Hà Tĩnh: Vốn chính sách “dìu” hộ nghèo vượt đại dịch Covid-19

Thu Hà Thứ tư, ngày 01/09/2021 13:02 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng nghìn hộ nông dân nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh đã được Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tiếp sức đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các mô hình trang trại hiệu quả với nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Có vốn phát triển kinh tế

Gia đình chị Hoàng Thị Duấn (ở thôn Phú Sơn, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) là 1 trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Từ hộ nghèo của xã, nhờ được Ngân hàng CSXH cho vay vốn làm ăn, đến nay gia đình chị Duấn đã gây dựng được trang trại tổng hợp với quy mô 12 con bò thịt, 1.000 con bồ câu, 500 con gà và 3 ao cá tổng hợp. Mỗi năm gia đình chị đã thu về khoản lợi nhuận 250 triệu đồng từ trang trại. Ngoài nguồn lợi nhuận thu về, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương.

Gia đình chị Lê Thị Thu (ở thôn Minh Hương, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc) cũng vươn lên từ sự tiếp sức của Ngân hàng CSXH. Chồng sức khỏe yếu, con bị bệnh tim bẩm sinh, gia đình luôn trong cảnh túng thiếu. Qua 2 lần tiếp cận vốn tín dụng hộ nghèo, đến nay, gia đình chị đã có tài sản ổn định là đàn bò gần chục con. Chị Thu vui mừng nói: "Không phải thế chấp mà vẫn được vay vốn, hơn nữa, lãi suất ưu đãi nên chúng tôi giảm bớt được gánh nặng. Từ 90 triệu đồng vừa được giải ngân trong tháng 3/2021, gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Từ chỗ "chạy đôn chạy đáo" vay tiền mỗi khi gặp biến cố thì nay tôi đã chủ động được chi phí trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho chồng con".

Vốn chính sách “dìu” hộ nghèo vượt đại dịch - Ảnh 1.

Mô hình nuôi trâu bò của nông dân huyện Kỳ Anh được Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh cho vay vốn ưu đãi. Ảnh: Thu Hà

"Trong giai đoạn toàn tỉnh Hà Tĩnh đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực giải ngân các nguồn vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cho người dân sớm khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống".

Bà Lê Hương Trà - Phó Trưởng phòng

phụ trách Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng,

Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh

Ngày 22/2/2019, Ngân hàng CSXH Việt Nam ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay và thời hạn vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, từ 1/3/2019, ngân hàng nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ; nâng thời hạn cho vay tối đa từ 5 năm lên 10 năm đối với hộ nghèo để phù hợp với quá trình phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.

Sau hơn 2 năm triển khai quyết định này, dư nợ hộ nghèo ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh, tạo bước đệm hình thành các mô hình kinh tế cho người nghèo.

Ông Lưu Tùng Dương – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Can Lộc thông tin: Tổng dư nợ của đơn vị hiện đạt 474,382 tỷ đồng, trong đó dư nợ 3 chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt 301,8 tỷ đồng (chiếm 63,6% tổng dư nợ).

Hỗ trợ người nghèo vượt qua đại dịch

"Từ nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH, gần 10.000 hộ dân trên địa bàn huyện Can Lộc có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng cây ăn quả... vươn lên ổn định cuộc sống. Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động xấu của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Ngân hàng đã có nhiều giải pháp, trong đó thực hiện gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng" - ông Dương cho biết.

Vốn chính sách “dìu” hộ nghèo vượt đại dịch - Ảnh 3.

Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh: Thời gian qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tốt phiên giao dịch tại xã vừa đảm bảo an toàn về phòng chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho hộ vay.

7 tháng đầu năm, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực hoàn thiện hồ sơ, giải ngân 1.017,6 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách. Theo đó, tổng dư nợ của đơn vị đến thời điểm này đạt 5.130 tỷ đồng (xếp thứ 8 toàn quốc), tăng 174 tỷ đồng so với đầu năm với gần 110.000 khách hàng.

Các chương trình chiếm tỷ trọng dư nợ lớn như: Cho vay hộ thoát nghèo 1.581,8 tỷ đồng, cho vay nước sạch - vệ sinh môi trường 802 tỷ đồng, cho vay sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn 718 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 686 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo 446 tỷ đồng...

Trong quá trình hoạt động, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội nhận ủy thác kiểm tra sử dụng vốn sau cho vay. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng của đơn vị không ngừng được nâng cao, nợ quá hạn duy trì ở mức thấp (chiếm 0,047%/tổng dư nợ). Qua kiểm tra, cơ bản người dân sử dụng vốn đúng mục đích, nguồn vốn được phát huy hiệu quả. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem