Độc đáo ngôi làng có 10 tiến sĩ vang danh đất Thăng Long xưa

Duy Huy Thứ ba, ngày 03/01/2023 13:06 PM (GMT+7)
Không chỉ là ngôi làng cổ nổi danh là nơi phát tích của nhiều danh nhân như Cao Bá Quát, Nguyên phi Ỷ Lan..., làng Phú Thụy (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) còn là làng khoa bảng nổi tiếng Thăng Long xưa.
Bình luận 0

Video nhà bia làng Phú Thụy, nơi vinh danh những bậc tiên hiền của làng. Thực hiện: Duy Huy.

Ngôi làng từng có 10 tiến sĩ

Theo sách đăng khoa lục, dưới thời phong kiến, làng Phú Thụy có 10 người đỗ đại khoa, tất cả đều là "đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân" và là một trong 21 làng có từ 10 tiến sĩ trở lên của cả nước.

Có một điều đặc biệt, làng Phú Thụy mặc dù có đến 10 tiến sĩ nhưng là ngôi làng nổi danh về mặt khoa bảng tương đối muộn. Mãi đến khoa thi Quý Mùi, niên hiệu Chính Hòa (1703) mới có người đỗ đại khoa đầu tiên là Nguyễn Huy Nhuận (hay Quang Nhuận). Bên cạnh đó, cả 10 tiến sĩ đỗ đạt trong khoảng thời gian hơn 7 thập kỷ dưới triều Lê - Trịnh, từ năm 1703 đến năm 1779.

Độc đáo ngôi làng có 10 tiến sĩ vang danh đất Thăng Long xưa - Ảnh 2.

Đình - đền làng Phú Thụy.

Ông Cao Bá Ấm, hậu duệ nhà thơ nổi tiếng Cao Bá Quát, một bậc cao niên trong làng cho biết, trong các tiến sĩ của làng Phú Thụy, nhiều người đã đảm nhận các trọng trách trong bộ máy chính quyền Nhà nước phong kiến các cấp, kể cả những chức vụ cao nhất trong triều đình. 

Nếu họ Nguyễn Huy có "nhất môn tam tiến sĩ" (một nhà có ba bố con ông cháu đỗ tiến sĩ) thì cả làng lại có "Đồng triều tứ thượng thư" (bốn người cùng làm Thượng thư trong triều là các Tiến sĩ: Nguyễn Huy Nhuận, Cao Dương Trạch, Trịnh Bá Tướng và Đoàn Bá Dung).

Điều đặc biệt, ít thấy trong lịch sử khoa cử và quan trường Việt Nam là cả bốn người đều ở một ngõ. Câu thơ trong Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự: "Chung linh đất Sủi ai bì/Thượng thư một ngõ bốn vì hiển vinh".

Sử cũ ghi nhận, Nguyễn Huy Nhuận, Cao Dương Trạc, Đoàn Quang Dung, Trịnh Bá Tướng đều là người Phú Thị, đều đỗ tiến sĩ, cùng tham gia vào những chính sách lớn của triều đình Lê - Trịnh trong hơn 10 năm từ thập kỉ 30 đến thập kỉ 40 thế kỉ XVIII.

Lưu truyền dân gian kể lại rằng, thời kì làng Phú Thụy có 4 thượng thư trong triều, lại thêm Phạm Khiêm Ích (người làng Then tức Kim Sơn cùng tổng Kim Sơn với làng Phú Thụy) là Thượng thư bộ Lễ, chiếm gần hết quan đầu triều nên mỗi khi họp triều đình, chúa Trịnh thường nói vui là "họp bàn chuyện hàng tổng Kim Sơn"!

Độc đáo ngôi làng có 10 tiến sĩ vang danh đất Thăng Long xưa - Ảnh 3.

Nhà thờ "thánh thi" Cao Bá Quát.

Ngoài 10 tiến sĩ, làng Phú Thụy còn có một số người đỗ hương cống (thời Lê), cử nhân (thời Nguyễn). Riêng họ Nguyễn Huy thời Lê có 10 người đỗ hương cống, họ Cao có 5 người đỗ cử nhân thời Nguyễn.

Nhiều người đỗ trung khoa của làng Phú Thụy nổi tiếng về mặt văn học. Tiêu biểu là hương cống Nguyễn Huy Lượng được người cả nước biết đến với kiệt tác Phú Tây Hồ. Cao Bá Quát lừng danh bởi thơ ca được người đời ca tụng là "thánh thi".

Hiện nay, trong cụm di tích Phú Thụy còn có một nhà bia xây năm 2001, hiện quy tụ được 14 tấm bia (ngoài hai tấm dựng trước cổng và một tấm ở sau chùa), ghi việc công đức và ghi danh các bậc tiên hiền của làng. Ngoài các giá trị nghệ thuật, đây còn là một kho di văn Hán Nôm rất quý.

"Làng nghề" dạy học

Ở làng Phú Thụy, các dòng họ còn có truyền thống dạy nhau học hành thành đạt mà trường hợp họ Nguyễn Huy là tiêu biểu nhất.

Vị Tiến sĩ đầu tiên của dòng họ Nguyễn Huy (cũng như của làng Phú Thị) là Nguyễn Huy Nhuận (1677 – 1758) được coi là người phá vỡ tiền lệ của dòng họ của làng Phú Thụy"chưa có người đỗ đạt" từ năm 1703 trở về trước.

Năm 1703, Nguyễn Huy Nhuận khi ấy mới 26 tuổi đã đỗ đại khoa và được triều đình phong làm quan Giám sát ngự sử các đạo Sơn Tây, Thanh Hóa. Dù ở vị trí, chức vụ nào, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận vẫn tranh thủ lúc rảnh rỗi, dạy hàng trăm học trò thi đỗ, làm quan như Nguyễn Huy Mãn, Nguyễn Huy Thuật (em con chú của Nguyễn Huy Nhuận), các trò khác như Lê Hoàn Viện ở Bát Tràng, Đỗ Huy Kỳ ở Thử Cốc… đều đỗ đại khoa.

Độc đáo ngôi làng có 10 tiến sĩ vang danh đất Thăng Long xưa - Ảnh 4.

Những tấm bia cổ lưu danh những bậc hiền triết làng Phú Thụy vẫn được bảo tồn đến nay.

Vị Tiến sĩ thứ hai của dòng họ Nguyễn Huy là Nguyễn Huy Mãn (1688 – 1739), rất thông minh, nhìn chữ là nhớ không cần đọc ra tiếng, cụ học đường huynh là Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận, năm 34 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) cùng người làng là Trịnh Bá Tướng.

Triều đình cử Nguyễn Huy Mãn nhận chức Ngự sử đài. Ngoài việc quan trường, Nguyễn Huy Mãn dành thời gian dạy hơn ngàn học trò, trong số đó có nhiều người đỗ đạt cao như anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm ở Tiên Điền, Nguyễn Hành ở La Sơn, em họ là Huy Dựng,...

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Ban quản lý di tích đình - đền - chùa làng Phú Thụy cho biết thêm: "Dòng họ Nguyễn Huy ở Phú Thụy là một trong những dòng họ khoa bảng lớn của quê hương Phú Thị, Gia Lâm cũng như của Thăng Long – Hà Nội. Các bậc khoa hoạn không chỉ thành danh để lại tiếng thơm cho đời mà còn đem vốn kiến thức tích lũy được truyền lại cho các thế hệ sau, cả trong và ngoài dòng họ.

Vừa làm quan các cụ còn dậy hàng trăm học trò, nhiều người đỗ đại khoa. Tiến sĩ Nguyễn Huy Cẩn, sau khi dâng sớ từ quan được ưng thuận, đã về quê mở Trường Phương Am để dạy hàng ngàn học trò. Cụ còn biên soạn ra bản Tuyên Văn Mục Lục dễ học, dễ nhớ để dân làng học thuộc và tham gia thi đọc hàng năm trong Lễ hội làng, một hình thức khuyến học độc đáo từ đó đến nay".

Ông Nguyễn Xuân Việt chia sẻ thêm, kế thừa truyền thống thi cử, học hành và dạy học của các bậc tiền nhân trong làng, "đến nay, tính cả dâu, cả rể, làng Phú Thụy có đến hơn 200 người làm nghề dạy học. Cũng vì thế mà dân làng thường nói vui với nhau rằng làng Phú Thụy là "làng nghề" dạy học".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem