Nâng đỡ cảnh nghèo
Căn nhà cấp 4 của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên năm sâu trong khoảng sân hẹp. Trước sân, trong bếp là đồ nghề làm đậu phụ. Chồng chị, anh Đặng Minh Công 4 năm nay ốm đau liên miên. Một mình chị Nguyên cáng đáng nuôi chồng ốm và 2 đứa con nhỏ bằng nghề làm đậu phụ và nuôi lợn.
|
Chị Nguyễn Thị Nguyên, thôn Triều Khê, xã Đội Bình chăm sóc con lợn nái mua từ vốn vay ưu đãi. |
“Chỉ làm đậu phụ thì được đồng nào tiêu hết đồng đấy. Hồi đầu năm, được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng, tôi mua 1 lợn nái mẹ và mua trữ thêm ít đỗ tương, mấy bao cám. Con lợn nái đẻ hồi đầu tháng 7, tôi để lợn con nuôi thành lợn thịt. Tôi vừa bán hơn 1 tấn lợn hơi được trên 50 triệu đồng”- chị Nguyên thổ lộ.
Giờ đây, bên cạnh làm đậu phụ, con lợn nái hơn 1 tạ là gia sản quý giá của chị Nguyên. Chị Dương Thị Thực - Tổ trưởng tổ Vay vốn và Tiết kiệm thôn Triều Khê tâm sự: “Chị Nguyên là một trong những người được các thành viên trong tổ rất quan tâm. Không chỉ động viên chị vượt khó, mà còn góp ý, hỗ trợ về kinh nghiệm chăn nuôi...”.
Cũng nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, năm 2011, nhiều hộ trong xã Đội Bình đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định như gia đình chị Phạm Thị Anh, Lã Thị Nga... Bà Trần Thị Tâm- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đội Bình cho biết: “Các hộ nghèo trong xã chủ yếu vay vốn ưu đãi để chăn nuôi lợn, bò, nuôi thuỷ sản...
Với vốn vay hộ nghèo phát triển sản xuất, các hộ cũng chỉ dám vay ở mức từ 15 triệu đồng trở xuống phù hợp với việc chăn nuôi lợn, gia cầm, bò, thuỷ sản, trồng dưa chuột xuất khẩu quy mô nhỏ. Với quy mô như vậy, chưa có thể nói làm giàu được, nhưng mức thoát nghèo, ổn định và khá giả thì hộ nghèo có thể vươn lên được”.
Hỗ trợ vùng chiêm trũng
Đội Bình là một trong những xã vùng chiêm trũng khó khăn, kém phát triển nhất của huyện Ứng Hoà. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở đây khá chậm. Trong xã, ngoài số lao động đi ra Hà Nội buôn bán có khá giả lên, còn lại lao động thuần nông tại chỗ thì thu nhập rất thấp. Bên cạnh không nhiều diện tích dưa chuột xuất khẩu và 37ha diện tích ruộng trũng chuyển đổi sang làm trang trại tổng hợp thì cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Đội Bình chưa có sự bứt phá rõ nét.
Tổng dư nợ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã Đội Bình hiện đạt hơn 5 tỷ đồng với hơn 500 hộ vay, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo 2,25 tỷ đồng; cho vay HS-SV 1,38 tỷ đồng; cho vay NSVSMT 1,48 tỷ đồng...
Ông Trần Thanh Tùng-Chủ tịch UBND xã Đội Bình chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã tổ chức đưa một số nghề như mây giang đan, dệt thảm, thêu ren, sinh vật cảnh về “cấy” ở xã, nhưng đến nay chỉ duy trì được khoảng 200 lao động thêu ren...”.
Điều kiện “hấp thụ” chưa cao, nhưng ông Tùng khẳng định, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đối với xã Đội Bình là rất quan trọng và có ý nghĩa đảm bảo an sinh xã hội. Trong số các chương trình tín dụng ưu đãi mà Ngân hàng CSXH đang triển khai thực hiện tại xã Đội Bình thì có 3 chương trình góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội là cho vay hộ nghèo, cho vay NSVSMT và cho vay HS-SV.
“Nhiều hộ được vay 2-3 chương trình vốn ưu đãi. Ví dụ như vừa được vay vốn hộ nghèo, vốn NSVSMT và vốn HS-SV. Các nguồn vốn này bổ trợ cho nhau, giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo...”.
Đông Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.