Ứng phó bão số 9, rà soát lại người, tàu vận tải ở khu vực nguy hiểm

Khương Lực Thứ tư, ngày 28/10/2020 11:03 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT) cho biết, từ giờ đến trưa, một việc rất cần thiết liên quan đến các lực lượng công an, biên phòng là rà soát lại người còn trên tàu cá, khu neo đậu, trên lồng bè và các tàu vận tải neo đậu ở các cửa sông.
Bình luận 0

Sáng 28/10, tại cuộc họp ứng phó bão số 9 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, từ giờ đến trưa, một việc rất cần thiết liên quan đến các lực lượng công an, biên phòng là rà soát lại người còn trên tàu cá, khu neo đậu, trên lồng bè hoặc bà con rời khu vực nguy hiểm rồi, qua đêm lại quay trở về xem tài sản, xem các thứ. Nếu quay trở về, dù ban ngày, có phát hiện được thì việc cứu người là rất khó.

Ứng phó với bão số 9, rà soát lại người, tàu vận tải ở khu vực nguy hiểm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, từ giờ đến trưa, một việc rất cần thiết liên quan đến các lực lượng công an, biên phòng là rà soát lại người còn trên tàu cá, khu neo đậu, trên lồng bè.

Cùng với đó, chúng ta phải quan tâm đến tàu vận tải và lồng bè. "Các tàu vận tải khi neo đậu ở các cửa sông, rồi khu neo đậu trong vị trí bão vào phải kiểm tra, rà soát lại để sẵn sàng công tác cứu hộ" – ông Quang lưu ý.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trong ngày 26 và 27/10, các nhà mạng đã nhắn 35 triệu tin nhắn cảnh báo sớm, trực tiếp tới người dân trong khu vực ảnh hưởng của cơn bão số 9.

Trước diễn biến của bão số 9, ông Tiến đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm Công điện số 1490 ngày 27/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Ban chỉ đạo tiền phương về ứng phó với bão số 9.

Cụ thể, đối với trên biển, tăng cường tối đa tìm kiếm cứu nạn các tàu đang bị chìm và các tàu đang gặp những khó khăn; kiên quyết kêu gọi 46 tàu của Bình Định ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ các tàu và người dân khi có sự cố...

Đối với đất liền, đề nghị tiếp tục nâng cao theo dõi, cảnh báo mưa lớn trong và sau bão để kịp thời đưa tin đến cộng đồng và người dân. Kiểm tra, đảm bảo an toàn khu vực khi có nguy cơ bị ảnh hưởng do bão, mưa lớn. 

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ trên đất liền để xử lý các tình huống. Rà soát, triển khai các phương án sơ tán dân ở các khu vực vùng thấp trũng, nguy cơ cao bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét do ảnh hưởng của bão và mưa lũ.

Theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 10 giờ, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 180km, cách Quảng Nam 110km, cách Quảng Ngãi 60km, cách Bình Định 120km; cách Phú Yên 200km. Sức gió mạnh nhất: cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem