Họa sĩ Bùi Văn Tuất với "Nhìn lại"

Trần Thị Trường Thứ bảy, ngày 07/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
Vào cuối giai đoạn làm ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bỗng nhiên trong tôi nảy sinh ý nghĩ quay lại nghề vẽ. Nhưng tôi biết nếu chỉ dựa vào bản năng và những gì đã học thì chưa đủ tầm.
Bình luận 0

Hội họa là một thách đố lớn, nếu chỉ có cảm xúc và khát khao thì chỉ "đẻ" ra những cái giống hội họa, chứ không gọi là tác phẩm được. Tôi nung nấu ý nghĩ tìm thầy. Tôi gọi cho họa sĩ Đặng Tiến ở Hải Phòng, người có nhiều bức tranh phong cảnh với gam màu lạ và đẹp mà tôi rất thích, nói bịa ra với anh là tôi muốn tìm người vẽ chân dung. Đã từng học nhiều năm rồi, tôi biết, nếu ai vẽ được chân dung, mà đẹp thì họ có thể vẽ được nhiều thứ đẹp, vì chân dung là thứ khó nhất của nghệ thuật tạo hình. Người ấy có thể dạy tôi. Họa sĩ Đặng Tiến bảo: "Chị ơi, em đang bận lắm, em giới thiệu với chị một họa sĩ trẻ vẽ chân dung rất "mả", chắc lâu chị không để ý, chứ cậu này đang nổi ầm ầm". Thế là Đặng Tiến cho tôi số điện thoại của Bùi Văn Tuất.

Bùi Văn Tuất hẹn tôi đến studio. Nhìn những bức chân dung Tuất đã vẽ treo trên tường tôi đã thích rồi, đã thấy lời giới thiệu của hoạ sĩ Đặng Tiến là chính xác rồi nên tôi nghĩ nếu được Tuất vẽ thì hay quá. Rồi Tuất nhận lời. Thế là tôi được một công đôi việc.

Trực họa cũng là một thách đố dù là vẽ phong cảnh hay chân dung bởi cần nắm bắt nhanh và chính xác từ tỉ lệ, bố cục, chi tiết, không gian, ánh sáng. Vẽ chân dung thì còn thần thái của mẫu nữa. Vẫn mẫu đấy, người đấy nhưng gương mặt họ sẽ đổi thay theo cảm xúc của họ (lúc xấu lúc đẹp). Làm thế nào để vẽ ra thần thái của họ, giống họ mà không phải là "sao chép tự nhiên như ảnh", trong cái chân dung đó có dấu ấn sáng tạo, thể hiện bút pháp của họa sĩ, là điều không bao giờ dễ dàng. Bút pháp Bùi Văn Tuất thật đặc biệt: Mạnh mẽ, sắc sảo, giàu cảm xúc, hình khối, mảng miếng chi tiết… mọi thứ đều rất tài hoa. Tôi rất ưng bức chân dung Tuất vẽ cho tôi. Tôi xem kỹ nhiều bức khác trong studio của Tuất nhiều lần sau đó.

Ngay thời gian đi học Tuất đã được đồng môn và các thầy chú ý. Những thành công ban đầu, những lời nói khích lệ của bậc đàn anh hay của các họa sĩ nổi tiếng đã và đang giảng dạy trong trường là động lực để Tuất vươn lên.

Trong ký ức của Tuất là hình ảnh các cụ già nhăn nheo ngồi dưới nắng. Những ngôi nhà trình tường màu vàng thổ. Là tiếng suối, là những triền núi, những mảnh sân đất nện, là chuồng trâu, con lợn, đàn gà, bếp củi với cái kiềng, cái ấm cũ kỹ với ánh lửa bập bùng... Tuất vẽ những cái đó. Khi thì trực họa thành tranh luôn, khi thì ký họa làm tư liệu để xây dựng tác phẩm có kích thước lớn chứa đựng một "câu chuyện đời sống" vùng thôn dã.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất với "Nhìn lại" - Ảnh 1.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất.

Sinh 1982, đến năm 2018 - khi đó Tuất 36 tuổi Tuất đã có triển lãm riêng: "Tuổi thơ như thế" với 18 bức kích thước vừa, lớn, và rất lớn bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chưa kể có tranh bày chung với bạn bè trước đó. Triển lãm của Tuất thành công trên mức tưởng tượng của nhiều người. Tuất còn đặc biệt ở tài vẽ các gương mặt thiếu nhi vùng cao, rộng hơn nữa là cuộc sống của vùng cao qua các gương mặt trẻ thơ. Vẻ thơ ngây, trong sáng, hồn nhiên của các bé qua mỗi bức chân dung (kích thước nhỏ) hay trên bức tranh lớn có nhiều cháu, mỗi cháu một dáng vẻ, dáng nào cũng sinh động (cũng khó vẽ) nhưng vô cùng thú vị, gây xúc động cho người thưởng lãm.

Năm nào Bùi Văn Tuất cũng có những chuyến đi vùng cao, vừa thả hồn vào thiên nhiên bát ngát vừa lấy tư liệu. Trực họa có cái khó của trực họa. Đưa tư liệu trực họa về dựng tác phẩm lớn lại có cái khó khác. Phải làm sao để ánh sáng, không khí, không gian được nhất quán, các trạng thái biểu cảm của nhân vật trong tranh phái sinh động và sâu sắc và nhất quán với "câu chuyện" mà họa sĩ tạo ra. 

Nếu trực họa bức chân dung của tôi rất thành công Tuất chỉ vẽ trong 3 giờ thì những bức khổ lớn Tuất vẽ trong 3 năm. Tuất nghĩ nhiều, vẽ chậm với những tác phẩm có kích thước lớn - "kể một câu chuyện" đời. Và chỉ đến khi nào thật ưng Tuất mới… ký. Tranh vẽ kỹ mà bút pháp vẫn khoáng hoạt, những mảng miếng cuốn hút bên cạnh những chấm phá tài tình tạo ra sự hài hoà về màu sắc, chứa đựng những điểm nhấn sinh động…

Nghe nói Tuất lại sắp bày triển lãm, có tên là "Nhìn lại" mở ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt vào cuối tháng 10 này. Tôi lập tức đến thăm studio của Tuất. Thấy bức tranh "Khoảng sân nhỏ trước nhà" đã hoàn tất, tôi đã sững người vì đẹp. Những mảng tường trình bằng đất của ngôi nhà vùng cao vàng au, dấu thời gian in rõ bởi ánh sáng hắt vào. Cái sân có bày gà, buồng chuối, mấy con ngan… được miêu tả rất sinh động, đặc biệt là dáng vẻ và thần sắc mấy đứa trẻ đang chơi với nhau. Vẫn dùng bút pháp quen thuộc ấy nhưng tinh tế và sâu sắc hơn mấy năm trước đây. Không chỉ bởi tài hoa, tranh đẹp dường ấy còn bởi Tuất dùng toan và màu khá đắt tiền, đắt nhất trong các loại họa phẩm hiện có.

Tuất nói, sẽ mang bức này đi. Chỉ riêng việc đem được bức tranh đó đi xa đến thế đã cho thấy Tuất hay chọn làm việc khó chỉ vì thích, bởi tranh của Tuất rất dễ được tìm đến sưu tập ngay ở Hà Nội. Có lẽ Tuất muốn được lan tỏa rộng hơn và cũng đồng thời là "cuộc chơi" với bè bạn. Tuất là người sống rất tình cảm với bạn bè. Nhiều lần dù rất bận, nhưng bạn cần là Tuất có mặt. Những triển lãm của tôi Tuất luôn đến ngay từ lúc bày ướm lên tường...

Họa sĩ Bùi Văn Tuất với "Nhìn lại" - Ảnh 2.

Bức tranh "Khoảng sân nhỏ trước nhà".

"Nhìn lại" của Tuất sẽ bày 30 bức, cùng với bức kích thước lớn kể trên còn 29 bức nữa có các kích thước: 73x55cm, 50x40cm, 35x30cm, tất cả đều là những chân dung các em bé dân tộc vùng cao. Những em bé cho ta thấy còn nguyên sự ngây thơ, hồn nhiên, hoang dã và tình cảm của con người. Mỗi em mỗi vẻ, gương mặt, áo quần, dáng vẻ đều khác làm nên sự sinh động của một triển lãm mang nhãn hiệu Bùi Văn Tuất.

Tuất cho biết, triển lãm là để đánh dấu một chặng đường với tâm thế nhìn lại: Những gì đã làm được và chưa làm được, những trải nghiệm của các chuyến đi, những khoảnh khắc của xúc cảm, những câu chuyện tác động tới đời mình và với cuộc sống. Nhìn lại của Tuất hôm nay là để Tuất bước tới tương lai.

Trở lại câu chuyện đi tìm thầy của tôi. Khi thấy Tuất vẽ quá hay, tôi đã muốn Tuất là thầy dạy, nhưng qua trò chuyện biết Tuất chỉ dành đam mê và khát vọng của Tuất cho sáng tạo, cho những tấm toan còn để trắng trước mặt. Tôi tìm người khác, rồi gặp Hải Kiên. Cũng có thể là định mệnh, Hải Kiên đã dạy tôi, tôi rất ưng phương pháp truyền đạt của Hải Kiên, cũng rất thích tranh Hải Kiên, rồi tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Cũng nhờ vẽ mà tôi mới đủ kiến thức để viết về hội họa Bùi Văn Tuất.

Chúc Bùi Văn Tuất "Nhìn lại" thành công!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem