Giá phân bón tăng sốc, chuyên gia khuyên chỉ nên bón 3 lần phân, bón nhiều lúa "ăn" không hết

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 30/10/2021 18:32 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, bà con nông dân hoàn toàn có thể giảm lượng phân bón trong canh tác lúa nếu áp dụng các gói kỹ thuật phù hợp để giảm áp lực giá phân bón tăng.
Bình luận 0

Chỉ nên bón phân 3 lần để bớt áp lực khi giá phân bón tăng

Theo TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, do giá phân bón tăng cao, hiện chi phí vật tư nông nghiệp chiếm đến 63,6% giá thành sản xuất lúa (trong đó phân bón chiếm 25,6%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 23,6%).

Do vậy việc giảm lượng giống đầu vào có ý nghĩa quyết định đến việc giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

"Ở những mô hình canh tác lúa do Viện Lúa ĐBSCL triển khai, việc áp dụng lượng gieo sạ 80kg/ha lại cho năng suất cao hơn những diện tích sử dụng 180 - 200kg/ha. Cụ thể, năng suất ở những diện tích sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha đạt 7,66 tấn/ha, trong khi nơi sử dụng gấp đôi lượng gieo sạ năng suất chỉ đạt 6,88 tấn/ha. Nhờ đó, lợi nhuận của mô hình sử dụng ít giống tăng thêm 23 - 45%" - TS Thạch cho biết.

Giảm lượng phân bón - đòi hỏi tất yếu của sản xuất (bài cuối): Ứng dụng gói kỹ thuật  phù hợp - Ảnh 1.

Bà con hoàn toàn có thể giảm lượng phân bón để giảm áp lực khi giá phân bón tăng. Trong ảnh: Cánh đồng lúa sản xuất theo cách truyền thống ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: C.T.V

"Bà con nông dân chỉ nên sử dụng 3 lần phân bón trong một chu trình chăm sóc lúa, nên bón thêm vôi với lượng 100 - 200kg/ha để tăng hiệu quả sử dụng phân bón kết hợp sử dụng bảng so màu lá lúa; sử dụng máy cấy kết hợp vùi phân...".

TS Trần Ngọc Thạch

TS Thạch khuyến cáo, bà con chỉ nên sử dụng 3 lần phân bón trong một chu trình chăm sóc lúa, nên bón thêm vôi với lượng 100 - 200kg/ha để tăng hiệu quả sử dụng phân bón kết hợp sử dụng bảng so màu lá lúa; sử dụng máy cấy kết hợp vùi phân để tránh lãng phí phân bón. 

"Thực tế cho thấy, nếu giảm lượng giống sẽ giảm 40 - 45% lượng phân bón, tức giảm chi phí phân bón 1,5 - 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm 3,5 - 4,5 triệu đồng/ha" -TS Thạch khẳng định.

Xây dựng mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI từ năm 2016 trên 4 vùng chuyên canh lúa ở tỉnh, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, hiệu quả của mô hình khá cao khi giảm đáng kể lượng giống, phân bón trong khi tăng năng suất, chất lượng lúa và nhất là thích ứng với biến đổi khí hậu khi tiết kiệm đáng kể lượng nước.

"Chúng tôi khuyến cáo bà con trong mô hình canh tác lúa SRI sử dụng lượng giống gieo sạ vừa phải, mật độ 8kg giống/sào, nhưng khi so với đối chứng, năng suất lúa cao hơn đáng kể so với những diện tích sử dụng 10 - 12kg giống/sào, thậm chí với những vùng khó khăn về nước thì mô hình vẫn đạt hiệu quả. Do vậy, Bình Thuận có kế hoạch nâng diện tích lúa canh tác SRI lên 4.000ha" - đại diện Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ đề xuất: Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các gói kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa nhằm nâng cao nhận thức cho bà con hiểu rõ, để giảm lượng phân bón hợp lý.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng từ 3 vụ thành 2 vụ để giảm áp lực khai thác dinh dưỡng của đất, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa - thủy sản, lúa - cây rau màu nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. 

Các cơ quan nghiên cứu cần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xử lý rơm rạ trên đồng ruộng nhằm bổ sung nguồn phân hữu cơ cho đất, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong canh tác lúa như tích hợp phần mềm so lá lúa - bón phân, cải tiến một số loại máy cơ giới hóa phù hợp với thực tế đồng ruộng từng địa phương, sử dụng máy bay không người lái trong các khâu của sản xuất lúa, đặc biệt là khâu gieo giống nhằm giảm lượng giống đáng kể.

Tăng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để bớt áp lực giá phân bón tăng

Ông Hoàng Văn Hồng -Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Thực tế hiện nay, tâm lý người nông dân vẫn lo ngại khi giảm lượng giống, phân bón sẽ ảnh hưởng đến năng suất.

Vì vậy cần tuyên truyền để nông dân hiểu rõ vấn đề, khi giảm lượng giống, giảm lượng phân bón nhưng năng suất không giảm. 

Thực tế đã chứng minh, khi giảm lượng giống sẽ tăng quang hợp cho cây lúa, sâu bệnh sẽ giảm, nên giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời xác định cơ cấu phân bón phù hợp để cây lúa phát triển tốt.

Việc giảm lượng phân bón phải tùy thuộc vào mật độ, giống lúa, thổ nhưỡng... để đạt năng suất tốt nhất.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, với phương thức như hiện nay của bà con nông dân hoàn toàn có thể giảm được lượng phân bón vì hiện tại lượng phân bón vẫn dư thừa, nhiều hộ dân bón phân chưa hợp ý về mặt thời gian, chưa đúng liều lượng, dẫn đến lãng phí không đáng có, còn ảnh hưởng đến chất lượng đất, ảnh hưởng đến môi trường.

"Chúng ta hoàn toàn có thể giảm được lượng phân bón bằng cách bón theo đúng nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu phần trăm phân bón cho phù hợp để không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa thì cần có sự nghiên cứu, đánh giá. Cục Trồng trọt đang phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu kỹ thuật phù hợp để từ đó đưa ra khuyến cáo cho nông dân" - ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng khuyến cáo nông dân có thể sử dụng các loại phân bón tan chậm, áp dụng kỹ thuật bón sâu để tiết kiệm phân bón, tận dụng các nguồn hữu cơ hiện có, phế phụ phẩm nông nghiệp để tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng; áp dụng triệt để các biện pháp "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" trong sản xuất lúa. Đẩy mạnh thực hiện khung giống gieo từ 80 -100kg/ha. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem