Trả giá môi trường

Chủ nhật, ngày 25/07/2010 08:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khoảng 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất nhì khu vực và đã được nhiều định chế kinh tế-tài chính quốc tế công nhận. Đời sống của người dân được nâng cao. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo cũng đã được thế giới công nhận thành tích.
Bình luận 0

Tuy nhiên, bên cạnh một số thành tích nổi bật này, có lẽ chúng ta cũng đã nhìn nhận còn nhiều bất cập mà nếu giải quyết tốt hơn, thành tích còn có thể cao hơn nữa. Là một nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, chúng ta đã đi những bước khá dài nhưng lại là những bước đi chập chững bước vào một ngả rẽ mới. Do phát triển chưa thật sự đồng bộ nên năng suất chưa cao, sử dụng tài nguyên quý hiếm chưa hiệu quả, còn lãng phí. Hiệu quả đầu tư không cao thể hiện qua chỉ số Đầu tư tăng thêm để tạo sản lượng (Incremental Capital Output Ratio hay ICOR) quá cao so với nhiều nước trong khu vực.

Ngoài ra, chúng ta còn phải trả giá khá đắt cho quá trình phát triển vừa qua, cụ thể là tình trạng ô nhiễm môi trường tràn lan từ rác thải, chất thải hóa học chôn lấp và xả trực tiếp ra các sông rạch hay khu dân cư. Vấn nạn nhức nhối này cụ thể như trường hợp của Công ty Vedan, làm chết cả con sông Thị Vải, gây tác hại đến cuộc sống của nông dân trên cả một vùng rộng lớn bao gồm TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng nai và Bà Rịa-Vũng tàu nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý rốt ráo.

Do đó, lời kêu gọi tái cấu trúc nền kinh tế trong một bài viết gần đây của Thủ tướng cần phải được tiếp thu và nghiên cứu thực hiện nghiêm túc. Đã đến lúc cần phải có những chính sách và biện pháp cụ thể để các doanh nghiệp công cũng như tư có điều kiện tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau.

Kinh nghiệm tại nhiều nước đi trước cho thấy là phải mất rất nhiều thời gian (nhiều thập kỷ) và tiền bạc để khắc phục hậu quả, chưa có thể tính đến hậu quả đối với con người đang sống trong xã hội.

Có thể nói là hiện nay chúng ta đang khuyến khích đầu tư rất nhiều khu công nghiệp trên suốt chiều dài đất nước nhưng lại khá lỏng lẻo về xử lý chất thải để bảo vệ môi trường sống cho con người hiện nay và trong tương lai. Cần phải xây dựng những tiêu chuẩn mới để đánh giá lợi ích và phí tổn xã hội của từng dự án để tránh trả giá quá đắt về thiệt hại đối với từng khu vực nói riêng và cả nước nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem