Chi tiêu tốn kém đã đành một nhẽ. Đáng ngại nhất là sinh hoạt gia đình bị đảo lộn. Các con dồn vào nằm chung với bố mẹ, việc học hành cũng ảnh hưởng. Hai vợ chồng nín thở với nhau vài ngày.
Khi nào họ cũng nói to, cười lớn, rồi ăn ngủ bừa bộn. Chỉ riêng chuyện dọn nhà vệ sinh đầy mẩu thuốc lá, rồi chịu mùi thuốc lào là tôi đã sợ. Chồng tôi rất hào hứng khi có khách ở quê ra. Khi tôi có ý bảo không thể đón người ở quê ra, chồng tôi giận ra mặt.
Sao anh ấy không hiểu cho sự mệt mỏi của tôi? Làm thế nào để chồng tôi biết việc gì cũng có giới hạn và người dưới quê hiểu được nỗi khổ của tôi?
Nguyễn Ánh Tuyết
(Nguyễn Trung Trực, Hà Nội)
Thói quen, tính cách và nếp sống phóng khoáng của người nông thôn đúng là gây nên những chuyện dở cười, dở mếu nơi đô thị chật chội, bất kể việc gì cũng phải giữ kẽ. Họ quen sống rộng rãi nên không cẩn thận trong chuyện ăn ngủ. Chồng chị là người xởi lởi, thích giao du bạn bè, thích "đẹp mặt" với xóm làng nên việc họ hàng ra nhờ vả, tá túc có lẽ cũng không tránh được. Tuy nhiên, chị cũng cần hiểu "cái khó" của chồng. Vì người trước đến ở được thì khó lòng kiếm cớ để từ chối người sau.
Tuy nhiên, chị vẫn nên nói để chồng hiểu về tầm quan trọng trong việc ổn định cuộc sống và chuyện học hành của hai con. Anh em ruột rà, thân thích thì việc cưu mang vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, không thể từ chối được. Nhưng với những người hàng xóm, họ xa, có lẽ anh nên có biện pháp khác giúp đỡ.
Có lẽ cách nói chuyện của chị chưa bày tỏ thiện chí, kể lể, chê bai nếp sống của khách quê nên chồng chị tự ái. Vì thế, chị nên tỏ ý thông cảm và ủng hộ với sự hiếu khách của anh, nhưng đồng thời cũng phân tích khó khăn của mình và các con cho anh ấy hiểu. Hạnh phúc gia đình chắc chắn sẽ được đặt lên trên lòng hiếu khách.
Tơ Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.