“Cởi trói” đất đai, mở lối làm ăn lớn

Minh Huệ Thứ tư, ngày 12/10/2016 15:36 PM (GMT+7)
Một trong những vấn đề quan trọng mà Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (đang diễn ra tại Hà Nội) bàn thảo là chủ trương về tích tụ, tập trung quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thực tế, vấn đề bỏ hạn điền, cởi trói cho tích tụ đất đai để hướng tới sản xuất lớn đã được các chuyên gia nông nghiệp, người dân đề xuất xem xét, chỉnh sửa từ lâu...
Bình luận 0

Kìm hãm nông dân làm giàu

Thống kê của Bộ NNPTNT, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước hiện khoảng 9,4 triệu ha, bình quân 1.560,4m2/người, chưa bằng 1/3 so với Thái Lan, Campuchia. Hiện, 70% số hộ ở nông thôn có diện tích đất nông nghiệp dưới 0,5ha/hộ.

Theo Bộ NNPTNT, chính vì diện tích đất sản xuất nhỏ hẹp, manh mún, khó áp dụng cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang tụt hậu so với các nước trong khu vực. Cụ thể, bình quân thu nhập của mỗi lao động làm nông nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt chưa tới 400 USD/năm.

img

Chỉ tích tụ ruộng đất, nông dân mới có điều kiện sản xuất quy mô lớn, đưa cơ giới hóa vào ruộng đồng...  Ảnh:  T.L

Cũng theo các nghiên cứu của Bộ NNPTNT, hộ nông dân có diện tích đất canh tác càng thấp thì chi phí sản xuất càng tăng. Với hộ có dưới 0,2ha, chi phí đầu tư cho sản xuất 1kg lúa hết 2.000 đồng, trong khi hộ có diện tích trên 3ha chi phí chỉ hết 1.500 đồng. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc tổ chức sản xuất, tổ chức ngành hàng và tổ chức chuỗi liên kết giá trị cũng bị hạn chế, không tạo được quy mô sản xuất lớn, chất lượng hàng hóa không đồng đều, mạnh ai nấy làm, kéo theo đó là khó quản lý, kiểm soát an toàn dịch bệnh, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, khó xây dựng thương hiệu cho  nông sản...

Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ trong các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi, cánh đồng lớn... cũng là những hạn chế phổ biến, tồn tại lâu đời ở khu vực ĐBSCL, dẫn đến hàng loạt hạn chế khác trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp ngại đầu tư...

Cũng vì “nút thắt” từ đất đai manh mún nên lĩnh vực nông nghiệp là nơi các doanh nghiệp (DN) rất ngại đầu tư. Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay có khoảng 3.844 DN nông nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số DN trên toàn quốc. Kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất của ngành nông nghiệp đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức giới hạn. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều nông dân bỏ ruộng, bỏ đất hoang để đi làm nghề khác.

Theo một khảo sát của Tổ chức Oxfam Việt Nam, xuất phát từ tình hình thực tiễn, ở nước ta đang có 3 xu hướng tích tụ ruộng đất (TTRĐ), đó là chuyển dịch giữa nông dân với nông dân bằng 2 hình thức: Dồn điền đổi thửa hoặc nông dân mua, thuê lại đất của nhau. Nhóm TTRĐ thông qua hợp tác xã gồm 2 loại hình: Hộ nông dân cùng góp đất để sản xuất, hoặc hộ nông dân không góp đất nhưng thống nhất về định hướng thị trường, phương thức canh tác… Nhóm TTRĐ thông qua các công ty, DN nông nghiệp, gồm 3 hình thức: Nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất; DN thuê lại đất của nông dân; mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Tại xã Lương An Trà (Tri Tôn,  An Giang), từ nhiều năm qua đã diễn ra quá trình TTRĐ tự phát khi nông dân mua đất canh tác của nhau. Đến nay, tỷ lệ hộ không có đất sản xuất ở xã này khoảng 70%, trong khi những hộ có diện tích canh tác từ 70% trở lên chiếm khoảng 5%, thậm chí có hộ tích lũy được tới 100ha đất. Nhờ đó, bà con trong vùng có thể áp dụng cơ giới hóa dễ dàng, năng suất lao động tăng lên rõ rệt.

Tích tụ ruộng đất thế nào?

Trao đổi với Dân Việt, PGS-TS Vũ Trọng Khải – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II cho rằng, đáng ra Nhà nước phải nghiên cứu việc bỏ hạn điền từ lâu rồi mới phải. Theo đó, thừa nhận quyền sử dụng ruộng đất là quyền tài sản, để hình thành thị trường đất đai đúng nghĩa.

Ông Khải nói: “Lâu nay chúng ta có quy định về hạn điền, nhưng thực tế điều này đang kìm hãm sản xuất. Luật Đất đai cũng có quy định kỳ cục là với hộ nông dân thì bị hạn điền, nhưng với DN lại không giới hạn. Do đó người ta vẫn có cách sở hữu đất lớn hơn mức quy định. Ví dụ như ông Sáu Đức ở Thoại Sơn (An Giang), cách đây mấy năm ông ấy đã tích tụ được 70ha đất, nhưng đều phải nhờ bà con, họ hàng đứng tên. Sau đó ông ấy lập công ty, dùng pháp nhân của công ty thu gom nên đến nay đã đứng tên được trên 150ha đất”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình DN thuê đất của nông dân, sau đó nông dân trở thành lao động của DN là thành công nhất trong xu hướng TTRĐ hiện nay. Điển hình như Công ty CP Mía đường Lam Sơn thuê đất của nông dân tại xã Vân Sơn (Triệu Sơn, Thanh Hóa) trong vòng 20 năm. Đến nay, đã có gần 500 nông dân cho công ty thuê đất với diện tích gần 80ha để tổ chức quy hoạch thành vùng trồng mía rộng lớn. Nhờ vậy, chi phí sản xuất mía giảm từ 8,5 triệu đồng/ha xuống còn 3,8 triệu đồng/ha, năng suất tăng gấp 2 lần so với trước đây. Nông dân vừa được công ty trả tiền thuê đất, vừa được trả công lao động. Một điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, 100% nông dân cho thuê đất có thu nhập cao hơn so với trước và so với nhóm hộ tự sản xuất.

 Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu sửa đổi chính sách về hạn điền, TTRĐ thì cần phải có khung pháp luật rõ ràng nhằm hạn chế lợi ích nhóm, đảm bảo người nông dân có việc làm, thu nhập sau khi bị lấy đất. 

Tại một hội nghị mới đây, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh: “Sứ mệnh lịch sử của kinh tế hộ đã xong. Chúng ta phải sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu đã khác, quan hệ cũng đã khác. Do đó, không thể lấy hộ gia đình mà phải lấy hợp tác xã và DN làm hạt nhân… Nhưng tư liệu sản xuất lớn nhất là đất đai lại đang manh mún, làm sao đảm bảo TTRĐ mà vẫn đảm bảo quyền lợi người nông dân”.

Trao đổi NTNN về vấn đề Trưởng ban Kinh tế T.Ư đặt ra, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, quá trình TTRĐ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, trong đó DN, chủ trang trại, HTX là những tác nhân chính tham gia quá trình TTRĐ. Tuy nhiên cần xác định rõ quyền sở hữu đất đai của nông dân để có cách TTRĐ theo cơ chế thị trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.

“Ruộng đất là phương tiện sống của người nông dân, do đó TTRĐ phải đi kèm với việc nông dân được đảm bảo quyền lao động, làm việc. Nếu không đảm bảo được 2 yếu tố đó sau TTRĐ thì sẽ không thành công” – ông Doanh lưu ý.

Ông Võ Quan Huy (ngụ xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An) - người đang sở hữu khoảng 1.000ha đất: Chính sách khiến nông dân phải gian dối

Do chính sách hạn điền, rất nhiều nông dân như tôi đang phạm luật. Với số đất hiện có, nếu muốn đứng tên tôi, một "sổ đỏ" thì tôi phải mở công ty, sau đó Nhà nước cho thuê đất. Như vậy, coi như Nhà nước quốc hữu hóa đất tư, rồi cho người dân "thuê lại" đất của chính mình. Nhưng tôi không làm như thế, vì vậy tôi phải giữ rất nhiều giấy đỏ, do nhiều người đứng tên giùm. Bản thân tôi cũng đứng tên nhiều giấy đỏ cho các diện tích đất manh mún vì không được vượt hạn điền. Điều này phát sinh hệ lụy là người dân phải gian dối. Có trường hợp người đứng tên giùm tranh chấp với người chủ thật, rắc rối vô cùng".

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP.Cần Thơ): Thuận lợi cho nhà nông và doanh nghiệp

Tích tụ ruộng đất là rất thuận lợi cho nhà nông và doanh nghiệp chúng tôi, đây là chủ trương đúng và cần thực hiện sớm. Chủ trương này sẽ giúp cho đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa giạo được triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn. Bởi thời gian qua, sản xuất của chúng ta nhiều nơi còn quá nhỏ lẻ, không thể nào làm ra hàng hoá lớn, quy mô lớn. Phải nói thêm là tích tụ ruộng đất sẽ giúp giảm chi phí và giúp tăng cơ hội để cơ giới hoá trong sản xuất.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời:  Lo cho đời sống người dân bị lấy đất

Muốn thực hiện tích tụ ruộng đất phải lo đời sống cho những người dân bị lấy đất. Vấn đề này rất quan trọng, đòi hỏi ngành chức năng có liên quan và nhà khoa học nghiên cứu thực hiện kỹ. Bởi thời gian qua, trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta có nhiều chính sách nhưng thực tế khi triển khai, người dân tiếp cận thì rất khó.

PGS - TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ): Cần có lộ trình

Tích tụ ruộng đất cần phải có lộ trình và có thể sẽ diễn ra trong thời gian dài. Việc này giúp làm tốt khâu cơ giới hoá, phát triển thương hiệu lúa gạo. Khi tích tụ ruộng đất cũng cần phải xem xét, lo việc làm cho những hộ bị thu ruộng đất bởi họ sẽ không còn nơi sản xuất. Nếu không chuẩn bị kỹ, những hộ này sẽ trở thành mối lo của xã hội. Theo tôi, tốt nhất là làm theo dạng hợp tác, liên kết trong cánh đồng mẫu lớn như thời gian qua.

Huỳnh Xây - Hữu Danh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem