Vụ Dai - Ichi không bồi thường 602 triệu: Không có lý do gì từ chối?

Phương Thảo Thứ ba, ngày 14/05/2019 15:03 PM (GMT+7)
Về vụ việc Công ty Dai – Ichi không công nhận các văn bản của nhiều cơ quan chức năng là căn cứ pháp lý để chi trả 602 triệu đồng cho chồng bà Phạm Thị Thắm bị tử vong do điện giật, Tiến sỹ Trần Nguyên Đán (Giảng viên bộ môn Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính, trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng không có lý do gì để Dai – Ichi từ chối trách nhiệm bồi thường.
Bình luận 0

Sau khi nắm thông tin về vụ việc, Tiến sỹ Trần Nguyên Đán nêu quan điểm: "Công ty Dai - Ichi yêu cầu khách hàng phải cung cấp Hồ sơ tai nạn của n gười được bảo hiểm là ông Nguyễn Phú Sơn (chồng bà Thắm) do công an điều tra (cấp huyện/tỉnh/trung ương) lập, bao gồm: Biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường; Biên bản vụ tai nạn; Biên bản khám nghiệm tử thi; Biên bản giám định pháp y về tử thi; Biên bản kết luận điều tra” là không đúng".

Theo Tiến sỹ Trần Nguyên Đán, thông lệ quốc tế, khi có rủi ro cho khách hàng, công ty bảo hiểm là đơn vị phải đi thu thập chứng cứ. Bởi doanh nghiệp mới có đủ điều kiện để làm việc này chứ không phải khách hàng. Khách hàng chỉ là người hỗ trợ. Về nguyên tắc, khách hàng không có nghĩa vụ phải chứng minh không xứng đáng được chi trả quyền lợi bảo hiểm.

"Trong vụ việc trên, Dai – Ichi yêu cầu khách hàng cung cấp chứng cứ, bản chất là đang tìm hiểu khách hàng xứng đáng hay không xứng đáng được nhận quyền lợi bảo hiểm. Nếu đứng về phía bảo vệ quyền lợi khách hàng, doanh nghiệp sẽ xem xét việc khách hàng có xứng đáng được nhận tiền bảo hiểm hay không. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ xem xét và tìm các chứng cứ “chống lại khách hàng”, nghĩa là khách hàng không được nhận tiền bảo hiểm. Ở đây, Dai – Ichi đã không đứng trên quyền lợi khách hàng để bảo vệ mà rõ ràng là đứng trên quyền lợi của doanh nghiệp" - ông Đán cho hay.

img

Bảo hiểm  Dai – Ichi đang xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ của khách hàng Phạm Thị Thắm (ảnh).

"Bảo hiểm nhân thọ nói chung mang tính nhân đạo, bảo vệ quyền con người. Dai – Ichi căn cứ vào đâu khi phủ nhận các văn bản xác nhận của các cơ quan chức năng về việc khách hàng bị tử vong do điện giật? Dai – Ichi đang xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ của khách hàng, làm tổn thất không chỉ cho chính doanh nghiệp mà cho ngành bảo hiểm Việt Nam; làm giảm lòng tin của khách hàng .

Trong trường hợp cụ thể này, không có lý do gì để Dai – Ichi từ chối bồi thường, khách hàng xứng đáng được dảm bảo quyền lợi bảo hiểm; thương hiệu Dai – ichi xứng đáng được cứu vãn” – Tiến sỹ Trần Nguyên Đán khẳng định.

img

Theo thông lệ quốc tế, khi có rủi ro cho khách hàng, công ty bảo hiểm là đơn vị phải đi thu thập chứng cứ.

Như Dân Việt đã thông tin, sau khi chồng bị điện giật tử vong, bà Phạm Thị Thắm đã nộp cho Dai - Ichi đầy đủ hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm tử vong gồm: Bản sao biên bản tử vong ngoại viện số 22/BB-TV-BV ngày 9.8.2018 của BVĐK huyện Châu Thành; Trích lục khai tử số 765/TLKT-BS ngày 13.8. 2018 của UBND Phường Vĩnh Thông; Đơn xác nhận của Công An xã Bình An (Huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) ngày 24.8.2018 về tai nạn điện của ông Sơn; Bản tường trình về việc các cơ quan chức năng không lập hồ sơ tai nạn được công an xã Bình An xác nhận ngày 21.2.1019.

Tuy nhiên, Dai-Ichi lại yêu cầu bà Thắm phải cung cấp các hồ sơ, chứng cứ bao gồm: “Hồ sơ tai nạn của Người được bảo hiểm Nguyễn Phú Sơn do công an điều tra (cấp huyện/tỉnh/trung ương) lập, bao gồm: Biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường; Biên bản vụ tai nạn; Biên bản khám nghiệm tử thi; Biên bản giám định pháp y về tử thi; Biên bản kết luận điều tra".

Những tài liệu phía Dai Ichi yêu cầu là các tài liệu hồ sơ của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ lập hồ sơ nói trên khi xét thấy cần thiết và cũng không phải là nghĩa vụ của người dân buộc cơ quan điều tra phải lập hồ sơ đó cho mình.

img

Giấy khai tử của nạn nhân

Ông Sơn bị điện giật có nhiều nhân chứng và những người này đưa ông Sơn tới bệnh viện. Theo gia đình, đó là cái chết hoàn toàn do tai nạn trong lúc làm việc, ngẫu nhiên, bất ngờ.

Việc yêu cầu cung cấp những giấy tờ đó của Dai – Ichi lại diễn ra sau khi ông Sơn đã được chôn cất hơn 2 tuần kể từ ngày xảy ra sự cố là hết sức bất thường và không có tình người.

Mặt khác, theo Hợp đồng bảo hiểm, gia đình bà Thắm không có bất cứ giao kết hay thỏa thuận nào về việc phải nộp các tài liệu/hồ sơ nói trên.

Chiều ngày 2.5, Dai - Ichi trả lời Phóng viên Dân Việt về lý do chưa chi trả quyền lợi bảo hiểm cho bà Thắm: “Các tài liệu mà bà Thắm cung cấp… chưa đủ cơ sở để xác định nguyên nhân tử vong trực tiếp và duy nhất của ông Nguyễn Phú Sơn là do tai nạn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem