Hà Nội: Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm xử phạt 300 cơ sở

P.V Thứ tư, ngày 16/10/2019 15:49 PM (GMT+7)
Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được tổ chức từ ngày 10/7 đến nay.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, từ ngày 10/7, Hà Nội triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã tiến hành xử phạt hơn 300 cơ sở với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Cụ thể, tính đến ngày 20/9, 29/30 quận, huyện, thị xã đã tiến hành thanh tra 310 cơ sở thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 96 cơ sở với số tiền hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, có 18/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tuyến xã, phường, thị trấn. Kết quả, 131/584 xã, phường, thị trấn đã tiến hành thanh tra 859 cơ sở thực phẩm, trong đó xử phạt 206 cơ sở với số tiền phạt hơn 408 triệu đồng.

img

Đã có gần 1200 cơ sở được kiểm tra, hơn 300 cơ sở bị xử phạt. 

Điển hình kết quả một số quận, huyện triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm như quận Nam Từ Liêm. Sau 3 tháng, quận đã thanh tra 159 cơ sở, xử phạt 61 cơ sở với số tiền xử phạt là hơn 100 triệu đồng. Quận đã tổ chức lấy 15 mẫu thực phẩm xét nghiệm chuyên sâu.

Quận Hoàn Kiếm đã thanh tra 24 cơ sở. Trong đó, quận thanh tra 6 cơ sở, phường thanh tra 15 cơ sởvới số tiền xử phạt là 14 triệu đồng. Quận Long Biên đã tiến hành thanh tra 288 cơ sở, xử phạt 75 cơ sở với số tiền là hơn 151 triệu. 

Về công tác đào tạo chuyên môn, theo TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến cơ sở, thành phố đã tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra cho gần 4.000 công chức, viên chức và đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 1.240 người.

img

Đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ lực lượng để thành lập từ 1-2 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. TS Chung đánh giá, đây là một thuận lợi để có thể mở rộng thí điểm lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm ra 100% xã phường ở Hà Nội. 

Về những khó khăn ban đầu, TS Chung cho biết, đa phần các xã phường đều lần đầu triển khai, nhân viên được giao nhiệm vụ thanh tra đều được đào tạo trong thời gian ngắn nên kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế. Trong khi đó, quy trình thanh tra chặt chẽ, các sai phạm về an toàn thực phẩm phức tạp, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đa dạng, nhỏ lẻ nên ban đầu các xã phường còn triển khai dè dặt. 

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đánh giá cao việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của Hà Nội. "Trong 9 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm này thì Hà Nội đã thực hiện bài bản, nghiêm túc nhất, trong khi các địa phương còn có nhiều lúng túng" - ông Long cho biết.

Ông Long cũng nhấn mạnh, hiện nay, các đoàn thanh tra cấp cơ sở hiện mới chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế. Trong khi đó, cái gốc của an toàn thực phẩm vẫn là khâu nuôi trồng, thu hái, giết mổ, bảo quản thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Một vấn đề nóng cần phải quyết liệt đấu tranh là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội nên đặt ra nhiệm vụ cho công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cụ thể, về lĩnh vực y tế kiểm tra bao nhiêu cơ sở, lĩnh vực công thương và nông nghiệp kiểm tra bao nhiêu cơ sở. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, tuy công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn do triển khai trên toàn thành phố, địa bàn rộng, phần lớn các quận, huyện và xã, phường là lần đầu thí điểm thanh tra nên còn thiếu kinh nghiệm. Ông Sửu cho rằng, việc thanh tra muốn đạt hiệu quả phải được triển khai liên tục. Lãnh đạo các địa phương cũng cần cởi bỏ tư duy  ngồi “đút chân gầm bàn” chỉ đạo mà phải đi kiểm tra thực tế.

"Các Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp quận, huyện phải đi kiểm tra an toàn thực phẩm ít nhất 1 lần/tháng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần" - ông Sửu nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem