Ấm tình trong tục chia của của người Mnâm

Tuấn Anh Thứ bảy, ngày 25/04/2015 17:00 PM (GMT+7)
Trong cuộc sống của người Mnâm có nhiều phong tục, nghi lễ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ đùm bọc nhau để vượt qua khó khăn. Và chính tục chia của cho con cháu, như chia con trâu, ghè cổ hay nương rẫy đã thể hiện được nét đẹp đó.
Bình luận 0

Có lần tôi công tác về xã Hiếu (huyện Kon Plông, Kon Tum), thấy bà con cùng nhau đi ăn mừng chia của cho con cháu của gia đình già làng A Gió. Nghe bà con nói chuyện với nhau, tôi đã xin đi theo để tìm hiểu tập tục đặc sắc thế nào mà người dân còn lưu giữ cho tới ngày nay.

Khi vào tới nhà già làng A Gió, tôi đã thấy các thanh niên đang làm thịt heo giúp cho gia đình, còn việc tế lễ thần linh cũng vừa kết thúc.

img
Ngày vui trong tục chia của của người Mnâm ở xã Hiếu, Kon Plông, Kon Tum (ảnh tác giả).
Tôi hỏi già làng A Gió về tục chia của cho con cháu vì sao còn duy trì được cho đến cuộc sống ngày nay. Nghe vậy, già bảo: Từ xưa nay, tục chia của đã gắn liền với cuộc sống cộng đồng của người Mnâm ở vùng đất Kon Tum. Đối với bà con chúng tôi, đó là việc làm nối lại sự bền chặt, đoàn kết mỗi người, kết nối mỗi gia đình trong thôn làng lại với nhau, làm cho tình cảm ngày càng sâu nặng, nghĩa tình.

Cũng theo già, tục chia của được làm sau lễ chuồng trâu và có nhiều trâu thì chia cho con cháu, nếu không có trâu thì chia cho chiếc ché/ghè cổ hay nương rẫy cũng được. Với bà con chúng tôi, nhà nào có chiếc ghè cổ còn quý hơn một con trâu to đấy chứ, nhưng giờ thì hiếm lắm. Nếu gia đình nào nghèo khó thì chia cho con cháu con heo, chứ tập tục ai cũng phải thực hiện theo.

Trong lễ làm chuồng trâu, gia đình nào thông báo sẽ tổ chức chia của cho con cháu. Sau khi cấy lúa xong thì con cháu phải chuẩn bị trước lễ vật. Đó là lúc bà con trong thôn đã làm xong việc nương rẫy, để tới nhà cùng chung vui với gia đình được. Và tục chia của cho con cháu chỉ gói gọn trong một ngày, nên ít tốn kém hơn so với các tập tục khác nhưng cũng không kém phần tâm linh.
img
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người lớn, trẻ thơ (Ảnh tác giả).
Khi việc nương rẫy đã gọn gàng và chọn được ngày tốt, những người con được chia của chuẩn bị sẵn lễ vật để tới nhà bố mẹ làm lễ tạ ơn. Sáng hôm làm lễ, con cháu sẽ đem một con heo, con gà, ghè rượu, còn bà con trong thôn thì mỗi gia đình góp một ghè rượu để cùng chung vui. Và lễ tế được tổ chức trong nhà, nơi có bếp lửa với những ghè rượu đã được ủ sẵn. Lễ tạ ơn được bắt đầu khi có mặt đầy đủ bà con trong thôn, để chứng kiến gia đình đấy đã chia của cho con cháu và con cháu cũng đã làm lễ.

Vừa uống rượu ghè, già làng A Gió vừa kể: Trong lúc làm lễ, bà con cùng nhau đánh chiêng, múa xoang quanh bếp lửa và vật tế lễ. Sau một lúc già mổ gà lấy tiết và các thanh niên phụ giúp cắt tiết heo làm lễ tế Giàng, thần lửa. Vừa vẩy tiết lên những ghè rượu, già vừa nói: Hôm nay gia đình chúng tôi chia của cho 5 đứa con, mỗi đứa một con trâu và 5 sào ruộng. Mong Giàng, thần lửa chứng kiến cho gia đình đã làm lễ chia của cho con cháu. Và cầu mong được sức khỏe, sống lâu để giúp đỡ và bày cho con cháu làm ăn.

Việc tế lễ xong, bà con giúp gia đình làm thịt heo, nấu lên và cùng nhau chung vui cùng gia đình bên bếp lửa. Ngồi bên những ghè rượu là những người già trong thôn nói về chuyện chia của cho con cháu, những dự định của thôn… Còn những người thanh niên lắng nghe lời căn dặn của các già để thực hiện cho tốt để không phụ lòng quan tâm của các già. Cả thôn ai nấy đều vui mừng cho gia đình già làng A Gió, vì cuối cùng đã hoàn thành ước nguyện bao lâu nay.

Trong ngày này, không chỉ chung vui mà quan trọng là những lời dặn, lời nhắc nhở tới con cháu phải biết cố gắng làm ăn để tiết kiệm cho sau này, cho lúc ốm đau. Và, người làm ăn giỏi trong thôn đem ra những ý kiến, cách làm ăn cho bà con làm theo để không còn ai phải nghèo đói nữa.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem