Hội cùng nông dân vượt khó

Thứ hai, ngày 21/05/2012 08:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Hội các cấp phải luôn bám sát cơ sở, nắm được khó khăn của nông dân để tham mưu kịp thời cho cấp uỷ Đảng, chính quyền và Hội cấp trên, giúp nông dân vượt khó” - chị Phạm Thị Xuân - cán bộ Hội Nông dân huyện Than Uyên (Lai Châu) bày tỏ.
Bình luận 0

Than Uyên là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, dân cư chủ yếu thuần nông với tỷ lệ đói nghèo cao. Nhằm nhanh chóng giúp nông dân (ND) khắc phục khó khăn, từng bước thoát nghèo bền vững, Hội ND các cấp trên địa bàn đã có nhiều giải pháp thiết thực: Vận động hội viên tích cực khai hoang ruộng nước, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hoá...

img
Nông dân Than Uyên thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Than.

Khơi dậy tiềm lực trong nông dân

Anh Phan Văn Sụng - cán bộ Hội ND huyện cho biết: “Than Uyên có lợi thế về nhân lực sản xuất nông nghiệp, tiềm năng đất đai, khí hậu. Cánh đồng Mường Than của chúng tôi rộng thứ 3 trong các cánh đồng lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc; đất đai nương vườn cũng khá màu mỡ... Vậy mà cam chịu đói nghèo là điều quá vô lý”.

Qua tìm hiểu, thấy nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo trong ND là do trình độ sản xuất của bà con các dân tộc thiểu số còn yếu. Bên cạnh đó, địa bàn miền núi xa xôi nên sản xuất hàng hoá cũng chậm phát triển. Từ sự đánh giá đó, Hội đã phân công cán bộ bám sát các địa bàn, phối hợp với cán bộ khuyến nông, tham mưu cho Tỉnh hội để triển khai nhiều lớp tập huấn, dạy nghề cho ND.

Ông Lê Văn Sử ở bản Cẩm Trung 4, xã Mường Than, tâm sự: "Sau khi được tham dự các lớp tập huấn, dạy nghề do Hội và cán bộ khuyến nông tổ chức, chúng tôi mới hiểu ra rằng mình có rất nhiều tiềm năng để làm giàu nhưng chưa biết sử dụng.

Cũng mảnh ruộng, mảnh nương ấy nhưng nếu thay thế các giống lúa cũ bằng lúa Bắc ưu 63, lai Trung Quốc hoặc giống chất lượng cao như Séng Cù, kết hợp với bón phân, làm cỏ, chăm sóc tốt... thì giá trị thu nhập tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Nuôi con lợn, con bò cũng vậy, phải chú ý từ khâu chọn giống tới thời gian xuất chuồng cho có lợi nhất. Cứ sản xuất tốt, sản xuất nhiều là sẽ thành hàng hoá... Gia đình tôi đã thoát nghèo, thành hộ giàu cũng là nhờ những kinh nghiệm ấy”.

Đánh thức ý chí xoá nghèo...

Với 8 dân tộc anh em ở 152 thôn, bản có trình độ dân trí và điều kiện sản xuất chênh nhau rất nhiều nên việc triển khai công tác hội cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, ND phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình để làm mũi nhọn “kích cầu” xoá nghèo.

“Hội không chỉ giúp chúng tôi có kiến thức, có vốn sản xuất, mà còn tạo ra không khí thi đua để chúng tôi so sánh mình với người khác”.

Anh Vàng A Ninh, dân tộc Mông ở bản Sắp Ngụa 1, xã Phúc Than, cho hay: “Nhà tôi cũng như nhiều hộ khác ở bản này đều có sức lao động, có đất ruộng, đất nương nhưng hoàn cảnh khó khăn lắm. Sau khi dự mấy lớp tập huấn về thâm canh lúa nước và chăn nuôi lợn, gà; lại được cán bộ hội động viên, giúp vay vốn, tôi đã mạnh dạn thay thế giống mới, nâng sản lượng thóc từ 12 tấn lên 20 tấn/năm. Có cái ăn, cái để, tôi lại nhân đàn trâu, bò, lợn và trồng thảo quả. Bốn năm nay, thu nhập của tôi trên 200 triệu đồng/năm. Thấy tôi xoá nghèo nhanh và bền vững, nhiều hộ đã đến học tập và vay vốn, vay giống. Bây giờ trong xã cũng có nhiều người tích cực xoá nghèo rồi”.

Đến bản Mé, xã Mường Cang, gặp ông Vàng A Định - ND sản xuất kinh doanh giỏi trên 2 lĩnh vực thâm canh lúa nước và phát triển đàn gia súc, được nghe lời tâm sự: “Hội không chỉ giúp chúng tôi có kiến thức, có vốn sản xuất, mà còn tạo ra không khí thi đua để chúng tôi so sánh mình với người khác. Khi đã “mừng no- lo đói”, biết xấu hổ khi nghèo đói là sẽ biết vượt khó, vươn lên. Mường Cang đang có hàng trăm hộ thi đua xoá nghèo đấy”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem