Anh lính cắt cỏ bỗng dưng “đổi đời” nhờ bài thơ về đêm Trung thu

Lê Thái Dũng Chủ nhật, ngày 07/09/2014 09:00 AM (GMT+7)
Cuộc sống có những bất ngờ thú vị, nhiều khi chỉ một hành động, một sự việc nhỏ tưởng như rất đỗi bình thường nhưng đôi khi nó lại làm thay đổi vận mệnh của cả một con người. Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Bùi Xương Trạch, vị tiến sĩ thời Hậu Lê.
Bình luận 0

Học hay, cày giỏi

Bùi Xương Trạch (1451 - 1529) quê ở làng Định Công, huyện Thanh Đàm, sau đến đời cha mẹ ông thì dời sang sống ở làng Giáp Nhị, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam (nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Từ nhỏ Bùi Xương Trạch đã nổi tiếng thông minh, ham học sách, làm thơ cho dù gia cảnh nghèo khó nhưng cha mẹ vẫn cố gắng hết sức để con có thể được đi học.

Vì phải góp sức lo toan cho việc trong gia đình nên Bùi Xương Trạch phải tranh thủ thu xếp để có thời gian dành cho việc học tập. Về chuyện này, trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của danh sĩ Phan Huy Chú thời Nguyễn có viết như sau: “Ông lúc bé theo việc cày cấy, lại chăm học; mang sách vừa bừa vừa học, hay bắt đom đóm đựng vào túi cho sáng để học. Vì thế, việc làm ruộng không bỏ mà sức học ngày càng tiến, đi thi đỗ ngay. Hôm treo bảng, ông còn cày ở ruộng, người làng cho thế là vinh”.

Anh lính cắt cỏ làm thơ trong đêm Trung thu

Ngày xưa, khi đến tuổi tất cả dân đinh đều phải đăng lính, hoặc làm phu dịch. Chính vì thế theo lệ tuyển binh của triều đình, Bùi Xương Trạch cũng phải đăng lính và được xung vào đội lính cắt cỏ gánh lên Thăng Long để nuôi ngựa trong cung điện.

Một lần ông lên kinh, đúng vào đêm Rằm tháng Tám. Đêm đó vua Lê Thánh Tông cùng một số quan đại thần bình thơ xướng họa nhân đêm Trung Thu nhưng không may hôm đó trăng lại mờ vì có hiện tượng nguyệt thực. Nhân cảnh này, nhà vua lấy đó làm đề truyền cho các quan cùng làm thơ vịnh.

Khi biết về chuyện bình thơ, anh lính cắt cỏ Bùi Xương Trạch cũng làm ngay một bài thơ chữ Nôm rồi đánh bạo quỳ ở bên ngoài xin dâng thơ lên vua.

Lê Thánh Tông, vị hoàng đế hiếu học và trọng nhân tài cùng các quan đại thần đều bất ngờ trước tình huống ấy, nhưng nhà vua cảm thấy thú vị nên cũng không nề hà, liền mở ra đọc ngay. Bài thơ viết trên giấy xấu, nhưng nét chữ đẹp, bay bướm với những câu sau:

Lượt là vằng vặc rạng tơ hào/ Phải mịt mù nay vị cớ bao

Nhân bởi hắc vân ngất phủ/ Há rằng thỏ ngọc hay lao

Hằng Nga lấy đấy làm rông vát/ Thục đế từ nay kẻo ước ao

Mực rằng đêm nay chẳng thấy nguyệt/ Thu qua đông đến quế càng cao.

Bài thơ tuy ngắn mà tả trọn cảnh đêm Trung Thu Rằm tháng Tám có nguyệt thực lại gắn với một số tích truyện huyền thoại và đặc biệt ở câu kết nói lên sự lạc quan, tin tưởng chuyện không hay chỉ nhất thời, rồi những điều tốt đẹp vẫn đang ở phía trước, cố gắng vươn lên sẽ như “người bẻ quế” với ý đỗ đạt, thành công.

Vua Lê Thánh Tông đọc xong rất hài lòng, bèn cho triệu vào ban khen ngợi, hỏi họ tên quê quán và truyền cho Bùi Xương Trạch được miễn mọi lao dịch, binh lực để về quê dành nhiều thời gian hơn cho việc học hành.

Về thời điểm diễn ra câu chuyện của Bùi Xương Trạch không được ghi lại cụ thể, sau này cháu 7 đời của ông là Bùi Huy Bích có đoán rằng theo quốc sử thì năm Hồng Đức thứ 7 (tức năm Bính Thân- 1476) vào đầu canh năm ngày 16 tháng Tám âm lịch có nguyệt thực toàn phần nên đoán rằng “chắc việc làm thơ vào năm đó”.

img

 

Từ anh lính trở thành Tiến sĩ

Sau khi được về quê, Bùi Xương Trạch càng chuyên chú đèn sách, đến khoa thi Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) đời Lê Thánh Tông, ông đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ, năm đó Bùi Xương Trạch vừa tròn 28 tuổi.

Từ khi đỗ đạt, Bùi Xương Trạch làm quan trải nhiều chức vụ, ban đầu làm việc ở Hàn lâm viện, được cử đi sứ nước Minh rồi dần thăng lên Đông các hiệu thư, Đông các học sĩ, Thiêm đô ngự sử, Thượng thư bộ Binh, Chưởng lục bộ, Đô ngự sử, Tri kinh diên sự, Tế tửu Quốc Tử Giám. Tổng cộng ông làm quan dưới triều 6 đời vua: Lê Thánh Tông (1460-1497), Lê Hiến Tông (1497-1504), Lê Túc Tông (1504), Lê Uy Mục (1505 - 1509), Lê Tương Dực (1510 - 1516) và Lê Chiêu Tông (1516-1522).

Đến năm Canh Thìn (1520) đời Lê Chiêu Tông, thấy triều chính suy vong, bản thân tuổi đã cao nên Bùi Xương Trạch lấy cớ đau mắt xin về trí sĩ. Ông sống ở quê nhà đến ngày 3 tháng 11 năm Kỷ Sửu (1529) thì mất, thọ 79 tuổi. Triều đình truy tặng hàm Thái phó, tước Quảng quận công và ban tên thụy là Văn Lượng.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí có lời khen rằng: “Ông gặp thời ra làm quan, tự mang trách nhiệm kinh bang tế thế. Thanh liêm, kiệm ước, không mưu tính của riêng một tý nào; bổng lộc được bao nhiêu đều chia cho họ hàng làng mạc. Lòng tốt, tiếng to được người đương thời tôn phục”.

Một tước phong đặc biệt

Điều đáng nhớ nhất trong cuộc đời Bùi Xương Trạch là câu chuyện về tước hiệu của ông. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 10 năm Tân Hợi (1491) đời Lê Thánh Tông, “vua sai thợ làm cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong ban tên là Quảng Văn Đình. Ngôi đình ấy ở trong Long thành, trước Phượng Lâu, có ngòi Ngân Câu vòng quanh hai bên”.

Đây là ngôi đình đầu tiên và cũng nên biết rằng ngôi đình là một trong những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi ấy không chỉ để thờ phụng vị Thành hoàng bảo trợ cho dân làng mà còn là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Có lẽ ít người biết rằng khởi nguồn ngôi đình không phải dùng để thờ phụng, lễ bái mà nó là sản phẩm của chính quyền, mang tư cách như là một trụ sở trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân.

img  

Như vậy, ngôi đình ban đầu được dùng làm chỗ yết thị, ban bố các chiếu chỉ, chính lệnh của triều đình để cho dân chúng đến đó đọc, hiểu mà biết tuân theo. Khu vực vườn hoa Cửa Nam, thuộc quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội bây giờ chính là nơi hiện diện của đình Quảng Văn ngày xưa. Tên gọi của đình có hàm ý là văn hóa, văn hiến được phổ biến, trải rộng; ngôi đình này được sử dụng suốt mấy trăm năm, cho đến tận đầu thời kỳ Pháp thuộc.

Sau khi ngôi đình hoàn thành, vua Lê Thánh Tông sai Bùi Xương Trạch soạn bài văn bia cho ngôi đình này gọi là Quảng Văn đình ký ghi lại việc xây dựng và nói lên ý nghĩa của công trình này và được coi là một tác phẩm tiêu biểu của nền văn học thời thịnh trị triều Lê. Cũng nhờ bài ký này, ông được Hoàng đế đặc biệt khen thưởng và lấy luôn tên của ngôi đình làm hiệu phong cho Bùi Xương Trạch tước Quảng Văn hầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem