Ẩm thực An Giang với những món ăn độc, lạ, nghe tên rất sợ nhưng ăn vào lại "gây nghiện"

Huy Hoàng (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 13/08/2023 19:03 PM (GMT+7)
Một trong những địa điểm du lịch được nhiều chuyên gia du lịch đánh giá ẩm thực ngon, độc đáo và lạ miệng đó là tỉnh An Giang. Trong đó các món đặc sản nghe tên thì sợ, nhưng với cách chế biến độc đáo đã tạo nên hương vị khác biệt bởi vị thơm, béo ngậy, mằn mặn và cay cay.
Bình luận 0

Nếu ai đã đi du lịch miền Tây chắc hẳn biết, nơi đây ẩm thực cực kỳ phong phú và đa dạng, với nhiều món ăn đặc sản tươi ngon, bổ dưỡng, bởi sản vật của vùng sông nước.

Du lịch miền Tây có món ăn đặc biệt này được đánh giá là “bản hòa tấu” của các toping - Ảnh 1.

Cơm tấm Long Xuyên, hấp dẫn bởi cách chế biến khác biệt. Ảnh: comtamtung

Ẩm thực An Giang: Cơm tấm Long Xuyên - Món ăn đặc biệt được đánh giá là "bản hòa tấu" của các topping

Một trong những địa điểm du lịch được nhiều chuyên gia du lịch đánh giá ẩm thực ngon, độc đáo và lạ miệng đó là tỉnh An Giang. Trong đó, món cơm tấm Long Xuyên là một trong những món ăn bình dân nhưng lại được nhiều du khách, lái xe yêu thích.

Để có được cơm tấm Long Xuyên ngon, người dân ở đây thường dùng loại gạo tấm nhuyễn nên khi chín, hạt gạo nở nhỏ hơn hạt gạo bình thường, đảm bảo đủ nhuyễn, thơm nhưng không bị quá khô. Khi ăn du khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn vị thơm ngọt, bùi bùi của gạo quê hương.

Du lịch miền Tây có món ăn đặc biệt này được đánh giá là “bản hòa tấu” của các toping - Ảnh 3.

Ẩm thực An Giang. Ảnh: luhanhvietnam

Bên cạnh hạt cơm nhuyễn thơm thì phần thức ăn kèm với cơm tấm cũng được chế biến khác biệt so với cơm tấm ở các nơi khác đó là phần sườn nướng, trứng khìa (kho) được cắt nhỏ và sắp đều trên mặt đĩa.

Những miếng sườn nướng vàng ruộm ướp với mật ong thơm được thái lát thật mỏng để du khách có thể thưởng thức hoàn toàn hương vị thịt. Những quả trứng vịt hay trứng gà được kho đậm đà sao cho có màu nâu bóng nhạt. Cả phần bì heo cũng được mang đi khìa sao cho thấm vị, khi ăn vẫn giữ được độ dai và thơm rồi cuối cùng xắt thành sợi nhỏ.

Bên cạnh những nguyên liệu chính là sườn nướng và trứng kho, các quán cơm tấm ở Long Xuyên còn có thêm các topping mà mỗi quán là topping khác nhau như: thịt quay, gà quay, gà luộc, trứng kho, chả cá, bì trộn, mỡ hành, dưa chua...

Một đĩa cơm tấm Long Xuyên hoàn chỉnh sẽ cần thêm các topping này và cuối cùng điểm khác biệt rõ nhất nằm ở độ sánh của nước mắm ăn cùng cơm tấm Long Xuyên.

Nhiều du khách sau khi thưởng thức món cơm tấm Long Xuyên đã đánh giá, cách chế biến cơm tấm nơi đây đặc biệt và rất ngon, đó là "bản hòa tấu" hoàn hảo giữa các nguyên liệu với nhau. 

Ẩm thực An Giang: Đặc sản côn trùng

Ẩm thực An Giang với những món ăn độc, lạ, nghe tên rất sợ nhưng ăn vào lại gây nghiện - Ảnh 3.

Dế sữa xào bơ. Ảnh: Khoa Châu Đốc – Bảo Trân.

Một trong những món ăn đặc sản của An Giang chính là các món độc, lạ, là côn trùng ở chợ Tịnh Biên.

Chợ Tịnh Biên – một trong những khu chợ đầu mối lớn từ miền Tây chuyên buôn bán rất nhiều mặt hàng khác nhau, đây cũng là nơi dừng chân và mua sắm của người dân địa phương cũng như nhiều khách du lịch. Đặc biệt đến đây bạn đừng bỏ qua món ăn côn trùng, sản vật độc lạ luôn được thực khách săn đón.

Tại đây có rất nhiều các mặt hàng đủ thể loại và đặc biệt không thể bỏ qua chính là các món ăn đến từ côn trùng. Nơi đây là khu chợ buôn bán côn trùng nhiều nhất tại miền Tây, các loại côn trùng ở đây buôn bán rất chạy hàng, được nhiều người từ xa đến tìm mua. 

Nhiều người đến đây sẽ vô cùng kinh sợ khi nhìn thấy những quầy hàng bày bán đầy loại côn trùng với những hình thù đáng sợ, tuy nhiên nếu bạn ăn thử qua thì rất có thể ngạc nhiên vì hương vị độc đáo của chúng đấy. Một số món côn trùng đặc biệt có tại đây như: bọ rầy chiên giòn, dế cơm xào lá trúc, bọ cạp chiên giòn, nhộng rang, rắn mối, bìm bịp, nhện,… Đặc biệt thỉnh thoảng có nhiều loại rắn độc khá hiếm như rắn hổ, rắn đuôi chuông,…

Ẩm thực An Giang: Gà đốt Ô Thum

Ẩm thực An Giang với những món ăn độc, lạ, nghe tên rất sợ nhưng ăn vào lại gây nghiện - Ảnh 5.

Ẩm thực An Giang. Gà đốt lá chúc Ô Thum. Ảnh: Mia.vn

Món ăn độc đáo này có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia, du nhập vào vùng Thất Sơn - Bảy Núi An Giang và trở thành đặc sản vang danh khắp chốn. Sở dĩ món đặc sản này có tên gọi như thế là vì nó có nhiều nhất ở khu vực Hồ Ô Thum thuộc địa phận huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Để làm ra món gà đốt lá chúc Ô Thum, người dân phải lựa chọn nguyên liệu vô cùng kỹ lưỡng. Gà để chế biến món ăn này phải là loại gà đồ, khá giống với gà ta nhưng mỗi con chỉ có trọng lượng khoảng từ 1.3kg đến 1.8kg. Loại gà tuy nhỏ nhưng da mỏng còn thịt thì rất săn chắc và ngon ngọt. Đặc biệt, người dân Tri Tôn không chế biến sẵn để bán cho thực khách mà khi có người gọi món thì gà mới bắt đầu được làm thịt, tẩm ướp và nấu nướng.

Điều tạo sức hấp dẫn của món gà đốt Ô Thum không chỉ nằm ở phần nguyên liệu mà còn vì bí quyết chế biến độc đáo của người dân địa phương. Bên cạnh các loại gia vị thông dụng như muối, đường, tỏi, sả, ớt, thì món ăn này còn có thêm một thành phần đặc biệt chính là lá chúc. 

Trước khi đốt gà, người dân sẽ lót ở bên dưới một lớp lá sả và lá chúc rồi cho thêm dầu ăn. Sau đó, gà sẽ được đốt trong lửa đỏ từ 20 - 30 phút đến khi da vàng ruộm. Lửa dùng để đốt gà phải cháy thật to rồi từ từ nhỏ dần để thịt gà được chín đều. Gà đốt Ô Thum khi đã chín sẽ có một lớp da giòn tan, vàng ươm đẹp mắt, vị thịt mềm, ngọt đậm đà và đặc biệt mùi thơm cực kỳ đặc trưng không lẫn đi đâu được.

Ẩm thực An Giang: Cháo bò

Ẩm thực An Giang với những món ăn độc, lạ, nghe tên rất sợ nhưng ăn vào lại gây nghiện - Ảnh 6.

Ẩm thực An Giang, đặc sản cháo bò. Ảnh: Mia.vn

Cháo bò Tri Tôn An Giang là món đặc sản ngon đậm đà, khác biệt với tô cháo ở vùng đồng bằng. Đây là món cháo thơm ngon, nổi tiếng được người dân nơi đây yêu thích bởi đây là một món ăn giàu dinh dưỡng, chứa nhiều protein và chất béo. 

Để có một tô cháo bò Tri Tôn An Giang ngon đòi hỏi người chế biến phải sử dụng loại bò bản địa. Ngoài sơ chế thịt bò, việc làm sạch bộ lòng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Khác với món cháo bò thông thường, cháo bò Tri Tôn An Giang thường được nấu chung với lòng. 

Gạo để nấu cháo bò Tri Tôn An Giang phải là loại gạo lúa mùa "sóc Khmer" dẻo, thơm đặc trưng. Một phần cháo bò Tri Tôn An Giang đầy đủ sẽ bao gồm một tô cháo thập cẩm gồm gân, lòng, thịt bò kèm theo các loại gia vị, rau như hành, ngò, trái trúc… Trong đó, trái trúc là thành phần đặc biệt,  không thể thiếu của món ngon này. Trúc là đặc sản của vùng núi Tri Tôn, có mùi vị như chanh nhưng nồng và the hơn nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem