ĐBQH Lê Thanh Vân: Để người tài có chỗ đứng...

Nguyễn Quỳnh Chủ nhật, ngày 03/09/2023 06:55 AM (GMT+7)
Theo ông, bản thân những người làm công tác lựa chọn nhân sự phải là người tài thì mới quy tụ được người tài.
Bình luận 0

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân – người nhiều lần đề nghị xây dựng Luật trọng dụng nhân tài khi phát biểu ở nghị trường, cho rằng phải có quy định pháp luật về trọng dụng nhân tài rạch ròi, trở thành sinh hoạt chính trị, trong đó có khuyến khích, khen thưởng những ai tiến cử nhân tài cho đất nước và trừng trị những ai lợi dụng cơ chế chính sách tiến cử ngụy nhân tài để đưa vào vì lợi ích nhóm.

Theo ông, bản thân những người làm công tác lựa chọn nhân sự phải là người tài thì mới quy tụ được người tài. "Chỉ có nhân tài mới nhìn ra nhân tài được. Trước những vị lãnh đạo thấp kém hơn họ, hèn hơn, thích nịnh bợ thì họ không bao giờ làm vì có lòng tự trọng" - ông nói.

gop/Để người tài có chỗ đứng - Ảnh 1.

Kỹ sư Viện Sinh học nông nghiệp (Hà Nội) nghiên cứu giống cây trồng mới. Ảnh: Quang Minh

Cùng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, trách nhiệm của người đứng đầu trong thu hút, sử dụng nhân tài rất là quan trọng: "Người đứng đầu phải coi trọng người tài, tạo điều kiện cho họ làm việc, biết cách sử dụng họ cho phù hợp chứ đừng đố kỵ. Nhiều khi thấy họ trẻ, làm tốt hơn mình thì lại đố kỵ kìm hãm họ". Ông Dĩnh cho rằng thu hút nhân tài chỉ là "mới đầu", còn quan trọng là tạo dựng môi trường làm việc. Ngoài cơ chế chính sách về tài chính thì môi trường làm việc cởi mở, tạo điều kiện cho các nhân tài được tự do sáng tạo là rất quan trọng. Bởi, nếu thu hút họ về làm việc mà còn những ràng buộc, áp lực, phân công công việc không đúng chuyên môn thì còn tình trạng người tài "dứt áo ra đi".

Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp lợi dụng chính sách thu hút nhân tài để phục vụ lợi ích nhóm, đưa con em của những cán bộ không đạt tiêu chuẩn vào bộ máy nhà nước, có như vậy thì người tài mới có chỗ đứng.

Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng, phải có hệ thống giá trị để thu hút người tài, đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của họ. "Ví dụ lương bổng là một tác nhân cực kỳ quan trọng, tất nhiên không được quyền nói lương thế thì tôi phải làm thế này nhưng bản chất là thế" - ông Quốc nêu quan điểm.

Ông đánh giá cao Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ mà Bộ Chính trị mới ban hành hồi tháng 7/2023. Bởi, theo ông, quy định này sẽ giúp công bằng hơn trong tuyển chọn người tài, loại bớt những người không tài mà lại có thế, cả "dòng họ làm quan" gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

"Cái nguy hiểm trong xã hội này là người tài không được thu hút vào nhà nước, bao nhiêu trí lực dồn chỗ khác, điều đó cũng tốt thôi nếu nhìn mặt bằng chung xã hội, nhưng nhà nước không còn là tinh hoa nữa, thậm chí đất nước biến thành một nơi cho người ta lợi dụng, mượn chỗ để làm việc riêng, mang lại lợi ích riêng cho mình, điều này cực kỳ nguy hiểm" - ông Quốc nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem