Kỹ nghệ câu cá rô đồng của các cần thủ miền Tây

Thứ sáu, ngày 20/05/2022 19:01 PM (GMT+7)
Hồi nhỏ, tôi thường nghe bà nội hát ru anh, em chúng tôi: “Canh chua nấu cá rô đồng/Nửa đêm thức dậy nhớ chồng đi xa” mà không hiểu hết ý nghĩa câu ca dao này như thế nào. Chỉ biết rằng, canh chua nấu cá rô đồng thì không chê vào đâu được và muốn có cá rô nấu canh thì phải bắt ở ngoài đồng.
Bình luận 0

Cách bắt cá rô đồng được ưa thích nhất vẫn là câu. Ra cánh đồng xã Phú Hữu (huyện Long Phú. tỉnh Sóc Trăng) sau vài tiếng đồng hồ đã mang cá về làm bữa cơm chiều và câu cá rô đồng cũng là một nghệ thuật. 

Bây giờ, điều đó đã trở thành nỗi luyến tiếc về một thời quá vãng.

Thuở xưa, vào mùa lúa, khoảng tháng 5 (âm lịch), tức là ngay Tết Đoan Ngọ, cũng là lúc cá rô lên đồng sinh cá rô con. 

Miền Nam gọi là cá rô tôm tích - cá rô non, miền Bắc, Trung gọi là cá rô don (tức là cá rô nhỏ). Đến khi lúa trổ cũng là lúc cá rô con đã lớn và mập mạp nhờ vào thức ăn sâu, bọ trên những cánh đồng mênh mông nước, rồi trở thành thứ đặc sản rất riêng cho bữa ăn hàng ngày.  

Có nhiều cách đánh bắt cá rô, dùng lưới để kéo, đuổi, giăng và dùng cần câu để câu… Tuy nhiên, đối với nhiều người thì câu cá rô vẫn thích thú nhất, dù hơi vất vả.

“Câu cá rô đã trở thành cái thú bởi vì nó là một “môn nghệ thuật đồng quê”. Không phải ai cũng câu được cá với số lượng nhiều. Nghệ thuật đồng quê này chứng tỏ sự am hiểu của người câu từ mồi câu cho đến chọn vùng câu.

Trước hết, mồi câu bao gồm mồi dụ cá, tức là cám đem rang và mồi dùng để câu cá. Theo quan niệm dân gian, trong lúc rang cám “không được ngửi” và cũng “không được khen” thơm do như thế cá sẽ không ăn vì mất mùi.

Kỹ nghệ câu cá rô đồng của các cần thủ miền Tây - Ảnh 2.

Câu cá rô đồng cũng là nghệ thuật. Ảnh: KGT

Còn mồi câu phải là mồi tươi, sáng để cho cá dễ nhìn thấy. Thường câu bằng mồi trứng ong hoặc ong non của ong nghệ hoặc ong sắt, trứng kiến vàng, kiến vàng non” - Thạc sĩ Tiền Văn Triệu - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ.

Ngoài ra, người ta còn câu bằng tép bò (tép trấu kéo dưới mương) hoặc đào con trùn cơm hay trùng hổ đều rất nhạy với cá… Dân dã hơn và xa xưa hơn, chẳng cần mồi câu ở đâu xa, người ta chỉ cầm cần câu, đồ đựng cá là đi ra đồng. Chân đi đạp vào cỏ bắt cào cào (châu chấu) làm mồi câu thế là cũng dính cá như thường.

Bên cạnh yếu tố mồi câu, người câu cá rô còn phải chọn vùng câu. Người ta thường chọn vùng câu nơi có lúa nhiều và phải khuất bóng người đứng vì nếu để thấy bóng người, cá rô sẽ nhát không đớp mồi. Nhưng cũng phải nói rằng, ngày trước, đồng bằng mình cá nhiều, thấy bóng người nhưng chúng vẫn cắn mồi như thường. Bởi vì, cá rô đồng vốn là giống cá rất háo ăn.

Cần câu phải đạt những yêu cầu về cần, về lưỡi câu và dây câu… Cần câu phải dịu ở ngọn, khi giật cá sẽ không bị sứt mép nên người ta thường chọn cây trúc làm cần dài từ 2m trở lên, lưỡi câu phải có ngạnh dài và nhọn, người câu nhiều khi mua lưỡi câu từ chợ về đều phải sửa đi đôi chút. 

Kỹ nghệ câu cá rô đồng của các cần thủ miền Tây - Ảnh 4.

Câu cá rô đồng là niềm vui của không ít người...

Cuối cùng là dây câu thường dùng những loại dây câu tiệp màu với màu lá lúa. Tóm dây câu phải se dây vào lưỡi câu cho chắc chắn. Người câu phải đạt trình độ khi giật con cá lên, mồi câu chạy lên vùng trên của dây câu - dính cá mà tiết kiệm mồi… Thế mới là biệt tài.

Điều quan trọng hơn cả là đi câu cá nhiều mà không để cá chết ngộp. Muốn vậy, phải thay nước cá thường xuyên và câu cá rô thì chớ nên dùng giỏ cá bằng các loại tre đan mà phải dùng ấm hay nồi, thùng, bên trên có rế nhắc nồi (cơm) tiện cho việc để “chén mồi” câu. 

Bên trong để ít rong, rêu lấy từ ruộng cho cá mát lúc trời nắng. Như vậy, chắc chắn cá sẽ không bị chết. Đồng thời phải thay nước cá thường xuyên, không để cá nhả mồi ăn ra, vì mồi nhả ra sẽ bám vào lỗ mũi, cá sẽ không thở được và bị ngộp chết.

Ngày nay, đồng bằng mình nói chung, xã Phú Hữu (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) nói riêng, ít người đi câu cá rô đồng vì người dân làm ruộng phun thuốc sâu quá nhiều, cá không còn sống mấy. 

Mỗi lần nhớ lại những chuyến câu cá rô xưa ở cánh đồng Phú Hữu là lòng lại khắc khoải về một thời trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho con người đi mở cõi trên vùng đất mới, nhớ những người bạn câu ra đồng sau vài tiếng đồng hồ đã mang cá về làm bữa cơm chiều. Bây giờ, điều đó đã trở thành nỗi luyến tiếc về một thời quá vãng.

Hoàng Phúc Dương (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem