Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM tăng chỉ tiêu "phi mã" ngành Logistics

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 31/05/2023 06:12 AM (GMT+7)
Năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến tăng gần 5.000 sinh viên so với năm 2022. Trong đó, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tăng nhiều nhất, với 4.670 chỉ tiêu.
Bình luận 0

Thời gian vừa qua, nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cảm thấy "bất an", vì "ai xét học bạ cũng đậu". Thí sinh cho rằng, khi thử nộp hồ sơ xét học bạ với mức 22 điểm, thí sinh vẫn nhận được thông báo trúng tuyển có điều kiện vào ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng - dù ngành này năm trước có điểm xét học bạ là 29 điểm.

Tăng chỉ tiêu "phi mã"

Theo tìm hiểu của Dân Việt, trong vài năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông Vận tải có sự biến động lớn. 

Cụ thể, năm 2021, trường có 1.610 chỉ tiêu, sang năm 2022, con số này là 5.050 chỉ tiêu. Đáng nói, năm 2023, trường dự kiến tuyển đến 10.000 chỉ tiêu.

Trường ĐH GTVT TP.HCM tăng chỉ tiêu "phi mã" ngành Logistics  - Ảnh 1.

Chỉ tiêu tuyển sinh Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM tăng "phi mã" trong hai năm gần đây

Như vậy, năm 2023, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến tăng khoảng 4.950 chỉ tiêu so với năm 2022. Ở năm 2022, trường tăng 3.440 chỉ tiêu so với năm 2021. Nếu cộng chỉ tiêu tuyển sinh với số sinh viên hiện hữu của trường, số lượng sinh viên đã và sẽ được đào tạo là rất lớn.

Trong số này, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có chỉ tiêu tăng nhiều nhất, từ 60 chỉ tiêu (năm 2021) tăng lên 810 chỉ tiêu (2022) và "phi" lên 5.480 chỉ tiêu (năm 2023). Chỉ tiêu của ngành này còn cao hơn tổng chỉ tiêu của cả trường trong năm 2022. 

Kế đó là ngành Công nghệ thông tin với 60 chỉ tiêu (năm 2021) tăng lên 720 chỉ tiêu (năm 2022) và 1.000 chỉ tiêu (năm 2023). 

Ngành Kỹ thuật ô tô năm 2021 có 100 chỉ tiêu; năm 2022 là 300 chỉ tiêu và năm 2023 tăng lên 660 chỉ tiêu...

Trường ĐH GTVT TP.HCM tăng chỉ tiêu "phi mã" ngành Logistics  - Ảnh 2.

Bảng so sánh chỉ tiêu tuyển sinh 3 năm gần nhất của Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết theo quy định, chỉ tiêu tuyển sinh đại học xác định theo từng ngành, nhóm ngành, và phải bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của lĩnh vực đào tạo tương ứng.

Bộ Giáo dục Đào tạo cũng quy định về số sinh viên/giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo. Cụ thể, bình quân mỗi giảng viên sau khi quy đổi có thể dạy khoảng 30 sinh viên, trong đó bao gồm cả sinh viên hiện hữu đang học và sinh viên sẽ tuyển mới.

Lãnh đạo trường này cho rằng, việc tăng chỉ tiêu nhiều như nêu trên là "hơi lạ". Và nếu chỉ xét về khía cạnh đội ngũ, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM phải có một lực lượng hùng hậu mới có thể kham nổi số lượng sinh viên như vậy.

Sẽ không có vấn đề gì nếu nhà trường đảm bảo được năng lực đào tạo...

Một lãnh đạo trường ĐH khác chia sẻ, việc tăng chỉ tiêu "phi mã" như Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ không có vấn đề gì, nếu nhà trường đảm bảo được năng lực đào tạo.

Các trường được tự chủ, tự xác định chỉ tiêu dựa trên điều kiện của mình. Và khi thanh tra Bộ lập đoàn kiểm tra phải chứng minh được năng lực này. Nếu không, trường sẽ bị mất quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thay vào đó phải đăng ký với Bộ và Bộ sẽ xét duyệt...

img

Sinh viên tham quan thực tế tại kho lạnh EMERGENT COLD của Công ty Lineage Logistics Việt Nam. Ảnh: ĐH Giao thông Vận tải

Ở khía cạnh khác, vị này cho rằng, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có thể là do trước đây trường có giảng viên đông nhưng tuyển sinh được ít. Nay trường đã có uy tín nhất định về một số ngành đào tạo và dựa trên nhu cầu của xã hội nên tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Đối với đội ngũ giảng viên, nhiều người lo ngại vì trường đào tạo những ngành đặc thù; khó có thể tuyển đủ giảng viên có trình độ từ thạc sĩ đến TS, PGS, GS... Do đó, trường cần có sự giải thích cho người học, xã hội hiểu rõ. Trên thực tế, dù cũng khó nhưng trường vẫn có thể tuyển được đội ngũ, nếu thu hút được thông qua chế độ, chính sách đặc biệt.

"Theo quan điểm của tôi, các điều vừa nêu không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất. Điều đáng quan tâm là khi chỉ tiêu tuyển sinh tăng mạnh, điểm chuẩn đầu vào thấp hơn nhiều so với trước, chất lượng sinh viên cũng thấp hơn. Liệu rằng các em có đủ năng lực để theo học chương trình? Sẽ có bao nhiêu em phải "đứt gánh nửa đường" vì không thể theo nổi chương trình học, chuẩn đầu ra?. 

Bên cạnh đó, nếu đào tạo không đủ chuẩn, lực lượng lao động cung cấp cho xã hội không đủ chất lượng, các em sẽ dễ bị đào thải, bởi chuẩn đầu ra của các trường chính là chuẩn đầu vào của doanh nghiệp", vị này chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem