Chạy nhanh nhờ ngon trớn

Thứ sáu, ngày 18/01/2013 09:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hễ khí huyết thông thoáng thì không bệnh hoạn, đã đau yếu thì trong cơ thể phải có nơi nào đó, thậm chí có khi nhiều nơi, bị ùn tắc.
Bình luận 0

Thầy thuốc Đông y nào cũng nằm lòng nguyên tắc “thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”. Chữa bệnh theo quan điểm khí lực của Đông y là làm sao để hết “kẹt xe” trong mạch máu, trên dây thần kinh bằng phương pháp châm cứu hoặc sử dụng dược thảo kiểu nào cũng được.

img
 

Nếu nghĩ đây là quan điểm tượng hình trong ngôn ngữ bóng bẩy của y học phương Đông thì sai. Thầy thuốc Tây y, nhờ nhiều mô hình nghiên cứu hiện đại, đều rõ là trong bệnh nào cũng thế, dù “tâm” hay “thể” cũng vậy, bao giờ cũng gắn liền mật thiết với vận tốc luân lưu trong mạng lưới mạch máu, nhất là trong các vi mạch nhỏ li ti trên vỏ não, thành tim, đáy mắt, cầu thận... Chính vì máu chảy quá chậm khiến vùng lân cận thiếu dưỡng khí mà nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xuất huyết đáy mắt... vẫn tiếp tục là cơn ác mộng của người bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư... cho dù ngành y có nhiều tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị.

Dòng máu nếu quá đậm đặc vì thừa mỡ hay thiếu nước hoặc vì lý do khác, chắc chắn là yếu tố bất lợi cho cơ thể vì tế bào khó tiếp nhận dưỡng khí đồng thời khó xử lý phế phẩm do máu chảy chậm rề rề. Từ quan điểm nếu “loãng” thì chảy nhanh hơn, thầy thuốc Tây y bao giờ cũng dùng thuốc làm loãng máu bằng cách ức chế phản ứng đông huyết khi phát hiện dấu hiệu máu đậm đặc cho dù người bệnh khó tránh phản ứng phụ khi dùng thuốc dài lâu.

Thay vào đó, thầy thuốc Đông y có phần khéo hơn khi kết hợp cây thuốc chọn lọc có tác dụng cộng hưởng nhằm: Tăng lực đẩy bằng cách trợ tim để dòng máu dễ bắt trớn khi lên đường đến nơi giao hàng; Bảo vệ mặt trong mạch máu để đừng có chỗ trầy xước khiến dòng máu mất trớn trong lúc lãng du từ nơi này qua nơi khác; Chống co thắt mạch máu ngoại vi, như trong trường hợp nạn nhân ngày đêm phải đồng hành với stress, để giảm áp lực cho công việc của trí tim.

Tác dụng làm loãng máu của các cây thuốc thông mạch nếu so sánh với aspirin, heparin, cumarin, tuy cũng ngăn chặn phản ứng kết dính tiểu cầu trong mạch máu nhưng không đơn điệu theo kiểu đổi trắng thành đen mà với cường độ hòa hoãn nên người bệnh tránh được nguy cơ xuất huyết dưới da, trên đường tiêu hóa, nhất là khi đã có tiền căn viêm loét dạ dày, khi dùng thuốc dài lâu. Mặt khác, cây thuốc hoạt huyết ít nhiều đều có tác dụng giảm mỡ trong máu nên mạch máu tránh được tình trạng xơ vữa.

Thầy thuốc y học cổ truyền vì thế nằm lòng nguyên tắc muốn thông huyết phải bổ khí. Không có cách nào khéo hơn để máu chạy nhanh đến mọi ngõ ngách của cơ thể với khối lượng và vận tốc đúng nhu cầu khỏe mạnh của gia chủ.

Nếu nghĩ tai biến mạch máu não là bệnh của người cao tuổi, còn nhồi máu cơ tim là vấn nạn từ tuổi trung niên thì lầm! Bệnh tim mạch nay đã trở thành mối đe dọa của người còn rất trẻ, nam cũng như nữ, nếu đối tượng ngày đêm đồng hành với stress. Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu gần đây, bên cạnh chuyện xơ vữa quá sớm, mạch máu rất dễ tắc nghẽn bất ngờ do phản ứng co thắt thái quá dưới tác động của stress.

Chính vì thế mà việc vận dụng công năng của dược thảo vừa trợ lực cho sức co bóp của trái tim, vừa làm loãng máu, vừa bảo vệ độ đàn hồi của mạch máu cho tất cả đối tượng dễ là miếng mối ngon của bệnh tim mạch, từ người lao tâm lao lực cho đến bệnh nhân tiểu đường, là biện pháp chủ động phòng bệnh. Trong ngôn từ của Đông y trình tự bao giờ cũng có ý nghĩa quan trọng.

Một dẫn chứng điển hình là cách điều trị theo tiêu chí “khí hành tất huyết hành”. Cho dù mạch máu không tắc nghẽn đi nữa, nếu muốn máu chảy cho thông phải có đủ lực đẩy. Biết cách áp dụng đòn bẩy thì chỉ cần lực nhẹ vẫn thừa sức nâng vật nặng. Thầy thuốc y học cổ truyền vì thế nằm lòng nguyên tắc muốn thông huyết phải bổ khí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem