Vắng khách, khoang máy bay chất đầy một loại nông sản của Việt Nam chở thẳng sang Nhật Bản bán giá cao
Vắng khách, khoang máy bay chất đầy một loại nông sản của Việt Nam chở thẳng sang Nhật Bản bán giá cao
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 08/06/2021 07:00 AM (GMT+7)
Sau thị trường Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Thái Lan, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ tiếp tục chinh phục thị trường châu Âu (EU).
Vải thiều Thanh Hà sang Nhật Bản bán giá cao vẫn cháy hàng
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, đến nay tỉnh này đã xuất khẩu khoảng 100 tấn vải thiều sang thị trường Nhật Bản.
Dự kiến, từ nay đến cuối vụ, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, Australia, Singapore, EU…
Đến nay, 100% các lô vải của Hải Dương xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của thị trường nhập khẩu.
Đáng chú ý, giá vải thiều của Hải Dương bán tại Nhật Bản rất cao, 350.000 - 500.000 đồng/kg.
Hiện, tỉnh Hải Dương đã xuất khẩu được khoảng 1.500 tấn vải thiều đi các thị trường khó tính.
Trong đó xuất đi Nhật Bản, Mỹ, Australia: 300 tấn; Singapore, Trung Đông, Malaysia: 500 tấn; cấp đông xuất đi Hàn Quốc, Nhật, châu Âu: 700 tấn; bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử: 100 tấn.
Sau Nhật Bản, vải thiều sang EU
Chiều ngày 7/6/2021, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Công ty Cổ phần Pacific Foods đã chính thức xuất lô thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đi châu Âu theo hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Trong tuần tới sẽ là lô vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang cũng lên đường chinh phục cộng đồng 27 quốc gia khó tính này.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ niên vụ 2021 để tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và đặc biệt là xuất khẩu.
Hiện hàng chục tấn vải thiều của 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã có mặt trên kệ hàng tại các chuỗi siêu thị Nhật Bản, Singapore và vài ngày tới sẽ là các nước EU.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
Lô trái vải đầu tiên sẽ đi đường hàng không và “cập bến” cộng hoà Séc – nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU.
Tổng Giám đốc Pacific Foods Chung Trí Phong cho biết, việc Pacific Foods xuất khẩu thành công lô vải thiều từ 2 vùng nguyên liệu nổi tiếng thường gọi là Thanh Hà của Hải Dương và Lục Ngạn tại Bắc Giang theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP một lần nữa chứng minh rằng, trái vải thiều Việt Nam luôn được khách hàng thế giới ưa chuộng, và các doanh nghiệp trong nước ngày càng đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của các thị trường, mà EU là một ví dụ.
Theo ông Phong, hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản.
Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lí sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát.
"Chúng tôi cũng liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy trái vải sẽ sớm được người tiêu dùng tại châu Âu ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon và an toàn" - ông Phong nói.
Lô vải xuất khẩu của Pacific Foods sẽ đến được tay người tiêu dùng châu Âu mất khoảng 4-5 ngày.
Bà Lê Minh Hoa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ Việt Nam, đơn vị kết nối trái vải xuất khẩu EU cho biết: EVFTA thường được ví như "con đường cao tốc hướng tây", kết nối Việt Nam tới một không gian rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.