Thời gian vừa qua, rất nhiều thông tin sai lệch xuất hiện trên mạng xã hội Facebook để lừa gạt người dùng. Trong đó, có một cái tên quen thuộc là "ông chú Viettel" được cộng đồng mặt đặt cho, nhằm nói tới trò lừa nạp thẻ cào trực tuyến - nhận khuyến mãi "khủng".
Mặc dù đã có 2 đối tượng điều hành website lừa đảo như trên bị lực lượng cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) phát hiện và bắt giữ vào đầu tháng 1/2015, nhưng đến nay trò lừa đảo này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà ngược lại ngày càng tinh vi hơn.
Ngoài việc lừa người dùng tự nộp mã thẻ cào trực tuyến cho mình thông qua một website, kẻ gian còn có "chiêu" tung tin nhắn nạp tiền nhận khuyến mãi bằng cú pháp. Tuy nhiên, cú pháp nhắn tin sẽ chỉ nạp tiền vào tài khoản game của chính kẻ gian.
Đằng sau thông tin thất thiệt được chia sẻ rầm rộ trên Facebook, thường là một trang web lừa đảo.
Đặc biệt trên mạng xã hội Facebook, nhiều người dùng bị lừa tham gia các ứng dụng độc hại. Hậu quả, các ứng dụng này sẽ tự động chia sẻ thông tin lừa đảo lên tường của bạn bè, đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến trò lừa đảo này ngày càng nở rộ.
Sau bài viết cảnh báo về 2 website giả mạo trang thương mại điện tử của FPT, Dân Việt đã nhận được thêm phản ánh của nhiều đơn vị khác. Đặc điểm chung của các trang web bị giả mạo là đều hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn và nạp thẻ điện thoại trực tuyến.
Phản ánh với Dân Việt, đại diện trang TMĐT ipay.vn cho biết, "hiện tại website bên công ty bị nhiều website khác giả mạo để đi lừa đảo, khiến khách hàng gọi đến tổng đài của công ty phản ánh rất nhiều".
Minh chứng là cuối các trang web giả mạo có ghi tên công ty, địa chỉ liên hệ của đơn vị chủ quản website gốc, thậm chí sử dụng cả logo của website bị giả mạo nhằm gây sự hiểu lầm ở người dùng.
So sánh giao diện một trang web nạp thẻ cào trực tuyến thật (phía trên) và nhái (phía dưới).
Trên thực tế, việc thiết kế một trang web giống với một trang web đang có sẵn hoàn toàn không khó. Tuy nhiên, tác vụ xử lý dưới các tùy chọn có thể bị kẻ gian sửa đổi nhằm mục đích xấu. Chẳng hạn, thay vì giá trị thẻ cào được nạp vào điện thoại của người dùng thì thông tin đó sẽ được hệ thống lưu lại để kẻ gian tận dụng nạp vào tài khoản game, mua hàng trực tuyến...
Riêng trường hợp của ipay.vn, đơn vị này cho biết đã phát hiện ít nhất 4 trang web giả mạo là naptienthevn.com, naptienkm.com, cardvnn.com và cardvns.com. Tra thông tin WHOIS của các tên miền trên, PV nhận thấy 3/4 tên miền được đăng ký bởi cùng một thông tin (địa chỉ email, số điện thoại, địa chỉ).
Theo giải thích của người này với PV Dân Việt thì các trang web trên không thuộc sở hữu của anh, thay vào đó là thông tin chung khi công ty bán tên miền ra ngoài. "Những thông tin trên phần WHOIS là do công ty của mình bán tên miền ra và điền vào thôi", người này cho biết.
Ngoài các địa chỉ trên, không khó để tìm thấy hàng loạt website nạp tiền điện thoại với từ khóa "naptien". Tuy nhiên, quan sát các trang web này lại không dễ để nhận ra đâu là trang dịch vụ chất lượng, đâu là trang web lừa đảo.
Trang web napthe.mobi dễ gây nhầm lẫn với naptien.com.vn và naptien.vn.
Nếu như trang napthe.vn và napthe.com.vn có thông tin đầy đủ về đơn vị chủ quản, thông tin liên lạc thì trang napthe.mobi lại có nhiều dấu hiệu đáng ngờ - ngay từ đuôi *.mobi. Ngoài ra, napthe.mobi cũng không cung cấp số điện thoại hay cơ quan, người quản lý.
Thao tác nạp thẻ trên napthe.mobi dù nhập đúng hay sai mã số cũng đều xuất hiện cùng một thông báo lỗi. Thực tế, nhiều trang web lừa đảo chọn cách hiển thị thông báo lỗi để che mắt người dùng, còn bên trong đang xử lý, thu thập các thông tin đã nhập.
Trong khi đó, website nạp tiền trực tuyến vuathe.com cũng cho rằng trang web của mình bị hàng loạt website làm nhái. Tuy nhiên, theo danh sách cảnh báo mà vuathe.com đưa ra thì ở thời điểm hiện tại (0h30 ngày 27/3) chỉ còn trang dailythe24h.com là đang hoạt động.
Website dailythe24h.com mang "mác" nạp tiền điện thoại với các thông tin khuyến mãi không có thật (các phần bôi vàng) để thu hút người dùng.
Trước sự tinh vi của những trò lừa đảo này, người dùng internet cần phải hết sức thận trọng, cụ thể:
- Quan sát thật kỹ tên miền đang truy cập có đúng là của nhà cung cấp dịch vụ thường dùng hay không trước khi mua, nạp thẻ cào. Ưu tiên sử dụng các website có mã hóa SSL (https://) và đã đăng ký với Bộ Côn thương (biểu tượng cuối trang web).
- Nếu thường xuyên thanh toán hóa đơn bằng thẻ ngân hàng, người dùng nên sử dụng tính năng xác thực đăng nhập bằng mật khẩu 2 lớp theo thời gian thực mà các nhà quản lý thẻ ngân hàng đang áp dụng.
- Khi thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế (Visa Credit/Debit, MasterCard...), phải đảm bảo trình duyệt và máy tính không bị cài đặt phần mềm theo dõi bàn phím bằng cách sử dụng các chương trình diệt virus mạnh.
- Hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại để nhập thông tin tài khoản ở nơi công cộng.
- Tránh xa những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, cũng như kiểm tra thật kỹ thông tin của các chương trình khuyến mãi "khủng" (nếu có) trước khi tham gia.
- Nên nhắc nhở bạn bè kiểm tra lại toàn diện tài khoản Facebook khi thấy họ đăng thông tin lừa đảo lên tường của mình. Đồng thời có thể chọn giải pháp hủy kết bạn với những người xa lạ đăng các thông tin trên, vì đó có thể là những tài khoản ảo được tạo ra nhằm mục đích phát tán tin rác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.