tư âm lịch lúc có vài trận mưa đầu mùa, vô số ốc bươu đồng trắng mập bò lên mặt ruộng, chúng ôm nhau làm tình đẻ trứng, chúng hiền lành, thịt ngon bổ (không ác ôn phá hoại, khó nuốt như lũ ốc bươu vàng bây giờ!), mình ra đồng hốt về đổ cả sân vô bao bán cho lái sỉ.

Lúc năm sáu tuổi, mình sung sướng bên những chiếc nhà chòi làm bằng sậy, lá chuối. Mình bắt chước người lớn giả làm cô dâu, chú rể. Rồi đêm về vùi đầu vào nách mẹ ngủ ngon lành. Mình ngây thơ bên bếp lửa bập bùng nhìn mẹ nấu cơm nồi đồng, kho cá nồi đất, chạy nhảy tung tăng bên luống khoai, luống cà, đuổi bắt những con rầy nâu, rầy vàng đeo chích dưa non.

Tháng mười âm lịch trong Nam cũng có rét, sương mai phủ mờ cả không gian, mình mặc một lần hai ba bộ đồ cái nào cũng rách rưới tả tơi, thế mà vẫn nghe ấm cuộc đời, bởi còn sướng hơn thời của mẹ, mặc “quần bố tời”, có cái nào bằng vải ú thì các dì và mẹ thay nhau mặc, một người ra đường mấy người còn lại trốn trong buồng!

Tháng chạp âm lịch lúa mùa sắp chín, bà con hè nhau chuyền đất đắp đập chặn nước. Ruộng khô để lại những ao đìa đầy tôm cá, người ta tát bắt mang về làm mắm mỗi nhà chứa hàng chục “khạp da bò”. Mắm với giòi “sống chung”, giòi nổi lều bều trên mặt hũ, mình lấy gáo dừa múc nước mắm chan đại vào cơm ăn, không nghe “ớn lạnh”, cũng không chết!

Ăn tết Nguyên đán bảy ngày, bà con kéo nhau ra đồng cất chòi giữ lúa. Những chiếc bồ đập lúa bằng tre được dựng lên. Đàn bà dùng lưỡi hái cắt đàn ông kẹp bó lúa vào hai cái nẹp đập. Trải cuộc đời trong nắng trong sương, từng núi lúa vàng ngun ngút mọc lên ngoài đồng. Nằm giữ lúa giữa sao khuya nghe mẹ kể chuyện Tây, chuyện Tàu, chuyện xưa, chuyện nay.

Mẹ nói “nhờ Sơn Tinh biết khoái con gái nên đánh lộn đuổi Thủy Tinh ra khỏi “biên thùy” chớ không thôi trái đất đã bị lũ lụt cuốn trôi mất lâu rồi”! Mẹ kể một ngàn năm sau có “chàng” ngôi sao nào đó bị người yêu phụ bạc buồn tình bỏ vũ trụ bao la bay vào trái đất làm nổ tung, loài người chết sạch. Mình khóc thúc thích. Quá thơ ngây. Sống chưa đầy trăm năm lại sợ chuyện ngàn năm!

Lúa làm xong mang về dùng “cằng tăng” (là loại tre, trúc đan thành tấm, phết phân trâu) chứa chờ lúc nào có giá bán. Ngoài đồng còn lại những đống rơm khô, chuột vào trú thân. Mình dùng bẫy đặt theo đường mòn của chúng rồi trèo lên đống rơm giậm. Chuột cha, chuột mẹ, chuột con chạy vào, bắt tất cả về đốt, lột da xào hành, xào lá cách ăn... Da chuột thơm phức mình dùng “nhữ” cá trê trắng vào mương, mang đăng chặn lại, nước rút cạn, cá kẹt, bắt chúng lên kho khóm, nấu canh chua…

Tháng giêng mình hay kéo nhau ra ruộng chia phe đá banh, lúc căng thẳng không có trọng tài, hai bên ấu đả, cha mẹ chạy ra “hòa giải”. Xong lại chia phe đánh giặc giả, chặt tàu dừa nước, cây chuối, cây lùng làm súng, hái ổi làm lựu đạn chọi nhau đổ máu đầu, cha mẹ bênh con đứng ra “rầy lộn”! Tối về đi soi nhái, soi cóc nấu cháo tiêu hành.

Ngày đó chúng mình uống nước không cần đun sôi mà sao nghe đời vẫn bình yên như trâu nằm gặm cỏ! Thiếu thốn đủ thứ từ thuốc men đến phương tiện y tế, vệ sinh… Khi bệnh có mấy cha “thầy pháp” nhai sống chó mèo, làm bùa “bắt ma” bỏ vào hũ sành đậy nắp lại. Cơ thể mình tự khắc phục hết bệnh, mấy ổng cho là chữa giỏi!

Chúng mình đi học trường làng. Hè về những bông phượng vĩ trổ đầy theo lối, có khi mình quây cuồng theo đoàn người tản cư chạy loạn… Bảy tám tuổi mình mới ra thành học, mỗi ngày lội hằng chục cây số, cả xóm không ai có một chiếc đồng hồ xem giờ, mình nhận thức thời gian bằng tiếng gà trống gáy năm canh hoặc bóng mặt trời qua mái hiên nhà! Khi đi học qua sông không có xuồng, mình cởi… trần, một tay ôm sách vở, áo quần, một tay bơi trong nước! Cuộc đời e ấp bao chuyện vui buồn tuổi thơ…

Mấy chục năm rồi không về lại quê hương, em đã biết quá nhiều chuyện “năm châu bốn bể”. Còn anh, đất nước ngàn năm mình chưa đi giáp một vòng. Hơn nửa đời người qua đi, anh chỉ gắn liền đời mình với quê hương xứ sở, với cánh đồng lúa, với những con sông nhiều lục bình trôi, với những mùa hè mộng mơ, những mùa xuân chan chứa. Anh chỉ gắn liền tình cảm mình với mảnh đất đồng bằng, thế mà nghe sao đủ ấm một đời rồi!

img
Những bờ lau, bãi sậy rắn rít muỗi mòng đĩa vắt ngày nào, giờ đã thành lộ nhựa xe bốn bánh vào được…

Nông thôn mình giờ đã lên thành phố, những con đường lầy lội ngày nào, những bờ lau bãi sậy rắn rít muỗi mòng đĩa vắt… ngày nào, giờ đã thành lộ nhựa xe bốn bánh vào được. Không phải tự nhiên mà người đồng bằng cảm nhận một cách thiết tha về xứ sở mình đâu, không phải tự nhiên mà cò trắng - biểu hiện niềm hạnh phúc bao la của nhân loại - tụ tập đông đảo về đây đâu, đất đã lành thì chim mới bay về đậu! Thiên, vạn cò trắng lũ lượt bay về ngang đầu, gợi anh nhớ lại ngày nào, cùng các em áo dài trắng phất phơ qua ngõ.

Mùa Xuân chim én bay về nhiều hơn, hoa mai nở rộ hơn, dòng người tấp nập trật tự hơn, những người khổ nhất ở đây giờ cũng đã cười nên tiếng!

Em có về thăm lại quê không?
Thành Nam (Thành Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem