Cho ích nước, lợi nhà

Thứ tư, ngày 04/06/2014 10:23 AM (GMT+7)
Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc từ năm 1991, nhưng đến nay, trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương – Việt Nam hầu như chưa được hưởng lợi nhiều.
Bình luận 0
Chỉ tính 10 năm gần đây, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc từ mức 2,7 tỷ USD năm 2005, đã tăng lên 23 tỷ USD năm 2013.

Một nửa số hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là nguyên liệu, hàng thô, sơ chế; trong khi nhập khẩu về là 85% hàng tinh chế. Các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cũng đang sử dụng 80% công nghệ, nguyên liệu của Trung Quốc để phục vụ sản xuất.

Mặt khác, là đối tác thương mại lớn và lâu đời của Việt Nam, nhưng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam là rất nhỏ bé so với quốc gia khác. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đến hết tháng 4.2013, các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư là 7,8 tỷ USD, bằng 3% tổng vốn nước ngoài được Việt Nam cấp phép. Trong khi đó Việt Nam đã có 12 dự án, với tổng vốn 13 tỷ USD và xếp thứ 27/59 quốc gia đầu tư vào Trung Quốc.

Trong buôn bán tiểu ngạch, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã nhiều phen khốn đốn: Hàng chục ngàn tấn dưa hấu, thanh long, cao su bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh) do phía Trung Quốc không chấp nhận thông quan, khiến thương lái và nông dân thua lỗ nặng nề.

Không chỉ vậy, những năm gần đây, Trung Quốc còn có những chiêu thu mua nông sản lạ, gom từ con đỉa, lá dừa khô, rễ cây tiêu đến lá khoai lang... với giá cao bất thường, khiến người dân đổ xô đi bán, nhưng một thời gian sau, thương gia Trung Quốc lại biệt tích. Những vụ giao thương bất thình lình đó đã làm cho người nông dân điêu đứng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8 -5,85% năm 2014 và nâng cao sức đề kháng của kinh tế Việt Nam, rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này cho rằng: Cần phải tăng năng suất, thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, từ đó hạn chế nhập thiết bị, máy móc... Điều này phải bắt đầu từ cải thiện môi trường đầu tư, ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cân bằng ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài.

Triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nông nghiệp, tăng năng lực chế biến nông sản tiêu dùng và xuất khẩu; đồng thời thiết lập ngay các hàng rào kỹ thuật đối với nông sản của Trung Quốc như: Kiểm dịch động, thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định về hóa chất, phụ gia và truy xuất nguồn gốc thực phẩm... là biện pháp tích cực bảo hộ hàng hóa nông sản của Việt Nam. Khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là “ích nước, lợi nhà”

Tìm tạo thị trường mới, quan hệ kinh tế với Trung Quốc dù bất kể lĩnh vực nào cũng đừng ham giá rẻ, đừng quá dễ dãi, nhiều khi sẽ khiến Việt Nam gánh hậu quả thua thiệt kép!
Vĩnh Hoàng (Vĩnh Hoàng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem