Bệnh dại bùng phát ở Tây Bắc: Mối nguy từ chó, mèo thả rông

Thứ tư, ngày 29/02/2012 15:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hai tháng đầu năm 2012, các tỉnh khu vực Tây Bắc đã có 6 người tử vong vì bệnh dại. Các bệnh nhân được xác định chủ yếu ở những địa phương có tập quán thả rông chó, mèo.
Bình luận 0

Vất vả phòng chống

Ca tử vong đầu tiên do bệnh dại trong năm 2012 là chị Lò Thị Chuyến (27 tuổi, trú tại bản Quyền, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La). Chị Chuyến bị chó dại cắn. Còn tại huyện Sông Mã (Sơn La), nhân viên thú y huyện đã lấy bệnh phẩm của 40 con chó bị ốm ở xã biên giới Mường Cai và xác định đàn chó này mắc bệnh dại.

img
Tiêm phòng dại cho chó tại Lai Châu.

Theo bà Trần Thị Liên – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu, 2 tháng đầu năm 2012, tỉnh này đã có hơn 100 người bị chó dại cắn phải tiêm điều trị dự phòng, chưa có ca tử vong. Tuy nhiên, đây vẫn là dấu hiệu dự báo một năm vất vả đối với việc phòng chống bệnh dại bởi số ca bệnh ở tỉnh này năm nào cũng cao (năm 2011 là hơn 1.500 ca). “Điều đáng mừng là bà con khi bị chó dại cắn đã không “ỉm” đi mà đến báo cho y tế địa phương. Nhờ đó, số ca chết vì bệnh dại đã giảm”.

Ở Lai Châu, tập tục nuôi chó thả rông rất phổ biến, trung bình mỗi nhà nuôi 3-4 con, có nhà trên chục con. Vì chó không nuôi nhốt nên càng tăng số ca bị chó dại cắn. “Mỗi ca điều trị dự phòng có mức phí 700.000 - 750.000 đồng/người, cao gấp 50 lần tiêm phòng dại cho chó (10.000 - 15.000 đồng/con). Thật khó để dập tắt bệnh dại khi quản lý phần gốc là thú y, còn y tế lại nắm phần ngọn, giải quyết hậu quả” - bà Liên nhận định.

Theo PGS-TS Đinh Kim Xuyến – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khỏe cộng đồng, tập quán nuôi chó, mèo thả rông khiến cho khả năng lây nhiễm bệnh dại từ chó, mèo sang người luôn có nguy cơ cao. Khi đã mắc bệnh dại thì 100% động vật và người đều chết.

93% nguồn lây từ chó dại

Không chỉ vật nuôi như chó, mèo mà trâu, bò, lợn, dê, cừu hay các động vật hoang dã như cáo, chồn hôi, sói, dơi… đều có khả năng mang bệnh dại và truyền bệnh cho người. TS Nguyễn Trần Hiển – Chủ nhiệm Dự án phòng chống bệnh dại (Bộ Y tế), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, ở nước ta, từ những kết quả giám sát bệnh dại ở động vật và người cho thấy, chó nuôi là nguồn bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 97%).

Theo PGS-TS Kim Xuyến: Chó bị bệnh dại thường có biểu hiện lâm sàng được chia làm 2 thời kỳ: Thời kỳ “buồn rầu” là thay đổi thói quen, phản ứng khác thường; thời kỳ “hung dữ”, chó luôn cử động, nhảy nhót cuống quýt, bắt ruồi trong tưởng tượng, sủa kéo dài hoặc hú ghê rợn, chạy bổ ra đường...

Đa số các ca bệnh dại đều do chủ quan, thiếu hiểu biết của người dân, khi bị chó cắn không theo dõi được con chó đó, cũng như không thông báo cho cán bộ y tế địa phương để được tư vấn và điều trị dự phòng. “Có lẽ do bệnh dại không phát ngay, thậm chí vết thương chỉ trầy xước sơ sơ nên người dân quên luôn. Đến lúc phát bệnh thì đã quá muộn” – TS Hiển cho biết.

Thời gian ủ bệnh dại tùy thuộc “quãng đường” phải đi từ vết thương lên thần kinh trung ương (não). 80% số ca nhiễm bệnh có thời gian ủ bệnh từ 30-90 ngày, 5-10% sau 20 ngày, thậm chí sau cả năm… Nếu bị cắn ở đầu, mặt, tay, đặc biệt đối với trẻ em, thì thời gian ủ bệnh rất ngắn. Khi virus bệnh dại đã “ăn” lên não thì vô phương cứu chữa.

Chính vì vậy, TS Hiển cảnh báo: “Hiện hầu hết các địa phương chưa quản lý được việc người dân nuôi chó, mèo; tỷ lệ tiêm phòng dại thường chỉ đạt 30-40%… vì thế, luôn có khả năng bùng phát dịch trong bất cứ thời điểm nào”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem