Đạo diễn Mai Hiền nói gì khi phim “Hồ sơ cá sấu” bị chê luẩn quẩn, khó hiểu?
Đạo diễn Mai Hiền nói gì khi phim “Hồ sơ cá sấu” bị chê luẩn quẩn, khó hiểu?
Thanh Hà (thực hiện)
Thứ bảy, ngày 02/01/2021 07:30 AM (GMT+7)
Sau 12 tập phim lên sóng, "Hồ sơ cá sấu" nhận về không ít ý kiến trái chiều từ khán giả. Trước những lời nhận xét cho rằng: "Bộ phim này luẩn quẩn, khó hiểu...", đạo diễn Mai Hiền đã có buổi trò chuyện cởi mở cùng Dân Việt.
Biết lắng nghe phản hồi của khán giả để tiết chế tình tiết phim
Thưa đạo diễn Mai Hiền, bộ phim "Hồ sơ cá sấu" bắt đầu phát sóng từ ngày 31/11trên kênh VTV3. Tuy nhiên, sau 12 tập lên sóng thì phim vấp phải những ý kiến trái chiều từ khán giả. Có người cho rằng: "Diễn biến phim bị dài dòng, luẩn quẩn dẫn đến khó hiểu". Anh nghĩ sao về những ý kiến này?
- Tôi nghĩ với tốc độ làm truyền hình như hiện tại, vừa quay vừa phát sóng khiến khối lượng công việc rất nhiều. Một đạo diễn khi cầm trên tay kịch bản và ra được một tập phim là "cả một quãng đường" rất dài nên đây không phải là một công việc dễ dàng.
Một bộ phim khi lên sóng nhận được nhiều ý kiến phản hồi của khán giả là điều hết sức bình thường. Thậm chí, chúng tôi còn chờ đợi ở sự phản hồi đó.
Hơn nữa với thể loại phim chính luận, đề tài hình sự thì việc có nhiều ý kiến trái chiều lại càng không thể tránh khỏi, bởi đây là đề tài có nhiều sự lắt léo, phức tạp.
Một lý do nữa khiến "Hồ sơ cá sấu" nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đó là hiện nay khán giả có thói quen xem phim truyền hình trên smartphone. Khi xem trên thiết bị này, sự tập trung khác với xem ti vi truyền thống, thậm chí khác với xem phim ở rạp. Nếu như xem phim ở rạp thì khán giả ngồi xem sẽ phải tập trung hoàn toàn vào bộ phim. Mặt khác, khi xem trên điện thoại thông minh thì khán giả sẽ có sự sao nhãng nhất định.
Trong khi với một bộ phim hình sự, phần hình và phần tiếng gần như song hành với nhau. Khán giả khi xem phải vừa xem hình và nghe tiếng cùng lúc mới có thể hiểu hết tình huống đó của nhân vật, hay tình tiết của sự việc là như thế nào. Còn nếu khán giả chỉ xem hình mà sao nhãng phần tiếng hoặc ngược lại thì ngay lập tức khán giả sẽ không hiểu tại sao tình tiết đó lại như vậy; tại sao nhân vật đó lại nói thế…dẫn tới khán giả sẽ không hiểu tập phim đó.
Ngoài ra, ở bộ phim "Hồ sơ cá sấu" tôi áp dụng cách kể chuyện mới, có thể khán giả chưa thực sự quen, chưa kịp nắm bắt cách kể chuyện đó, nên giữa cách tôi làm và cách cập nhật của khán giả có độ chênh nhất định. Tuy nhiên, tôi cũng ghi nhận những ý kiến trái chiều của khán giả, những nhận xét đó phần nào đã đúng.
Một thực tế tôi nhận thấy ở sự phản hồi của khán giả, đó là có hai luồng ý kiến. Với những khán giả trẻ xem, họ bày tỏ quan điểm rất thích, thậm chí các bạn trẻ còn nhận xét một câu khá hài hước đó là: "Xem phim này hại não quá!". Tức là mỗi tập của "Hồ sơ cá sấu" bắt khán giả xem phải tư duy, phải phán đoán và gây bất ngờ ở mỗi tập khiến người xem không thể đoán trước được tập tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào.
Với những đối tượng khán giả lớn tuổi, họ bày tỏ quan điểm không thích, bởi họ thích phim nhẹ nhàng theo kiểu phim gia đình, không có những tình tiết lắt léo, chằng buộc khiến họ cảm thấy khó hiểu.
Một "đặc sản" của "Hồ sơ cá sấu" là các phân cảnh hiện tại - quá khứ luôn đan xen. Qua từng tập, mỗi nhân vật đều có cảnh hồi tưởng. Số lượng nhiều đến mức khiến người xem hoang mang, thậm chí nhầm lẫn. Anh nghĩ sao về điều này? Và liệu việc đan xen giữa quá khứ và hiện tại nhiều như vậy có thật sự cần thiết?
- Quay trở lại với chia sẻ lúc trước, ở bộ phim này tôi đã dùng cách kể chuyện mới đó là Flashback. Flashback hay còn gọi là sự hồi tưởng thường được dùng để kể lại các diễn biến đã có trong quá khứ trước khi chuỗi sự kiện chính diễn ra, mục đích để chi tiết thêm cho cốt truyện quan trọng của bộ phim. Đôi khi những lát cắt Flashback đó ở trên kịch bản là thời gian thật nhưng khi tôi áp dụng cách kể chuyện mới này thì nó lại được đan xen giữa thật và hồi tưởng nhằm tạo sự hấp dẫn, tò mò, bất ngờ cho người xem.
Tôi ví dụ, trong một tập phim, tôi đưa ra một phân đoạn nhưng tôi không kể hết cả phân đoạn mà tôi chỉ kể phần đầu sau đó đưa những chi tiết khác vào giữa phân đoạn đó. Tiếp đến, tôi mới đưa nốt phân đoạn cuối vào. Vì vậy mà một tập "Hồ sơ cá sấu" người xem sẽ không thể thấy dễ hiểu, dễ thỏa mãn nội dung từ đầu tới cuối của một tập như xem phim tâm lý gia đình.
Tuy nhiên, 12 tập đầu đã phát sóng tôi cố tình tạo sự hồi hộp, mông lung, hơi một chút khó hiểu cho khán giả thì đến khi Nguyệt (Kiều Anh) xuất hiện, mọi tình tiết, câu chuyện bắt đầu được hé lộ, không còn sự khó hiểu, luẩn quẩn như những tập trước đó.
Một điểm nữa khiến "Hồ sơ cá sấu" bị "ném đá" đó là mỗi nhân vật, từ chính tới phụ đều cố tình bỏ lửng một chi tiết hay một hình ảnh nào đó. Có thể đó là cách đạo diễn, biên kịch muốn kích thích sự tò mò, hút khán giả ở mỗi tập phim. Tuy nhiên, cũng vì bị bỏ lửng như vậy khiến các tập phim trở nên vụn vặt? Anh có nghĩ như vậy?
- Thực ra, câu chuyện có thể gọn ghẽ hơn. Tuy nhiên, theo chủ quan của tôi thì tôi lại dùng sự vụn vặt đó để khiến câu chuyện được chậm lại. Tôi có thể đẩy nhanh tiến độ của phim, nhưng tôi đã không làm. Bởi, trong mỗi tập tôi đưa những chi tiết này hay chi tiết khác, các tuyến nhân vật này hay nhân vật khác đan xen với nhau cũng là ý đồ. Tôi muốn để phim được chậm lại vài nhịp để khán giả có thể xem, thẩm thấu sâu hơn về các thông tin.
Áp lực phải làm phim hấp dẫn khán giả
Ngay trước thời điểm phim lên sóng, nhà sản xuất "Hồ sơ cá sấu" đã hé lộ nhiều trích đoạn với những tình tiết cực kỳ ly kỳ, hấp dẫn. Đó là tập thông tin bí ẩn mang tên Hồ sơ cá sấu, lưu giữ những điều gọi là "thâm cung bí sử", nguồn cơn của những cuộc đấu đá, thanh trừng, tranh giành giữa các thế lực. Vậy, những "thâm cung bí sử" này có bao nhiêu phần trăm ngoài đời thật được đưa vào? Cụ thể số phận, câu chuyện ngoài đời thực nào được đưa vào phim? Và liệu bộ phim vì có những tình tiết nhạy cảm dẫn tới bị cắt gọt khi kiểm duyệt? Có hay không phim bị cắt gọt khi kiểm duyệt?
- Với chúng tôi khi làm phim, nếu có bị cắt, gọt bớt đi thì chỉ khi phim đó chán, không hay. Bây giờ các thông tin được cập nhật thường xuyên trên các báo, mạng xã hội. Sự việc, các câu chuyện, số phận ngoài đời được đăng tải cập nhật hằng ngày, không còn là cái gì đó bí mật. Những vấn đề được cho là nhạy cảm cũng không phải là vấn đề lớn.
Mọi suy nghĩ đã thoáng hơn, không còn suy nghĩ, tư duy gò bó như trước. Và tất nhiên dù là phim truyện, là sự hư cấu nhưng chúng tôi cũng lấy chất liệu từ các câu chuyện thật ngoài xã hội. Chỉ có điều chúng tôi không chỉ đích danh tên, họ, sự việc cụ thể nào, mà dựa vào câu chuyện đó khán giả có thể đoán ra mà thôi. Còn phim này tôi khẳng định không có chuyện bị kiểm duyệt vì sự nhạy cảm nào đó.
Thú thực, điều khiến tôi áp lực nhất khi làm phim là sợ phim không hay, bị khán giả kêu chán và tẩy chay.
Với tôi yếu tố hấp dẫn được đặt lên hàng đầu. Vì thế mỗi tập phim tôi đều suy nghĩ làm thế nào để phim được hấp dẫn.
Hằng ngày tôi cùng bộ phận truyền thông đọc kỹ toàn bộ ý kiến của khán giả, không bỏ sót ý kiến nào. Và sau khi xem xét các ý kiến nhận xét của khán giả, nắm bắt được tâm lý của họ, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh nhất định.
Ví dụ những cảnh đan xen hồi tưởng đã được tôi tiết chế và đưa ra cho khán giả thời gian thật, liên tục để khán giả có thể cảm thấy dễ hiểu hơn.
Diễn viên Kiều Anh bị khán giả chê già hơn Mạnh Trường, điều này khiến cặp đôi vào vai vợ chồng bị nhận xét là không cân xứng. Vậy vì sao anh lại chọn Kiều Anh cho vai diễn Nguyệt?
- Hai tập đầu của "Hồ sơ cá sấu" phát sóng thì rất nhiều khán giả phản hồi và nhận xét như vậy. Thậm chí, có người nói bọng mắt Kiều Anh lộ rõ sự già nua, nhiều tuổi hơn Mạnh Trường. Điều này gây áp lực rất lớn cho Kiều Anh và cô ấy bày tỏ lo lắng với tôi. Tôi nói: "Em không nên nghĩ đến những nhận xét đó và tạo thành áp lực cho mình". Bởi, tạo hình của nhân vật Nguyệt những tập đầu bắt buộc già như vậy và càng về sau thì cuộc sống sẽ khác, hình thức của Nguyệt lúc đó cũng sẽ khác.
Khi tôi casting cho vai Nguyệt thì ngoài Kiều Anh tôi cũng có những lựa chọn khác như: Thu Quỳnh, Lan Phương… hoặc tôi có thể có những chọn lựa diễn viên có ngoại hình xinh, trẻ hơn Kiều Anh để làm thỏa mãn nhu cầu phần nhìn của khán giả.
Tuy nhiên, nhân vật Nguyệt là nhân vật ở độ tuổi 40. Một người phụ nữ trung tuổi có đời sống hôn nhân không suôn sẻ bởi sự ghen tuông của chồng. Công việc thì thường xuyên gặp áp lực. Vì vậy mà trong tính toán của tôi, những tập đầu, Nguyệt được tạo hình vừa có bề ngoài xinh đẹp, vừa có chút đa đoan nhưng cũng già nua, mệt mỏi bởi với áp lực công việc, gia đình. Cho nên, tôi nghĩ Kiều Anh hoàn toàn phù hợp cho vai diễn này.
Ngoài ra, một lý do nữa khiến tôi chọn Kiều Anh đó là lâu rồi cô ấy không đóng phim. Bởi vậy, có thể nói cô ấy là gương mặt mới so với những nữ diễn viên khác như: Thu Quỳnh, Hồng Diễm, Huyền Lizzie, Quỳnh Kool…
Tôi không muốn khán giả cảm thấy nhàm, chán, bị lặp lại một gương mặt khi họ mở ở kênh phim nào cũng thấy diễn viên đó, chỉ khác về tên phim và tên nhân vật.
Hơn nữa, tôi cũng đã từng làm việc trước đó với Kiều Anh trong vài phim nên tôi hiểu khả năng diễn suất của Kiều Anh. Khi tôi đọc kịch bản và tạo tính cách nhân vật Nguyệt tôi đã nghĩ đến Kiều Anh.
Kiều Anh là diễn viên rất có cố gắng cho dù lâu rồi cô ấy mới trở lại với nghề nên dù thế nào tôi cũng ghi nhận sự nỗ lực của cô ấy. Nếu có bị khán giả chê thì có lẽ đó là lỗi của đạo diễn chứ không phải lỗi của Kiều Anh. (Cười)
Dù được đạo diễn ghi nhận nhưng khán giả vẫn cho rằng, 12 tập "Hồ sơ cá sấu" đã được phát sóng, vai diễn của Kiều Anh vẫn chưa thực sự bật lên được, chưa gây ấn tượng và xuất sắc?
- Diễn viên Kiều Anh là dân tay ngang chuyển sang, bản thân cô ấy chỉ làm được những thứ mà cô ấy đang có, còn về kỹ thuật diễn Kiều Anh không có. Thêm nữa, Kiều Anh cũng đã nghỉ diễn 3 năm nên việc quay trở lại diễn sẽ gặp khó khăn thời điểm đầu.
Bên cạnh đó, giọng nói của Kiều Anh cũng được nhận xét là chưa được hấp dẫn nên đây cũng là điểm trừ cho cô ấy. Tuy nhiên, tôi cũng tiết lộ một chút đó là 12 tập đầu, còn ở những tập về sau, Kiều Anh đã có sự tiến bộ. Thậm chí, cô ấy còn gây ngạc nhiên cho đoàn làm phim khi thấy cách diễn xuất của cô ấy.
Cảnh hôn nhau của Nguyệt Anh và Mạnh Trường không phải quay nhiều
Ở vai diễn Nguyệt và Hải là sự kết hợp lần đầu tiên của Kiều Anh và Mạnh Trường. Vậy anh có gặp khó, phải yêu cầu cặp đôi này diễn đi diễn lại trong những cảnh nhạy cảm không?
- Ồ không! dù đây là lần đầu tiên Kiều Anh và Mạnh Trường đóng cặp với nhau. Nhưng cả hai diễn rất ăn ý và hiểu nhau. Trước những phân đoạn nhạy cảm tôi chỉ nói qua ý đồ là cả hai đã diễn rất tốt. Có thể, trước đó cả hai đã thường xuyên trao đổi với nhau trong mỗi phân đoạn nên chúng tôi không phải quay đi, quay lại nhiều lần.
Phim "Hồ sơ cá sấu" được cho là đánh dấu sự trở lại của anh trong thể loại phim hình sự. Có ý kiến cho rằng, anh đang dần đóng đinh và bị gọi là đạo diễn dòng phim chính luận, hình sự. Vậy anh có thể chia sẻ điều khó nhất với lần trở lại này, nhất là khi phim đang vấp phải những ý kiến trái chiều từ khán giả?
- Gọi tôi là đạo diễn chuyên làm về phim chính luận, hình sự chưa thực sự đúng. Bởi, trước tôi có nhiều đạo diễn làm phim thể loại này cũng rất tốt. Và bây giờ, họ thích chuyển sang thể loại phim tâm lý, gia đình. Tôi cũng không hiểu vì sao, lãnh đạo lại thường giao cho tôi làm phim ở thể loại này.
Nói đến khó khăn, thực sự khá nhiều khó khăn như trước đó tôi đã chia sẻ. Khó khăn lớn nhất đối với tôi là làm phim thế nào để hấp dẫn được khán giả, còn những khó khăn khác tôi có thể sẽ vẫn xử lý được. Câu chuyện với khán giả lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, đôi khi đó sẽ là yếu tố may mắn, tính thời điểm và còn phụ thuộc vào dàn diễn viên của bộ phim đó. Nếu như họ diễn thăng hoa thì bộ phim đó cũng sẽ hay hơn, khán giả sẽ thấy vai diễn hấp dẫn hơn.
Khó khăn tiếp theo đó là năm 2020 chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây thiệt hại về kinh tế, mọi hoạt động dường như bị đóng băng. Đặc biệt, với chúng tôi có thời điểm không được ra đường, không tập trung đông người, thậm chí, có những bối cảnh đã được chọn nhưng cuối cùng lại không được phép vào để quay.
Về chuyện hậu trường, anh có thể chia sẻ thêm về bí mật đằng sau khi quay bộ phim này?
- Kỷ niệm rất nhiều nhưng điều tôi ghi nhận và trân trọng với tất cả diễn viên, ê-kíp đoàn làm phim đó là sự cống hiến của họ trong công việc.
Bộ phim "Hồ sơ cá sấu" được lấy bối cảnh là mùa hè trong khi thời điểm ghi hình bắt đầu từ tháng 8/2020 cho đến thời điểm này là tháng 12/2020. Bộ phim sẽ vẫn còn tiếp tục quay khoảng 5 đến 6 tập nữa mới kết thúc.
Từ tháng 11/2020 đến nay, thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa đông, đặc biệt những ngày qua là những ngày rét đậm, nhiệt độ xuống tới 8 độ C vào ban đêm và 11 độ C vào ban ngày.
Mỗi ngày chúng tôi quay từ 6h30 sáng đến 23h đêm liên tục. Các diễn viên phải mặc sơ mi, váy, để quay. Trời rét như vậy mà các diễn viên phải mặc trang phục mùa hè nên hầu như các diễn viên ốm liên tục, sốt 39, 40 độ. Ê-kíp đoàn làm phim như âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật cũng thi nhau ốm nhưng không một ai nghỉ mà chỉ uống thuốc hạ sốt và vẫn tiếp tục công việc. Ngày 31/12 vừa qua, Kiều Anh trước khi quay đã phải uống một vốc thuốc rồi lại diện váy, áo để quay giữa thời tiết 11 độ C.
Còn NSND Hoàng Dũng thì đau lưng khiến anh đi, đứng đều rất khó khăn. Tuy nhiên, NSND Hoàng Dũng không bỏ sót một cảnh quay nào của mình. Dù là vai phụ nhưng cứ hôm nào có cảnh của mình là anh ấy có mặt. Điều đó khiến tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa trong công việc.
Vậy có khi nào phim phải quay xuyên đêm?
- Mọi người hay nói đùa, phi đêm bất thành phim hình sự. Nghĩa là nếu không có cảnh đêm không thể gọi là phim hình sự.
Phim hình sự là phải có nhiều cảnh đêm, phải đi xa, quay cảnh đông, hành động phức tạp, đó là đặc thù của phim hình sự. Có thể nói đây là nghiệp, tôi đã trót theo nên không có cách nào khác, không thể tránh được. Chỉ có gia đình hơi thiệt thòi, con ít nhìn thấy bố khi sáng sớm tôi ra khỏi nhà con chưa dậy và đêm khuya mới về thì con đã ngủ. Trung bình mất nửa năm tôi làm một phim như vậy bắt buộc phải quen với điều đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.