Tết ở nhà bố Vũ - má Quỳnh (*)

Lưu Minh Vũ Thứ bảy, ngày 17/02/2018 06:25 AM (GMT+7)
LTS: Chuyện đón tết trong gia đình nghệ sĩ nổi tiếng những năm tháng đất nước còn khó khăn có cả niềm vui và cả giai thoại cười ra nước mắt. Nhưng trên tất cả vẫn là một tâm thế háo hức, cảm nhận từng dư vị ấm áp của ngày tết bên người thân... Nhà báo Lưu Minh Vũ (VTV) đã gửi cho Báo NTNN bài viết kể chuyện ngày tết trong ngôi nhà của gia đình anh - với bố Vũ (cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ), má Quỳnh (cố nhà thơ Xuân Quỳnh) và em Mí (Lưu Quỳnh Thơ) cùng ông bà, cô chú...
Bình luận 0

Tết Mậu Thìn năm 1988, lần đầu tiên tôi được tự sắm tết như một người lớn, đảm nhiệm phần mua hoa để ở buồng của bà nội. Bà nội ở tầng 2 trong khu tập thể 96A phố Huế (Hà Nội). Dạo ấy, quãng phố Mai Hắc Đế giáp với Trần Nhân Tông được ngăn ra thành chợ hoa tết. Thật thích, sắm đồ dùng cho tết thì sang chợ Hôm, mua hoa tết chỉ cần sang đường, thế là "tết trong tầm tay”.

3 phố nhỏ song song: Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân - không biết làm sao, người ta lại chọn đoạn đấy để làm chợ hoa, hình như nó hợp với vẻ cũ kỹ của đoạn phố. Cái ảm đạm của tiết cuối đông làm đoạn phố như sẫm hơn, tôn thêm màu sắc của cành đào, chậu quất, những chùm chân chim, thược dược... Tôi tự chọn và khênh về một cây đào phai thế đẹp và rẻ (tôi tự cho là như vậy). Đó cũng là cây đào phai cuối cùng của đời tôi, nó ám ảnh cùng với sự ra đi của những người thân yêu nhất... Và cả một cành mai trắng trên bàn luôn có trong ảnh, tất cả chập chờn bên khuôn mặt người thân.

img

Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và các con, năm 1987.  Ảnh: T.L.G.Đ

Đó là Tết của tôi, từ 30 năm trước và sẽ luôn có trong cái Tết còn lại của cuộc đời. Cái cảnh, màu, mùi của Tết vẫn như xưa, nhưng người không còn nữa. Đón cái Tết thứ 30 không có bố, má và em Mí, lúc nào cũng nhớ, những ký ức đan xen, vụn vỡ, vì có gì đâu phải nhớ, nó cứ ở đó, nhìn thấy, tưởng như đã qua, tưởng như sẽ tới…

Chuyện pháo tết

Để nhớ về tết của tuổi ấu thơ, có lẽ, tôi sẽ nhớ đến trò đốt pháo. Thời ấy trong phiếu mua hàng tết, bọn con trai chỉ để ý đến bánh pháo. Mỗi nhà chỉ được mua một bánh pháo. Pháo mậu dịch được bọc bằng giấy đỏ hồng, ép ngoài là 2 tấm bìa cứng. Cái nhãn được dán bên ngoài có chữ Tết, hình vẽ hoa đào, 1 băng pháo dài nổ tung toé, mấy đứa trẻ con béo tốt, ngộ nghĩnh bịt tai, nhắm mắt đứng ở dưới. Và dòng chữ nhà máy pháo Trúc Bạch để phân biệt với pháo Bình Đà (do làng nghề Bình Đà, Hà Tây cũ tự làm và chỉ bán ở ngoài). Pháo Bình Đà nhỏ, các nếp buộc lỏng lẻo hơn, tiếng nổ cũng nhỏ hơn, không đanh bằng pháo Trúc Bạch (chỉ có người đốt pháo mới phân biệt được cái đanh này, trong tiếng nổ đùng đoàng vẫn cố tiếng gì đó như gõ chum, gõ chậu, tiếng xé tai của kim loại...). Xác pháo Bình Đà vẫn có giấy trắng chứ không hoàn toàn hồng như pháo Trúc Bạch.

Có nhà văn đã so sánh xác pháo với những cánh hoa đào rụng vào dịp Tết. Mỗi bánh pháo được kèm theo 2 quả pháo đùng, ngòi pháo được cuốn thành hình vòng. Lúc mắc vào bánh pháo, quả để bắt đầu, quả để kết thúc, báo hiệu là hết bánh pháo. Không hiểu sao có từ bánh pháo. Tôi thích từ này hơn từ tràng pháo. Tràng pháo để chỉ lúc bánh pháo được mở ra treo lên, chuẩn bị làm nhiệm vụ của nó, còn bánh pháo tức là lúc chưa mở, được lũ trẻ con nâng niu, thèm muốn mong khi mở ra gặp những quả pháo hồng được tết đều tăm tắp, óng ánh, lấm tấm vụn của thuốc pháo.

Dù nhà chỉ có một bánh pháo nhưng tôi vẫn được ưu tiên tháo khoảng nửa bánh để đốt lẻ. Má Quỳnh tìm đầu dây chỉ, giật nhẹ, từ từ, các quả pháo bung ra, càng nhiều càng khoái vì đó là pháo của tôi. Có lần má kéo hơi quá tay, má lại nhặt lên, tết vào băng như cũ, cực khéo. Tôi hỏi sao má buộc được như vậy? Má cười: “Hồi bé má cũng làm pháo mà”.

Đêm 30, xong bữa tất niên, lũ trẻ con nhà 96 kéo xuống cổng, túi nhét đầy pháo, tay cầm que hương. Vẫn còn nguyên cảm giác thích thú, hồi hộp pha chút liều lĩnh khi dí quả pháo vào đầu đỏ của hương, thấy cháy, nghe xì xì là tung lên trời để nổ trên không, khói pháo trắng đục bay lên, xác pháo hồng là là, lả lướt rơi xuống. Có quả bị tịt ngòi, rơi xuống đất, bọn tôi lại nhặt lên, búng búng, xoắn xoắn lại ngòi. Nếu ngòi ngắn thì đặt ở bệ cửa, châm hương, đốt cho bằng được. Có thể mua pháo ngay ở cổng, bà Chính ở tầng 2, bà Thụy ở tầng 3 vẫn ngồi dưới đường bán. Trong giỏ, trên mẹt tha hồ là pháo, từng xấp Bình Đà, pháo đùng được buộc theo chục, pháo tép xanh đỏ tím vàng, băng ngắn trông vui mắt. Chúng tôi không thích pháo này lắm vì nổ không oai, nghe đánh đẹt 1 cái. Đúng là pháo tép.

Pháo đùng thì thích rồi, nhưng đốt cũng sợ, ngòi pháo dài, khi đốt phải tung lên thật cao, khó tính được thời gian ngòi cháy để nổ giữa không trung. Chỉ có các anh lớn mới có "trình" và sự liều lĩnh để đốt. Bọn trẻ con thì chắc ăn, ngắt 1 đầu ngòi pháo cho dài ra, châm bằng hương, có thời gian để chạy, nhưng lúc ngắt không cẩn thận, ngòi kia tuột ra khỏi lớp si nâu thì chỉ có xịt. Ngòi vẫn cháy, tia lửa bắn ra, khói pháo vẫn mù mịt. Nhưng đốt pháo mà không nổ thì vứt đi. Sau có pháo điện quang, nhỏ hơn pháo đùng, khi nổ có tia lửa chớp trắng, chói sáng. Loại này nổ cũng đanh, nhưng phải rất cẩn thận, vì gia công nên cháy nhanh lắm và không gắn si. Thằng Thận đã có lần bị đuôi pháo hở, thuốc cháy phụt ra đằng sau, ám đen ngón tay.

Trẻ con cả tối Giao thừa cứ đốt pháo đì đoàng, vừa đốt pháo vừa ngắm người đi chơi tết, thi thoảng lại chạy lên gác lấy thêm pháo, hoặc xem TV có gì hay. Ông nội thường cắt trên báo chương trình vô tuyến mấy ngày tết dán lên thành tủ để cả nhà đón xem. Gần giao thừa, cả bọn lên nhà, chuẩn bị pháo để đốt đúng giao thừa. Ai được phân công xông đất thì đứng ngoài cửa. Giờ chuẩn là theo đồng hồ trên vô tuyến. Người trong nhà vừa nhìn vô tuyến vừa hô chuẩn bị để đốt cho chuẩn 0 giờ. Nhà nào cũng treo pháo trước cửa, nhà có điều kiện thì đốt dài hơn, nhiều pháo đùng hơn. Nhà tập thể nên có nhiều chỗ kiểu giếng trời, nhiều cầu thang nên âm thanh tiếng pháo nghe khác hẳn, nó cứ âm vang, chan chát, dội từ chiều sâu hun hút của ngõ nhà 96A phố Huế, cuộn lên theo chiều cao của khu tập thể 4 tầng. Có lần bố tôi đùa: “Nhà mình đốt trước hay sau giao thừa cũng được, vì giờ ấy mình nghe pháo và ngửi pháo nhà khác, tiếng pháo nhà mình cũng giống như của nhà khác”.

Má Quỳnh gói bánh chưng cực khéo

Trong mù mịt của khói, người vào nhà xông đất được mừng tuổi. Em Mí năm nào cũng là đứa đầu tiên bước qua làn khói để vào buồng bà - chắc Mí bé và ngoan nhất nhà. Sau đó cả nhà lại ngồi vào mâm, ăn bữa đầu tiên của năm mới, cũng toàn là đồ còn lại của bữa chiều. Hồi ấy, ăn cũng là biểu hiện tết. Tết có bánh chưng, thịt thà ăn thả cửa.

Về gói bánh chưng thì má Quỳnh là người gói khéo và đẹp nhất. Các thứ được chuẩn bị từ mấy tháng: Gạo nếp, đậu xanh, thịt... Tôi nhớ cơ quan bố má gần tết là hay đi liên kết, mua lợn, mổ rồi chia cho cán bộ. Một năm mới có một dịp đủ thịt ăn. Lá dong cũng nằm trong bìa mua hàng tết. Tôi cũng được phân công đi xếp hàng mua lá dong.

img

 Lưu Minh Vũ (dưới) cùng bố, má và em Mí đón Tết năm 1976.  Ảnh: T.L.G.Đ

Bố má đều thích cúc vàng, nên tết nào cũng có bình hoa cúc. Trong căn buồng nhỏ, bốn bề là sách và tranh, sàn nhà cũng rực rỡ bởi màu của thảm, màu vàng ấm của cúc làm căn buồng sáng lên.

Ngày ấy chợ Hôm chỉ là dãy nhà mái ngói một tầng, lũ trẻ con thì nhiều thời gian và thích xếp hàng (vì còn chen ngang được). Người ta bó lá dong khéo lắm, lá to ra ngoài, lá bé vào trong, trông cuộn nào cũng đầy ắp. Nhà nào mà bị mua phải cuộn nhồi nhiều lá bé thì năm ấy phải cực kỳ cẩn thận, kẻo khi gói bị thiếu lá, bánh sẽ không đẹp.

Ngày gói bánh chưng thì như tết rồi, các cô quây quần ngồi luộc đỗ, nắm đỗ, lau lá... Tôi trực cạnh nồi, chờ bà nội nắm nắm ít đậu xanh đã luộc, chấm với đường ăn cực ngon vì đường ngày ấy cũng hiếm. Ở tập thể 96, việc đãi đỗ, rửa lá cũng là một vấn đề vì liên quan đến nước. Mấy chục hộ đều làm trong một ngày thì một vòi nước ri rỉ sao cho đủ?! Thế là lại phải lo trữ nước trước 5 ngày và việc xuống tầng 1 xếp hàng lấy nước lại là việc của lũ trẻ.

 Ngay cả việc luộc bánh dưới tầng thì các nhà cũng phải tự phân chia nhường nhịn nhau. Bởi chỗ để đun thì chỉ có ngần đấy, mỗi mẻ luộc cũng phải mười mấy tiếng. Nhà này đợi nhà kia luộc xong thì mới đến lượt mình. Cũng được cái là nhà nọ tiếp quản thùng luộc của nhà kia (nhưng nhà sau phải rửa thùng lại mệt khi nghĩ đến việc lấy nước).

Khi bố Vũ mua phải… quất cắm

Gần tết, bố má quét dọn lại căn buồng mấy mét vuông, bố thì trang trí tường. Năm nào ông Bùi Xuân Phái cũng cho tranh nhỏ bằng nửa bàn tay vẽ con vật của năm đó. Tranh nhỏ, ít màu, nhìn mãi mới ra con vật gì, chỉ rõ nhất là chữ chúc mừng năm mới và chữ ký của ông Phái. Bố hay vẽ tranh treo tết. Bức tranh cuối cùng, bố vẽ trên tấm bìa của lịch block, khuôn mặt thật buồn của một cô gái, gương mặt được chia thành hai mảng màu khác nhau như cõi Âm và Dương vậy. Chiếu đay trải sàn được giặt. Có năm bố mua được thảm đay nhiều màu, trải một cái là thấy đổi mới toàn bộ căn buồng vì nhà chật.

Tết, bố thích cây quất vì có nhiều màu, vui mắt. Có năm bố mua cây quất bé mà quả sai lắm, quả nhiều ngang lá, nhưng chỉ qua một ngày là quả héo và rụng. Hóa ra người bán đã cắm quả thêm vào. Bố cũng ứng biến bằng cách “bắt chước”, lại lấy mấy túm quất khác để cắm lại. Bố vui và ưng ý lắm. Chỉ tội, sau má phát hiện là bố toàn cắm ngược, chỗ có cành lại lộ ra.

Bố má đều thích cúc vàng, nên tết nào cũng có bình hoa cúc. Trong căn buồng nhỏ, bốn bề là sách và tranh, sàn nhà cũng rực rỡ bởi màu của thảm, màu vàng ấm của cúc làm căn buồng sáng lên, kéo các đồ đạc đơn sơ gần với nhau, quyện với khói hương trong đèn vàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem