"Hệ sinh thái" nông sản, kết nối nông dân, thị trường tiêu dùng giữa TP. Việt Trì. Video: N.Hoan
Với hàng trăm sản phẩm OCOP cùng nhiều nông sản đặc sản, Phú Thọ có tiềm năng rất lớn trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bằng nhiều giải pháp, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã và đang hỗ trợ, quảng bá, kết nối giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi.
Trong đó, hiệu quả nhất là việc Hội Nông tỉnh Phú Thọ xây dựng, triển khai gian hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ nông sản tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp ở địa chỉ số 148 phố Minh Lang, phường Tiên Cát, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Thông qua gian hàng này, thường xuyên hàng quý trong năm, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành, thị, các tỉnh trong khu vực (gồm Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội...) tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản cho người nông dân.
Tính riêng năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã tiêu thụ được hơn 105 tấn nông sản, trị giá trên 12 tỷ đồng cho nông dân sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm có nguồn gốc của trên 76.000 hội viên nông dân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử giaothuong.net.vn, postmart.vn…, thu hút hàng nghìn người theo dõi và tham gia đặt hàng.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Phương Hạnh cho biết, hạn chế, khó khăn lớn nhất với Phú Thọ hiện nay là liên kết sản xuất chưa bền vững; sản phẩm chất lượng tốt nhưng mẫu mã, bao bì chưa tương xứng, chưa tạo được dấu ấn...
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ sẽ triển khai mạnh giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đi đôi với tăng cường kết nối cung cầu, tiêu thụ cho người nông dân.
Cùng với đó, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế nông sản.
"Mục tiêu lớn nhất của việc kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua gian hàng trưng bày là mong muốn mọi người dân biết được giá trị của nông sản, biết được nông dân sản xuất ra sao. Và nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi quy trình canh tác, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra để đáp ứng được thị yếu của khách hàng, của thị trường, của xã hội.
Từ đó, xã hội chung vai sát cánh tiêu thụ nông sản của nông dân bằng sự hợp tác, cung - cầu; tạo thành hệ sinh thái, giúp cho mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, có sự tham gia của tất cả các bên" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.