“Kỳ thị” diễn viên hài?
Hai hồ sơ không lọt vào vòng Hội đồng cấp Bộ của Nhà hát Tuổi trẻ đang được dư luận chú ý nhiều là của 2 vị “Táo” khá quen mặt với khán giả: NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Hằng. Mặc dù rất được công chúng yêu thích, ủng hộ nhiệt tình nhưng 2 nghệ sĩ này vẫn “trượt vỏ chuối” trong đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm nay.
Vốn thẳng tính, NSƯT Chí Trung đã lên tiếng bày tỏ nỗi băn khoăn của anh với báo chí: “Liệu có phải tiêu chí xét tuyển danh hiệu NSND đang khá mù mờ, rắc rối và chưa công tâm? Bởi thực tế có những người không giành Huy chương Vàng nào vẫn đạt danh hiệu này. Có nhiều nghệ sĩ được phong tặng mà công chúng không biết họ là ai”.
Các NSƯT Minh Hằng và Chí Trung (thứ 2 và 3 từ trái) tham gia chương trình Táo quân. Ảnh: T.L
Vị “Táo Giao thông” cũng không giấu giếm nỗi thất vọng của mình khi cho biết dường như có một sự “kỳ thị” với các diễn viên hài kịch, bởi theo anh việc xét tặng cho những nghệ sĩ thiên về hài thường thua thiệt hơn các nghệ sĩ khác. Còn nhớ, trong đợt xét tặng danh hiệu năm 2012, 2 gương mặt nổi tiếng của làng hài phía Bắc là NSƯT Xuân Hinh và NSƯT Quốc Anh của Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã trượt danh hiệu NSND.
Năm nay, ngoài Chí Trung, Minh Hằng, còn có tin đồn nghệ sĩ hài Hoài Linh cũng trượt danh hiệu NSƯT. Điều này càng làm cho sự nghi ngờ “các diễn viên hài thường bị gạt khỏi cuộc đua danh hiệu” thêm rõ nét. Năm nay, trong 17 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của Hội đồng cấp Bộ gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước lần này, không có nghệ sĩ hài nào có mặt.
Băn khoăn số huy chương
NSND Phạm Thị Thành –một tên tuổi lớn của sân khấu kịch cho biết: “Việc xét tặng từ trước đến nay vẫn chủ yếu căn cứ vào huy chương, giải thưởng của các nghệ sĩ khi tham gia các liên hoan. Thế nhưng có rất nhiều người có khả năng nhưng họ lại không có vai trong các dịp hội diễn, bởi thế nên đặc cách để xét tặng các trường hợp thực sự xứng đáng. Tuy nhiên, cũng không nên nới lỏng việc bình xét dễ quá, rất nhiều người nói bây giờ nhận được danh hiệu NSND, NSƯT dễ quá. Nhất là bên ca nhạc chẳng hạn, có rất nhiều nghệ sĩ không xứng đáng lắm cũng được phong tặng”.
Cũng bày tỏ nỗi băn khoăn về tiêu chí xét số lượng huy chương, NSND Vũ Ngoạn Hợp – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói: Thực ra việc xét tặng này vừa dễ mà vừa khó, mỗi thời kỳ lại có một thay đổi khác nhau, năm nay căn cứ vào Luật Thi đua- Khen thưởng. Ở nhiều bộ môn như nghệ thuật xiếc, không có nhiều liên hoan xiếc trong nước, thế thì các nghệ sĩ lấy đâu ra giải thưởng để được tôn vinh? Trước đây thì cứ 3 năm hay 5 năm lại có các kỳ liên hoan xiếc toàn quốc. Nhưng không hiểu trong kế hoạch phát triển ngành nghệ thuật lại bỏ quên việc tổ chức các liên hoan xiếc toàn quốc. Các nghệ sĩ xiếc hàng năm cũng chỉ tham gia vài ba liên hoan, mà các tiết mục nhiều lắm cũng chỉ 2 - 3 nghệ sĩ biểu diễn. Thử hỏi như thế thì các nghệ sĩ đến bao giờ mới đủ giải thưởng”.
Theo quy định tại Nghị định 89, sau khi đạt danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có thêm 2 Huy chương Vàng ở các cuộc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do các các cục chuyên ngành của bộ tổ chức. Còn các Huy chương Vàng tại các cuộc thi, hội diễn của các hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ sân khấu… chỉ được quy đổi bằng 2/3 Huy chương Vàng mà thôi. Điều này khiến cho tiêu chí về số huy chương của các nghệ sĩ đã khó càng thêm khó. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn “có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên” (riêng xiếc và múa thì 10 năm). Trong 15 năm đó, những nghệ sĩ đã nhận danh hiệu NSƯT hầu hết đều đã qua thời vàng son của nghề, việc đòi hỏi phải có thêm 2 Huy chương Vàng thì mới được NSND với nhiều người dường như vượt quá sức của họ.
Chính bởi những quy định ngặt nghèo như vậy, việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ khó đạt được cả tình và lý. Thường thì các hội đồng xét danh hiệu cứ “án tại hồ sơ” để tránh khiếu nại về sau, rất hiếm khi “nương tay” xét đặc cách. Và như vậy, phần thiệt thòi luôn thuộc về các nghệ sĩ.
Thường thì các hội đồng xét danh hiệu cứ “án tại hồ sơ” để tránh kiện tụng, khiếu nại về sau, rất hiếm khi “nương tay” xét đặc cách. Và như vậy, phần thiệt thòi luôn thuộc về các nghệ sĩ.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Thiếu danh hiệu cho người biên kịch
Những người làm biên kịch như bản thân tôi không hề được xét, hay đề cử để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Các giải thưởng dành cho người làm biên kịch hiện nay chỉ là các giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi biết việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ này tập trung dành cho những nghệ sĩ tham gia trực tiếp biểu diễn. Tuy nhiên, qua những đợt xét tặng tôi cũng thấy nhiều bất cập, đôi khi là thiếu công bằng, bởi vì người làm âm thanh, dựng phim đều được đưa vào xét tặng danh hiệu thì tại sao biên kịch thì hoàn toàn không có?
NSƯT Thanh Ngoan:Nên xét đặc cách cho nghệ sĩ nhiều cống hiến
Theo tôi nên có việc đặc cách trong việc tôn vinh những nghệ sĩ xứng đáng. Tôi biết rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, mà không riêng gì chèo, các anh, các chị ở các lĩnh vực nghệ thuật khác vô cùng xứng đáng bởi vì thế hệ đó là thế hệ vàng, thế hệ kim cương. Họ tuy không giành được huy chương, nhưng họ lại là những tên tuổi vang danh của sân khấu của nước nhà. Ví dụ trường hợp của Nhà hát Chèo Việt Nam, năm nay nhà hát cũng đề cử phong tặng NSND cho NSƯT Diễm Lộc. Bà không hề có huy chương, nhưng nhắc đến công sức hay cái tên của bà trên sân khấu chèo thì ai cũng biết. Bà đã làm đẹp cho ngành chèo thì tại sao không phong tặng danh hiệu cao quý cho bà? Hay như trường hợp các nghệ sĩ Khắc Tư, Minh Thu, nói là nghỉ hưu nhưng họ vẫn tham gia công tác giảng dạy cho lớp trẻ. Họ làm tất cả những điều đó cũng chỉ vì tình yêu nghề nghiệp. Theo tôi nên khuyến khích để người nghệ sĩ yêu nghề hơn, đó sẽ là một động lực tinh thần để họ tiếp tục cống hiến.
Minh Quân (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.