Vị Thủy xóa đói, giảm nghèo

Cao Phong - Đức Khánh Thứ năm, ngày 28/08/2014 09:01 AM (GMT+7)
Là một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo cao; trình độ dân trí thấp; đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ nhưng 15 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, đời sống bà con nông thôn, kinh tế - xã hội của huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đã có những đổi thay rõ rệt. 
Bình luận 0

Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo

Trong 2 ngày (28 – 29.8), tại huyện Vị Thủy sẽ long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 15 năm thành lập huyện (1999 – 2014).

Hiện nay, huyện Vị Thủy có 9 xã và 1 thị trấn, gồm các xã: Vị Bình, Vị Thanh, Vị Đông, Vị Trung, Vị Thủy, Vị Thắng, Vĩnh Trung, Vĩnh Tường, Vĩnh Thuận Tây và thị trấn Nàng Mau là trung tâm huyện lỵ. Thị trấn Nàng Mau trở thành trung tâm của huyện nơi có hệ thống giao thông thủy, bộ đều thuận lợi. Thị trấn Nàng Mau còn là cửa ngõ vào TP.Vị Thanh là trung tâm hành chính tỉnh Hậu Giang. Đường bộ, có tuyến QL61 đường nối Vị Thanh – Cần Thơ đi qua.

Ông Nguyễn Văn Vui – Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết: “15 năm qua Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và xem đó là một mục tiêu, động lực là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà đi lên. Vì vậy, trong 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện năm sau cao hơn năm trước”.

“Trong 8 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đạt mức bình quân là 11%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Từ đó, làm cho thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên. Năm 1999, thu nhập bình quân là 4,75 triệu đồng/người/năm; đến năm 2013 thu nhập bình quân là 26,92 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 5,6 lần)” – ông Vui phấn khởi nói.

Tỷ lê hộ nghèo giảm nhanh và bền vững năm 2000 là 14,64% đến năm 2011 là 27,23% theo tiêu chí mới, đến đầu năm 2014 còn 11,84%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 18,8 lần từ trên 132 tỷ đồng vào năm 1999 tăng lên 2.500 tỷ đồng vào năm 2013. Sự tăng trưởng nhanh này, chứng minh sức mua của người dân ngày càng tăng lên góp phần vào nguồn thu ngân sách của huyện từ hơn 9 tỷ đồng vào năm 1999 lên 635,527 tỷ đồng vào năm 2013.

Xác định nông nghiệp là then chốt

Do xác định kinh tế nông nghiệp là then chốt nên trong 15 năm qua, huyện luôn đầu tư và tập trung chỉ đạo cho lĩnh vực này. Trong đó, công tác giao thông thủy lợi mua khô, khuyến nông luôn được Huyện ủy, UBND quan tâm, chỉ đạo sâu sắc.

Năm 1999, diện tích trồng lúa có đê bao khép kín là 3.541ha/16.600ha nhưng chưa được hoàn chỉnh; đến năm 2013 diện tích đê bao khép kín toàn huyện là 15.766ha/16.133ha, (đạt 97,73% tổng diện tích đất canh tác toàn huyện); trong đó, có 5.000ha khép kín hoàn toàn. Hệ thống đê bao thủy lợi góp phần làm cho diện tích canh tác và sản lượng ngày càng tăng cao.

Năng suất bình quân năm 1999 là 4,53 tấn/ha, tổng sản lượng là 178.000 tấn/năm; năm 2013 năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha, tổng sản lượng 279.061 tấn/năm (tăng 56,5%), trong khi đó diện tích đất trồng lúa giảm hơn 467ha do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây cũng là năm thứ 13 liên tiếp Vị Thủy có sản lượng lúa trên 200.000 tấn/năm góp phần đưa sản lượng lúa của tỉnh Hậu Giang lên 1,2 triệu tấn.

Chính vì xác định nông nghiệp là then chốt nên mới đây lần đầu tiên, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với UBND huyện Vị Thủy tổ chức “Lễ hội ngày mùa” trên cánh đồng mẫu lớn, nhằm khuyến khích và tôn vinh nghề trồng lúa và cũng là nơi để nông dân có dịp gặp gỡ, giao lưu về kỹ thuật, vui chơi văn nghệ sau một vụ mùa sản xuất.

Lão nông Trần Văn Thẳng hồ hởi cho biết: “Hơn nửa đời người gắn bó với ruộng đồng, lần đầu tiên chính quyền địa phương tổ chức một lễ hội ngay trên đồng ruộng khiến bà con ai nấy cũng đều phấn khởi. Lễ hội ngày mùa, là dịp không những giúp nhà nông “xả stress” sau một vụ mùa làm lụm mệt nhọc đây còn là sân chơi rất bổ ích giúp nhà nông chúng tôi chia sẽ kinh nghiệm đồng áng, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm”.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Lễ hội ngày mùa không chỉ nhằm mục đích tạo sinh khí mới đầy vui tươi, phấn khởi khi bước vào thu hoạch, kịp thời biểu dương một một số bà con có thành tích trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, cũng là dịp để lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của bà con trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2014 và những năm tiếp theo để giúp ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang ngày càng hoàn thiện hơn”.

“Song song với việc xây dựng hệ thống thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trên đồng ruộng huyện còn chú trọng về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, trong đó chọn khâu đột phá là “liên kết bốn nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà kinh doanh, nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp” – ông Vui cho hay.

  Thành tựu sau 15 năm  thành lập huyện
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1.198 tỷ đồng.
 Tăng trưởng kinh tế liên tục giữ mức cao, bình quân cả thời kỳ đạt 12,06%.
 Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tăng gấp 3 lần từ 32,84% năm 1999 lên 98,6% năm 2013. Y tế các xã, thị trấn đạt chuẩn 100% về y tế.
Là huyện thứ hai trong tỉnh xây dựng thành công xã nông thôn mới xã Vị Thanh…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem