Ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, để nhân rống một số mô hình dạy nghề đạt hiệu quả giúp người dân tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới, thành phố đã triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động địa phương cùng với mục tiêu chuyển dịch ngành nghề nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Căn cứ trên đề án này, hằng năm các xã sẽ lập kế hoạch đào tạo nghề phi nông nghiệp tại địa phương để UBND thành phố phê duyệt kinh phí dạy nghề.
Một lớp dạy nghề tại Trung tâm Hỗ trợ và Dạy nghề thành phố (Hội Nông dân TP.HCM).
“Người dân đã dần nhận thức được vai trò của việc học nghề, học để nâng cao tay nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất, trong chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, bà con mạnh dạn chuyển đổi nghề nhằm tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương” - ông Dân nhận định.
Từ năm 2010 đến tháng 10.2014, tổng số lao động nông thôn được học nghề trên địa bàn thành phố là 34.808. Về ngành nghề đào tạo, có 9.774 người học ngành nghề nông nghiệp và 25.034 người học các ngành nghề phi nông nghiệp. Số lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề giai đoạn là 26.574 người trên tổng số 32.052 người đã học xong, đạt 83%.
Tuy nhiên, chương trình này vẫn còn gặp một số khó khăn. Thành phố mong muốn đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhưng có mâu thuẫn là khi khuyến khích chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, một số lao động nông thôn mong muốn là có việc làm ngay mà không chịu qua đào tạo dài hơi nên khó có việc làm bền vững. Ngoài ra, Sở NNPTNT đánh giá, việc phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn TP.HCM vẫn mang tính tự phát, sử dụng thiết bị lạc hậu, thiếu vốn…
Cùng với đó, có những công ty trên địa bàn xã xây dựng NTM có nhu cầu tuyển lao động nên đã phối hợp chính quyền tổ chức dạy nghề cho lao động địa phương. Tuy nhiên, họ không có chức năng cấp giấy chứng nhận dạy nghề.
“Thành phố đã thấy những bất cập này nên năm nay sẽ cho phép các công ty có chức năng cấp giấy chứng nhận khi đào tạo nghề tại địa phương. Sở LĐTBXH đang có kế hoạch phối hợp nhiều chiều trong đào tạo nghề để ngành nghề đào tạo xong sẽ sát với nhu cầu thực tế hơn chứ không cứ theo yêu cầu của địa phương” – ông Dân cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.