Nói “Ẩm thực lành” là điểm kinh doanh cũng đúng, nhưng nói đó là điểm dừng và chia sẻ cách tự cân bằng trước cuộc sống có quá nhiều thách thức cũng không sai. Lê Thị Ngọc Quyên nói với Trần Thế Phục: “Bây giờ, mình làm cái gì đưa thức ăn tới người dùng không có chọn lọc, làm hại cộng đồng là phạm tội ác”.
Cặp Phục – Quyên bắt đầu con đường mới với thực dưỡng và sống thuận theo tự nhiên.
Thách thức lớn nhất ở đây là những chứng nhận nguyên liệu đầu vào vẫn chưa đủ, cần phải có tâm khi nói tới việc làm sẵn những bữa ăn. Hai vợ chồng tự nguyện thử nghiệm, tự test nguyên liệu, chấp nhận phản ứng trên đầu lưỡi; không đơn thuần là có gì bán nấy mà phải chọn lọc, thử nghiệm, lấy thân mình ra kiểm nghiệm để có một thực đơn gồm những món ăn thực dưỡng.
Thực dưỡng, tân dưỡng sinh, thực dưỡng hiện đại là tấm bảng chỉ đường khởi nghiệp, tâm nguyện của Trần Thế Phục. “QuyênN Coffee” với những món ngon Nam bộ, ăn “thả cửa” không còn phù hợp. Quyên chấp nhận hy sinh đam mê mỹ thuật để chồng dựng lên quán “Ẩm thực lành”. Phục nhận ra rằng những giá trị mới khả dĩ mang lại sức khoẻ cho người dùng, nhưng thay đổi thói quen, đến với thực dưỡng không đơn giản chút nào.
Đối với “Ẩm thực lành”, món ăn làm sẵn từ nguyên liệu tự trồng, trao đổi từ những người “tự sản tự tiêu” hoặc mua từ các nguồn cung cấp thực dưỡng, không chỉ lành mà phải chế biến cho ngon, đẹp. Cả hai truyền lửa thực dưỡng tới bè bạn. Nhưng nay đã khác, nếu chỉ là gạo lức muối mè, tương đậu, vẻ khổ hạnh nhẩn nha nhai hàng giờ thì khó chấp nhận trong cuộc sống hiện đại, vì theo thực dưỡng mà mất sự cân bằng là sai lý thuyết từng tồn tại của thực dưỡng. “Nhà thực dưỡng Lương Trùng Hưng và lương y Trần Ngọc Tài giúp hai vợ chồng bắc nhịp cầu cuối cùng tới người dùng”, Phục nói. “Công việc đã qua là xây dựng khung cảnh thân thiện, môi trường giao tiếp, làm sẵn bữa ăn gia đình, làm marketing cho mọi người cùng đến, cùng ăn, trò chuyện, thăm hỏi, quan tâm sức khoẻ nhau… hoàn toàn là sự chủ động của Phục – Quyên”.
Những người có công việc ổn định, thành đạt dẫn dắt nhau tới đây, càng thành đạt họ càng quan tâm sức khoẻ, tự nhiên kết bạn, có nhiều câu chuyện để kể nhau nghe chứ không phải chỉ ăn rồi về. Bữa ăn, cách sống, kết bạn và cũng đã có những hợp đồng làm ăn từ đây.
Cuối tuần có buổi chia sẻ trải nghiệm, hướng dẫn trong hai giờ vào buổi tối, người có bệnh tìm tới nghe những chia sẻ xem bệnh từ đâu tới, có giải pháp nào không và trị bệnh là do chính mình nếu tôn trọng các chức năng của cơ thể để tự nó làm lành.
Phục – Quyên tổ chức tour để những gia đình cùng đi, trải nghiệm thức ăn thực dưỡng trong hai ngày, nhiều người thử thay đổi thói quen và không còn tranh cãi khi nghĩ tới việc phải từ bỏ thói quen tiệc tùng, do hiểu rằng vấn đề là cách ăn và biết cách tự cân bằng, thời gian áp dụng càng dài hiệu quả càng lớn.
Công việc vẫn ào ạt tới khi dòng thực khách gia tăng, Quyên phải bỏ thời gian lên Sài Gòn học chương trình của Steiner Waldorf, triết gia người Áo, nghiên cứu tâm linh, tâm thức học… giáo dục về cách sống thuận tự nhiên, con người tự do với những giá trị sống thân thiện, gần gũi. Phục sang Úc làm một “course” thực dưỡng với nhà thực dưỡng Lương Trùng Hưng.
Các chuyên gia từ Thái Lan, New Zealand, Úc chia sẻ cách giáo dục trẻ nhỏ, Quyên cảm nhận rằng người lớn học sẽ rất tốt vì nguyên tắc của cách giáo huấn là hãy làm tấm gương để trẻ bắt chước. Lớp học có bài thực tập, làm để xem mình thiếu cái gì, cần cái gì và làm thế nào để tự cân bằng, làm sao cho tốt hơn. Nếu nhìn thấy cha mẹ suốt ngày với máy tính thì trẻ không thể nào thích sông suối, môi trường tự nhiên, mà sẽ làm giống như cha mẹ.
Phục – Quyên bắt được cái thần của G. Ohsawa và chương trình Steiner Waldorf, cả hai cho đó là may mắn trên hành trình khởi nghiệp. Trên con đường đó, Phục không còn mất công đi thuyết phục mà mọi người nhìn thấy cách sống, niềm vui, sức khoẻ tốt cho mình và họ tự làm theo, tự thay đổi, tự tìm đến.
Hoàng Lan (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.