Thị trường mỹ thuật Việt Nam đang ngày càng hỗn độn, xộc xệch?

Thứ ba, ngày 09/12/2014 14:09 PM (GMT+7)
Một bức tranh xộc xệch, hỗn độn và xỉn màu... là nhận định của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân khi đề cập đến thực trạng thị trường mỹ thuật VN hiện nay.
Bình luận 0

Không có nền tảng truyền thống, lối tư duy ăn xổi, tranh giả, tranh nhái tràn ngập, quản lý lỏng lẻo, thiếu những chính sách hợp lý... khiến cho thị trường mỹ thuật Việt bước vào một giai đoạn trầm lắng đáng lo ngại. Dù trước đó, đã có thời kỳ thị trường mỹ thuật phát triển bùng nổ với sự xuất hiện của hàng trăm gallery tại nhiều tỉnh thành, trung tâm đô thị. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự bùng nổ chẳng qua chỉ như lửa rơm chóng tàn.

Chật vật vẫn khó "thoát nghèo"

Nhiều ý kiến, tranh luận đã được các nhà quản lý, họa sĩ, phê bình mỹ thuật sôi nổi đặt lên bàn hội thảo về xây dựng thị trường mỹ thuật VN, do Bộ VHTTDL phối hợp với ĐSQ Đan Mạch tại VN tổ chức mới đây tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trăn trở, chỉ sau một thời gian ngắn nhiều khởi sắc (trong khoảng 15 năm từ đầu thập niên 90 đến giữa những năm 2000), thị trường mỹ thuật VN nhanh chóng rơi vào tình cảnh ảm đạm. Nhiều gallery và cửa hàng bán tranh đóng cửa. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

  img

Thị trường mỹ thuật VN đang trong giai đoạn trầm lắng đáng lo ngại

Đi thẳng vào câu chuyện gây dựng thị trường nghệ thuật ở VN, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhắc đến triển lãm Uncorked Soul bày tranh tượng VN lần đầu tiên ở Gallery Plum Blossom Hồng Kông, được đánh giá là thành công thương mại đột phá, giới thiệu mỹ thuật VN với thị trường “thế giới tự do”. Tranh của Bùi Xuân Phái, Bửu Chỉ, Nguyễn Quân, Trần Trọng Vũ... được giới thiệu và bán với giá 3.000- 4.500 USD, ngang mức giá của các họa sĩ “Hậu Thiên An Môn” đang đình đám của Trung Quốc lúc đó. Thị trường và người yêu nghệ thuật, giới sưu tầm nước ngoài bất ngờ phát hiện ra hội họa VN. Khi đó ở VN bán tranh còn là chuyện khó tin. Chỉ trong vài năm đã xuất hiện nhiều gallery chuyên bán tranh VN ở Hồng Kông, Singapore. Khách nước ngoài đổ xô vào mua tranh trong một thời gian ngắn. Khái niệm “nghệ sĩ độc lập” ra đời, bao hàm nghĩa sống được bằng thị trường, không phải làm công chức nhà nước như trước. Một sự cất cánh của thị trường, với thu nhập quá mức tưởng tượng.

Nhà phê bình Nguyễn Quân nhớ lại, đến khoảng 1997-1998 có nhiều triển lãm quy mô lớn, chất lượng tốt được tổ chức từ Hồng Kông, Singapore tới Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp, Na Uy, Hoa Kỳ, Úc. Một số bảo tàng lớn trên thế giới bắt đầu mua tranh. Tranh VN cũng có mặt ở các biennale và vài nhà đấu giá.

Nhưng, như lửa rơm chóng tàn. Hàng loạt vụ việc tố bán tranh nhái tác phẩm của các danh họa VN như Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí... cho các nhà sưu tập nước ngoài đã khiến niềm tin đối với thị trường mỹ thuật còn rất mong manh bị giảm sút trầm trọng. McGuinness, ông chủ Gallery Plum Blossoms lần thứ hai tới Hà Nội đã thốt lên, hai năm trước, ông phải đi tìm những thứ mình thích, nay mọi thứ đó đã tràn ngập. Thực tế này đẩy thị trường nghệ thuật mới manh nha trở về thành các hàng lưu niệm, du lịch. Doanh số và giá tranh tụt lùi và làm nản lòng giới sưu tập nước ngoài. Đến đầu những năm 2000, số lượng gallery co lại trông thấy.

Theo TS. Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH VN, trình độ thẩm mỹ trong xã hội không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu hưởng thụ trong công chúng đã khiến cho môi trường nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng phát triển mất kiểm soát, phi định hướng. Cho rằng thị trường mỹ thuật VN đang rơi vào tình trạng bế tắc...

Chật vật mãi vẫn chưa” thoát nghèo” đang là thực cảnh của thị trường mỹ thuật ở ta hiện nay. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nói, đến nay các gallery ở VN, đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ mới có một số ít được tổ chức khang trang, về cả diện tích lẫn cách trưng bày. Nhiều gallery có diện tích nhỏ, trưng bày lộn xộn, thực chất chỉ như một cửa hàng tranh nhỏ, nhiều địa chỉ bán tranh chất lượng nghệ thuật thấp. Các cửa hàng tranh chép nở rộ. Phố Nguyễn Thái Học, Hàng Trống, Hàng Hành ở Hà Nội hay một số gallery ở Hội An... là những nơi thường vi phạm bản quyền tác giả.

Chìa khóa nào mở cánh cửa đang đóng chặt?

Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành, thị trường tranh VN đã hình thành trong và ngoài nước nhưng còn nhỏ lẻ và thiếu chuyên nghiệp. “Thị trường mỹ thuật trong nước là nhu cầu, mục tiêu cho sự phát triển bền vững của mỹ thuật VN. Trong nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này, việc quan trọng đầu tiên là thay đổi cách suy nghĩ một cách khoa học, đảm bảo cho sự phát triển mỹ thuật và đem lại lợi ích kinh tế cho người tham gia vào thị trường mỹ thuật...”.

Nhà tư vấn nghệ thuật, chuyên gia Đan Mạch Christina Wilson lưu ý, để tạo một thị trường mỹ thuật ở VN, cần phải định rõ ràng mục đích: đơn giản là một thị trường mỹ thuật mang tính thương mại hay một bối cảnh mỹ thuật mang tính năng động. Thế giới mỹ thuật là một thực thể phức tạp, và việc xây dựng một chiến lược mang tính lâu dài tập trung vào thị trường mỹ thuật mang tính thương mại là một nhiệm vụ phức tạp. “ VN có thể tạo ra những trải nghiệm nghệ thuật không chỉ cho công dân nước mình , mà còn cho cả du khách và các nhà sưu tầm, những người sẽ đến và đầu tư vào mỹ thuật VN. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bám sát bản sắc của chính mình và lịch sử mỹ thuật của đất nước”, chuyên gia Christina Wilson khẳng định.

Lối thoát nào cho thị trường mỹ thuật VN hiện nay? TS. Đinh Hồng Hải cho rằng, thị trường này đang phát triển vô cùng hỗn tạp, xuất phát từ những nguyên nhân: sự quản lý nhà nước quá lỏng lẻo; sự thiếu tự giác từ chính các tác giả trong việc đăng ký bản quyền tác phẩm và nộp thuế cho nhà nước; sự mất kiểm soát của Nhà nước và thiếu tự giác của những người làm nghệ thuật đã trao thị trường mỹ thuật non trẻ của VN vào tay những kẻ cơ hội “đục nước béo cò”.

Ông Hải đề xuất các giải pháp: Luật hóa thị trường mỹ thuật; luật hóa tác quyền; thành lập các hội đồng thẩm định và cơ quan thẩm định; tổ chức các phiên đấu giá và ủng hộ các nhà đấu giá. “Từ những bước đi này, nhà quản lý, sưu tập, nghiên cứu phê bình và các nghệ sĩ sẽ dần tạo nên một môi trường nghệ thuật lành mạnh, khiến cho khách hàng, nhà sưu tập trong và ngoài nước tin tưởng hơn vào các tác phẩm nghệ thuật của VN...”. 

“Mỹ thuật VN hiện nay đang bước vào giai đoạn suy trầm đáng lo ngại. Bên cạnh những ảnh hưởng dễ thấy của khủng hoảng kinh tế thế giới và việc chưa có một thị trường mỹ thuật thực thụ thì sức tấn công mãnh liệt của hàng giả, hàng nhái đang dần lấy đi “đất sống” của những người làm nghệ thuật chân chính. Thị trường mỹ thuật còn trong giai đoạn trứng nước của mỹ thuật VN có nguy cơ bị “giết chết”...”  (Tiến sĩ ĐINH HỒNG HẢI, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH VN)

 

(Theo Báo Văn Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem