Bí ẩn xác ướp "nàng tiên cá" bị đồn ăn vào bất tử ở Nhật Bản

Vương Nam – The Sun Thứ hai, ngày 21/03/2022 04:55 AM (GMT+7)
Lời đồn thổi cho rằng, xác ướp “nàng tiên cá” được thờ trong ngôi đền cổ sẽ ban cho bất cứ ai ăn được nó sự bất tử.
Bình luận 0

img

Xác ướp “nàng tiên cá” trong ngôi đền ở Nhật Bản (ảnh: The Sun)

Xác ướp sinh vật bí ẩn, dài khoảng 30 cm, được mệnh danh là “nàng tiên cá” đang được thờ trong ngôi đền Enjuin ở thành phố Asakuchi, tỉnh Okayama, Nhật Bản. Theo người trông coi ngôi đền, xác ướp này xuất hiện vào khoảng từ năm 1736 – 1741.

Với khuôn mặt có vẻ như đang nhăn nhó, hàm răng nhọn, có tóc và lông mày, nửa thân trên của sinh vật này khá giống người, còn nửa thân dưới là đuôi cá.

“Ở Nhật Bản, các nàng tiên cá thường gắn liền với huyền thoại về sự bất tử. Người ta nói rằng, nếu ăn thịt của tiên cá, bạn sẽ không bao giờ chết. Có một câu chuyện được kể từ đời này sang đời khác ở nhiều nơi trên nước Nhật, rằng, một ngư dân đã ăn thịt tiên cá và sống thọ tới 800 năm”, Hiroshi Kinoshita – chuyên gia thuộc Hiệp hội Văn hóa Dân gian tỉnh Okayama – nói.

Ông Hiroshi Kinoshita cho biết, Hiệp hội Văn hóa Dân gian tỉnh Okayama đang nỗ lực để giải mã bí ẩn về xác ướp nàng tiên cá.

Theo ông Kinoshita, một bức thư có niên đại từ năm 1903 được lưu giữ cùng xác ướp “nàng tiên cá” có thể giải thích phần nào nguồn gốc của sinh vật này.

“Một tiên cá bị mắc vào lưới ở tỉnh Kochi. Ngư dân bắt được nó không biết đây là nàng tiên cá. Họ mang đến tỉnh Osaka và bán nó như một con cá kỳ lạ. Tổ tiên của tôi đã mua được nó và giữ nó như một báu vật gia đình”, nội dung thư viết.

img

Tranh vẽ tiên cá trong truyện cổ tích Nhật Bản (ảnh: The Sun)

Người quản lý đền Enjuin cho biết, xác ướp “nàng tiên cá” hiện đang được giữ trong két chống cháy của đền.

“Chúng tôi tôn thờ và hy vọng xác ướp sẽ mang đến phúc lành, như đẩy lùi dịch Covid-19”, người quản lý đền Enjuin nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Hiroshi Kinoshita, xác ướp “nàng tiên cá” có thể được con người “làm ra”.

“Tôi không nghĩ đây là một tiên cá. Nó có thể được sản xuất để xuất khẩu sang châu Âu và thời Edo. Ở châu Âu, Trung Quốc và nhiều nơi khắp thế giới, những câu chuyện về tiên cá rất thịnh hành”, ông Kinoshita nói.

“Tôi nghĩ nó được làm từ động vật và muốn kiểm tra bằng cách chụp CT hoặc xét nghiệm DNA”, ông Kinoshita nói thêm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem